PV: Thưa bà, công nghiệp ô tô Việt Nam đã có gần 30 năm phát triển. Bà đánh giá như thế nào những ngày đầu của công nghiệp ô tô Việt Nam?

Bà Phạm Chi Lan: Khi chúng ta bắt đầu mong muốn thiết kế chương trình công nghiệp hóa thì đã có 1 số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghiệp ô tô. Từ Toyota, Isuzu, Hyundai, Deawoo, Ford… vào Việt Nam năm 1995, có 11 hãng ô tô trên thế giới vào Việt Nam để phát triển dây chuyền lắp ráp đầu tiên. Lúc đó tất cả chúng tôi đều có một niềm tin, một khát vọng, một mong muốn rất lớn là ban đầu người ta đầu tư vào, Việt Nam chỉ lắp ráp, nhưng từ đấy, ngành công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng lên, người Việt Nam làm việc cho họ sẽ học hỏi được về kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý, có sự chuyển giao công nghệ để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hình thành. 

CGKT Phạm Chi Lan.jpg
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ về nội địa hóa ô tô

PV: Trong sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bà nhìn nhận thế nào về quá trình nội địa hóa của các hãng xe nước ngoài?

Bà Phạm Chi Lan: Đối với những nhà đầu tư đó, ban đầu chúng ta cho họ ưu đãi khá cao trên cơ sở cam kết tạo lao động cho Việt Nam và tỷ lệ nội địa hóa. Nhà đầu tư nào cũng cam kết sau bao nhiêu năm được bao nhiêu %, phần lớn cam kết khoảng 30% nội địa hóa cho Việt Nam sau 10-15 năm và chuyển giao công nghệ, cam kết xuất khẩu…Trên cơ sở những cam kết đó, Chính phủ Việt Nam đã cung cấp những ưu đãi rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam làm ô tô, và coi như đấy là một trong những cú đầu tiên để đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. 

Nhưng trên thực tế thì như thế nào? Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam, và được hưởng ưu đãi như họ. Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển được khi chúng ta vẫn chịu mức thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó 22%, rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp... trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì 10%. 

Điều đó giải thích cho con số doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện nay (theo Bộ Công thương) chỉ có khoảng 3.400 cho tất cả các ngành khác nhau, chưa nói là ô tô. Tỷ lệ nội địa hóa của nhà cung cấp công nghiệp phụ trợ của Thái Lan cao hơn Việt Nam rất nhiều, đơn giản là từ đầu Thái Lan đã được chọn làm nơi làm phụ trợ rồi. Vì đã có ở Thái Lan nên họ không đầu tư vào Việt Nam nữa. 

NMVF  2.jpg
VinFast tăng tỷ lệ nội địa hóa mạnh trong thời gian tới

PV: Theo bà, sự ra đời và phát triển của VinFast tới đây sẽ có ý nghĩa như thế nào đến bài toán phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ô tô?

Bà Phạm Chi Lan: Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam thực sự là bài toán rất khó, và cũng chính vì thế nên công nghiệp hóa của Việt Nam không thực hiện được theo tiến độ. Vào năm 2020, chúng ta đã từng khát khao trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, sau đó lui lại năm 2030, nhưng liệu chúng ta có làm được hay không vẫn là một dấu hỏi. Chúng ta phải có sự nỗ lực hết sức to lớn mới có thể làm được.

Về VinFast, năm 2018 khi thấy Vingroup quyết định làm ô tô, tôi lo vì sự cạnh tranh quá lớn, không chỉ đến từ các nước tiến tiến, công nghiệp hóa cao trên thế giới mà cả nguồn cạnh tranh đến trực tiếp từ ASEAN, những nơi rất gần Việt Nam. 

Nhưng được đi thăm nhà máy giai đoạn đầu, rồi theo dõi mấy năm nay, đặc biệt là năm 2024, thực sự là tôi thấy rất nhẹ nhõm khi biết tin tháng 10 VinFast dẫn đầu về thị phần ô tô. Chiến lược chuyển sang xe điện thực sự rất khôn ngoan, đúng đắn và tạo thành công lớn cho VinFast. Tôi thấy rất mừng khi VinFast đã làm được việc đó. 

Còn hôm nay, được nhìn trực tiếp thì thấy tỷ lệ hơn 60% nội địa hóa của VF thực sự thuyết phục. Đến đây, sẽ thấy tận mắt rất nhiều bộ phận vô cùng quan trọng được sản xuất ngay tại Hải Phòng, trên mảnh đất Việt Nam. Các thiết bị để sản xuất nó đến từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến nhất, hiện đại nhất. Đối với xe điện của VinFast, tôi mong mọi người hiểu và có sự ủng hộ VinFast.

Đối với tương lai của VinFast, với mục tiêu 2 năm nữa, 2026 sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa 84%, tôi hoàn toàn tin làm được, vì tất cả những gì VinFast đã làm được trong thời gian vừa qua, so với các doanh nghiệp FDI đã vượt trội rồi. VinFast có hơn 7 năm thôi nhưng đã làm được những điều hơn những hãng đã ở Việt Nam hàng chục năm rồi. Nên cam kết này của VinFast với đất nước Việt Nam sẽ thực hiện được trong 2 năm tới.

VinFast phát triển, đã đóng góp rất lớn cho sự công nghiệp hóa của Việt Nam, cho nền công nghiệp Việt Nam. Mong các nhà cung cấp sẽ chung tay với VinFast để thực hiện giấc mơ nội địa hóa của Việt Nam, thực hiện giấc mơ xanh. Đây là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang có khát khao trở thành một Việt Nam thịnh vượng, vươn mình, khi chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Xin cảm ơn bà!

Băng Dương