Facebook hồi tuần trước tổ chức sự kiện nhằm giúp nâng cao kiến thức cho khoảng 800 lập trình viên là các sinh viên năm cuối hoặc mới ra trường. Mỗi khoá đào tạo sẽ kéo dài khoảng 6 tháng, kết hợp với các đối tác như Momo, Sendo, Chợ Tốt, Haravan, FE Credit để bổ sung nhiều kiến thức thực tế từ doanh nghiệp.
Ông Konstantinos Papamiltiadis, Giám đốc Toàn cầu về Chương trình và Đối tác Nhà phát triển của Facebook. |
Ông Konstantinos Papamiltiadis, Giám đốc Toàn cầu về Chương trình và Đối tác Nhà phát triển của Facebook, cho biết tại Việt Nam có một khoảng cách lớn giữa những điều sinh viên học được và thực tế khi đi làm, do đó Facebook tổ chức chương trình này nhằm rút ngắn độ vênh, giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức từ doanh nghiệp bên cạnh các kiến thức ở trường.
Nói với ICTnews, ông Konstantinos cho biết việc chênh kiến thức giữa trường học với thực tế không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng giới sinh viên tại Việt Nam có nền tảng kiến thức rất tốt, do đó chỉ cần bổ sung thêm các kiến thức thực tế thì sẽ tạo ra đội ngũ lập trình viên mạnh.
“Chúng tôi sẽ bổ sung thêm một số kiến thức như quản lý sản phẩm hoặc dữ liệu chẳng hạn, cộng với nền tảng sẵn có của sinh viên, kết hợp thêm những tình huống thực tế của doanh nghiệp thì sinh viên sẽ có kiến thức bao quát đủ để làm việc”, ông Konstantinos nói.
Bà Alice Wei, Trưởng bộ phận Chương trình dành cho các nhà phát triển khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Facebook, cho biết đã đi nhiều quốc gia khác nhau và nhận ra tại Việt Nam sinh viên có niềm đam mê học hỏi rất lớn.
Tuy vậy, theo bà Alice, thị trường công nghệ nói chung tại Việt Nam còn non trẻ, do đó cần có thời gian để tạo ra nhiều đột phá.
Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam hiện được cổ suý mạnh mẽ, trong số ít doanh nghiệp thành công có nhiều doanh nghiệp khác thất bại. Vì sao để tránh thất bại? Trả lời câu hỏi này của ICTnews, ông Konstantinos dẫn một câu nói nổi tiếng ở Facebook rằng, phải thất bại thật nặng và thật nhanh, sau đó học cách làm sao không bị thất bại nữa.
“Chúng ta phải biết chấp nhận thất bại dù cho đó là một cá nhân hay doanh nghiệp. Hãy cho mình các cơ hội tiếp theo để không bị thất bại nữa”, ông Konstantinos - người có kinh nghiệm nhiều năm ở các công ty công nghệ lớn trả lời.
Theo Konstantinos, ngay cả ở Facebook cũng có những sản phẩm thất bại và phải sửa đi sửa lại nhiều lần trước khi tung ra công chúng. Sau những thất bại như vậy các nhóm sẽ rút ra kinh nghiệm và kiến thức để lần khởi nghiệp tiếp theo của họ thành công hơn.
Tại Việt Nam, vị chuyên gia của Facebook đánh giá cao nỗ lực của chính phủ và các trường đại học trong việc cung cấp các kiến thức nền tảng rất vững cho sinh viên. Các doanh nghiệp chỉ cần bổ sung thêm những hiểu biết thực tế thì lớp sinh viên mới sẽ trở thành các lập trình viên giỏi.
Ngoài ra, rất nhiều công ty công nghệ tại Việt Nam cũng sẵn sàng đóng góp ngược lại cho cộng đồng, bằng các chương trình đào tạo và nhiều hình thức khác, do đó sẽ sớm tạo thành một cộng đồng công nghệ phát triển vững mạnh.
Điều thú vị của một sản phẩm công nghệ chính là có thể phục vụ khách hàng ở mọi nơi. “Các bạn làm ra một sản phẩm phục vụ khách hàng Việt Nam nhưng đôi khi sản phẩm đó có thể cũng giải quyết được các vấn đề trong khu vực, thậm chí toàn cầu. Đó là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra tầm thế giới”, ông Konstantinos khẳng định.