Nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từ bỏ TPP, bản đồ tầm ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc sẽ thay đổi như thế nào?
Cụm từ “bẫy Thucydides” (tạm dịch là chính sách bên miệng hố chiến tranh) muốn nói tới nguy cơ căng thẳng thậm chí tới mức xảy ra chiến tranh giữa một cường quốc đã được khẳng định và một nước đang nổi lên. Trước khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, quan hệ Mỹ – Trung đã thường ở trong trường hợp như vậy, đến mức nhiều chuyên gia phân tích kết luận rằng chiến tranh không phải là kết cục không tưởng. Vậy việc ông Trump đắc cử và những tuyên bố gần đây của ông ảnh hưởng như thế nào tới mối quan hệ nhạy cảm này?
Đáng ghi nhận rằng trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử, ông Trump đã không nhắc lại các đề xuất của mình trong chiến dịch tranh cử liên quan đến việc tuyên bố Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ hay sẽ áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, những bước đi như vậy vẫn không vì thế mà bị loại trừ. Nếu các biện pháp này được áp dụng, chúng sẽ làm sụp đổ hoàn toàn quá trình toàn cầu hóa. Nói như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một phát biểu cứng rắn nhất gần đây thì “không còn giải pháp nào ngoài hợp tác với nhau”. Nếu Mỹ cố tình “trừng phạt” Trung Quốc về thương mại, Trung Quốc có thể trả đũa tương tự nhằm vào các hãng lớn của Mỹ như Boeing hay Apple, hoặc thậm chí bán phá giá nợ của chính phủ Mỹ.
Ảnh: AP |
Nói như vậy nhưng Trung Quốc cũng có thể thoải mái một chút với ông Trump vì món quà lớn mà ông đã tặng cho họ: Tổng thống đắc cử Mỹ từng tuyên bố sẽ từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Tuyên bố này thực sự không phải là tin mới. Dù một số người vẫn hy vọng một cuộc bỏ phiếu về TPP trong một phiên họp Quốc hội (mà đảng Cộng hòa phản đối TPP chiếm đa số), nhưng sự phản đối TPP mà các ứng cử viên hàng đầu của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã thể hiện rõ ràng không dẫn đến những dự báo tốt cho thỏa thuận thương mại này. Mọi khả năng Mỹ tham gia TPP đã bị dập tắt sau cuộc bầu cử trên.
Việc quay lưng lại với TPP sẽ đánh dấu hồi kết của chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ, văn kiện vốn nhằm đảm bảo loại Trung Quốc khỏi cuộc chơi (nước này sẽ không bao giờ có thể tham gia TPP vì những hạn chế mà thỏa thuận này sẽ áp đặt với các doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch hóa của Trung Quốc). Việc Mỹ buông xuôi TPP trong bối cảnh một số nước trong khu vực này vỡ mộng (ví dụ Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã nghiêng về phía Trung Quốc), có thể thấy bức tường chống Trung Quốc mà Mỹ định dựng lên giờ đây dường như đã xa vời.
Tất nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các thỏa thuận an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng cả hai nước này đang nằm trong số ít các quốc gia mà ông Trump cho là đánh giá là đang hưởng mức thặng dư thương mại lớn tới mức không thể chấp nhận được với Mỹ. Ví dụ Philippines cũng cho thấy việc chuyển hướng từ một quan hệ đặc biệt với Mỹ sang một sự ấm lên trong quan hệ với Trung Quốc có thể xảy ra nhanh chóng. Trong khi đó, NATO đang bị sốc bởi việc ông Trump đặt vấn đề về điều khoản phòng thủ chung “mọi người vì một người” của NATO cũng như nghi vấn về việc chia sẻ gánh nặng kinh tế và các vấn đề nội bộ của châu Âu. Uy tín của một liên minh quân sự có thể bị hủy hoại nhanh hơn nhiều việc tái lập nó.
Một điểm lớn hơn nữa là nếu tính toán lại các lợi ích kinh tế, việc này sẽ thay đổi hoàn toàn các mối quan hệ an ninh hiện nay, có thể làm suy yếu chúng xuống mức thấp nhất. Mỹ đã trở thành nước cho thuê an ninh hơn là một người bảo trợ an ninh. Xét về lâu dài, sẽ ngày càng có ít quan hệ đồng minh cũ. Bản đồ địa chính trị có thể sụp đổ thành bản đồ kinh tế, với dự báo không mấy ấn tượng đối với triển vọng ảnh hưởng của Mỹ, vì Trung Quốc sẽ trở thành một nhân tố ngày càng mạnh hơn trên trường quốc tế.
Để thấy rõ điều này, hãy nhìn vào bản đồ tầm ảnh hưởng thương mại thế giới. Mỹ dẫn đầu ở một số ít nơi, chủ yếu ở những phần rìa châu Mỹ, trong khi Trung Quốc dẫn đầu trên diện tích rộng hơn. Cứ với đà này vào năm 2025, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc về thương mại sẽ mở rộng hơn nữa, với việc Mỹ sẽ chỉ tập trung ở phần nhỏ Bắc Mỹ. Dự báo này quả là khó tin, nhưng hay nhớ rằng logic này đã được thể hiện trong chiến lược xuất khẩu “nhìn về phía Nam” mà Bộ Thương mại Mỹ đã xúc tiến dưới thời chính quyền sắp mãn nhiệm của ông Obama.
Bản đồ về mức độ ảnh hưởng thương mại cho thấy một điều là nếu Mỹ rút khỏi các sáng kiến địa chính trị chủ chốt như TPP và nếu họ giảm các cam kết hiệp ước đang có, nền tảng cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu sẽ chuyển thành một cuộc cạnh tranh thuần túy mang tính kinh tế, và Trung Quốc sẽ rất thích thú với các cơ hội của mình. Mạng xã hội tại Trung Quốc thời gian qua đã bày tỏ hài lòng với việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, thấy đây là một cơ hội lớn cho đất nước mình. Truyền thông chính thống ở Trung Quốc thì tỏ ra thận trọng hơn, họ nhấn mạnh rằng các đồng minh châu Âu, đặc biệt là châu Á, của Mỹ giờ đang sắp bị bỏ rơi, và Trung Quốc, không giống Mỹ, là một đối tác đáng tin cậy với mọi người. Chờ xem con Tạo xoay vần đến đâu!
Thảo Linh