Bảo vệ môi trường từ thế hệ ô tô "hai không"

Năm 2016, Đức là quốc gia đầu tiên đưa ra lệnh cấm hoàn toàn ô tô sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2030. Một trong những lí do của hành động mạnh mẽ này là những báo cáo nghiêm túc về một bầu trời phương Tây đầy khí thải nitrogen dioxide và các chất gây ô nhiễm, có thể khiến tuổi thọ người dân giảm xuống ít nhất 1-2 năm.

Từ Đức, một loạt nước châu Âu đồng loạt lên tiếng, như Pháp và Anh. Ngay cả Hà Lan - vương quốc của xe đạp, chính quyền Amsterdam cũng đã phải ra lệnh cấm tương tự khi ô nhiễm không khí tại đây đã vượt giới hạn của Liên minh châu Âu.

Đồng thời với lệnh cấm dành cho phương tiện sử dụng động cơ đốt trong là mở lối hết cỡ cho xe điện. Ô tô điện sau hơn 100 năm lịch sử chìm nổi giờ đây trở thành tâm điểm. Nhưng điều này không phải ngẫu nhiên. Sự lựa chọn trước hết đến từ cơ chế hoạt động khác biệt của xe điện.

{keywords}
 

Theo chuyên gia ô tô Trần Huy Đồng, cơ chế hoạt động của xe điện dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ, chuyển hóa điện năng thành cơ năng thay vì quá trình đốt cháy nhiên liệu. Đương nhiên, khi không có phản ứng đốt cháy, xe điện không phát thải, trái ngược với hàng triệu ống khói đang ngày ngày xả ra CO2, CO, NOx cùng một loạt hợp chất gây hại cho con người trên xe chạy xăng, dầu. Với xe điện, như lời ông Đồng, mọi người sẽ có một thế hệ phương tiện "hai không": không ống xả và không phát thải khí nhà kính.

Tất nhiên, theo chuyên gia này, sự ô nhiễm không chỉ xuất phát từ nhiên liệu mà còn từ những tiểu tiết khác như sự hao mòn phanh, lốp trong quá trình sử dụng. Điều ấy không thể tránh với bất kì phương tiện di chuyển nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Birmingham (Anh) đã chỉ ra, ô tô điện với đặc thù hệ thống phanh tái sinh (dùng động cơ điện để giảm tốc độ của ô tô bên cạnh má phanh thông thường) sẽ hạn chế tối đa các ma sát trong quá trình sử dụng. Nghiên cứu ở Los Angeles cho thấy, thời gian phanh trên ô tô điện chỉ bằng 1/8 lần so với các loại xe chạy nhiên liệu hóa thạch.

"Rõ ràng, ở góc độ sử dụng trực tiếp, xe điện hoàn toàn thân thiện với môi trường. Không ngẫu nhiên mà các nước đều ủng hộ xe điện, tất cả đã dựa trên tính toán, nghiên cứu một cách khoa học", vị chuyên gia nói.

{keywords}
 

Xe điện thân thiện với môi trường ngay từ điểm xuất phát

Theo TS. Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải), việc sản xuất điện - nguồn “nhiên liệu” duy nhất của xe điện - là quá trình có thể tạo ra tác động nhất định tới hệ sinh thái, nhưng đã được quy hoạch để quản lí. Điều này khác hoàn toàn so với việc thả nổi hàng triệu xe sử dụng động cơ đốt trong xả khói khắp đường phố gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người và chỉ hậu kiểm bằng kiểm soát khí thải.

Cụ thể hơn, TS. Vũ Trọng Phát, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, với những nước sử dụng phần lớn sức nước để sản xuất điện như Việt Nam (tỉ trọng 37%), yếu tố xanh rất lớn. Nguyên nhân bởi các đập thủy điện hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu (như dầu mỏ, than đá, khí thiên nhiên) nên quá trình tạo ra điện không tạo ra CO2.

Theo ông, lượng CO2 nếu có chỉ xuất phát từ quá trình xây dựng dự án. Tuy nhiên, thủy điện theo ông là những công trình quan trọng của quốc gia, có hệ thống tiêu chuẩn vô cùng khắt khe. Bởi thế, lượng khí thải phát sinh trong quá trình xây dựng được kiểm soát rất chặt chẽ. Ngoài CO2, một loại khí khác có thể xuất hiện trong quá trình vận hành hồ chứa là metan nhưng lượng này không nhiều với lượng phát thải khí nhà kính thấp. Chính vì thế, trên thế giới, thủy điện vẫn đang được các nước sử dụng. Mỹ có hàng nghìn đập thủy điện, trong khi Na Uy có tới 99% tổng sản lượng điện đến từ thủy điện.

Bên cạnh thủy điện, ông Phát đặt hi vọng vào tương lai của xe điện bởi nguồn năng lượng nạp cho loại xe này đang được sản xuất bằng nhiều phương pháp xanh khác như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Phương thức sản xuất điện từ nhiệt điện than, nhiệt diện dầu hiện đang giảm mạnh trên toàn thế giới. Ngay tại Việt Nam, tỉ trọng cơ cấu nguồn điện từ những nguồn này tiếp tục giảm, đơn cử như nhiệt điện than sẽ chỉ còn 18% vào năm 2045. Điện gió và điện mặt trời ngược lại sẽ chiếm tỉ trọng lớn với lần lượt 22% và 20% cùng thời điểm.

{keywords}
 

Cũng theo TS. Phát, quy hoạch các nhà máy sản xuất điện từ trước tới nay luôn được tính toán kĩ để đảm bảo phân bổ đều ở những địa điểm cách xa khu dân cư, nơi có nhiều điều kiện để phục hồi tự nhiên, giảm thiểu tác động đến môi trường và quan trọng nhất là không gây hại trực tiếp tới con người. Đặc biệt, công nghệ sản xuất điện cũng ngày càng được phát triển và nâng cao, giúp cho quá trình tạo ra nguồn năng lượng cho xe điện sẽ ngày càng “xanh” hơn.

Tổng hòa tất cả những yếu tố ấy, theo vị chuyên gia, năng lượng điện và cụ thể là xe điện sẽ ngày càng thân thiện hơn với môi trường.

"Xe điện vốn là phương tiện không phát thải. Nguồn thải gián tiếp là quá trình sản xuất điện thì đang ngày một xanh hóa. Phương tiện chạy điện không cần bàn cãi là lựa chọn của tương lai với mức độ thân thiện với môi trường ngày một tăng", vị chuyên gia khẳng định.

Minh Tuấn