Thực hiện Quyết định số 924/QĐ-TTg (02/8/2022) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp và hoạt động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. 

Điện Biên đặt mục tiêu phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số…

W-20240412_151301.jpg
Tỷ lệ đồng bào dân tộc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều giúp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về nông thôn mới ở Điện Biên. 

Phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn với mục tiêu trên 70% xã có hợp tác xã tham gia mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của xã, 100% số huyện có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện và trong đó có 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. 

Đồng thời xây dựng xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, có ít nhất 50% số xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh, trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ban ngành, thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. 

Tăng cường áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 - 4 ở cấp xã. 

Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (mạng Internet không dây (wifi) miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn,…). 

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp (huyện, xã), đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử, ký số văn bản; số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ điện tử... 

Tỉnh tăng cường áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý, tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thông tin truyền thông, đăng tải các bài viết lên các cổng thông tin điện tử (website), mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tờ rơi và tài liệu... Đào tạo và tập huấn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến địa phương. 

Ứng dụng phần mềm quản lý trực tuyến trong công tác lập kế hoạch, thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng, sản phẩm OCOP; giám sát chất lượng môi trường.

Ngành nông nghiệp chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như: Sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Nhiều cơ sở, hợp tác xã sử dụng công nghệ số vào trồng trọt, tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm đã thu được kết quả khả quan, mang lại thu nhập cao cho bà con như Hợp tác xã rau sạch ở huyện Nậm Pồ, Hợp tác xã dứa sạch ở Mường Nhà, hình thành được chợ 4.0 ở huyện Tủa Chùa…

Xây dựng, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động, tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số cho các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet. Nhờ công nghệ số, hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của cán bộ, người dân về xây dựng nông thôn mới, công tác truyền thông về xây dựng nông thông mới ngày càng hiệu quả. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chuyển đổi số đã góp phần tạo nên sức bật cho công tác xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điên Biên. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn, biên giới ngày càng đổi thay. Đó là cơ sở để tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng Internet đến cấp xã, thôn; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử vào tỉnh. 

Đồng thời huy động lồng ghép hiệu quả nguồn lực các chương trình, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn huy động hợp pháp khác từ các thành phần kinh tế và người dân thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.