Nhà hát Kịch Việt Nam mở màn năm mới với vở hài kịch Ả cave nhà hàng Maxim (đạo diễn: NSND Tuấn Hải). Đây là một kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp thế kỷ XIX Georges Feydeau, công diễn lần đầu tại Paris cách đây 125 năm.
NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chia sẻ rằng việc chọn vở hài kịch để khai xuân để “cười vui lấy vía”, mang lại tiếng cười đầu năm.
Georges Feydeau dùng câu chuyện về một cô gái điếm ở tiệm rượu với điệu nhảy tục tĩu, bị hiểu nhầm là phu nhân của một bác sĩ ở thủ đô Paris. Từ vị trí đó, cô ả bỗng trở thành hình mẫu và thần tượng cho giới thượng lưu quý tộc ở địa phương.
NSND Xuân Bắc cho biết, so với bản dựng cũ từng được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng cách đây hơn 20 năm, với lối diễn xuất đầy hấp dẫn của NSƯT Chiều Xuân vào vai cô kỹ nữ Crovet góp phần tạo dựng tên tuổi của nghệ sĩ trong vở diễn kéo dài 2 đêm, thì ở bản mới do NSND Tuấn Hải làm đạo diễn rút gọn lại còn gần 3 giờ.
Nữ chính trong bản dựng mới do nghệ sĩ Mai Duyên đảm nhận, nam chính vào vai bác sĩ Petypon do diễn viên Hồng Phúc hóa thân. Với lối diễn tung hứng, hài hước, ê-kíp nghệ sĩ đã dẫn dắt khán giả vào chuyện kịch dựa trên sự hiểu lầm sau đêm bác sĩ Petypon đến nhà hàng Maxim uống rượu cùng người bạn thân là Mongicourt. Không ngờ lúc quá say ông đã đưa một cô kỹ nữ về nhà.
Mọi chuyện rắc rối đã bùng nổ khi Petypon bày nhiều trò lấp liếm tội lỗi với vợ (Gabrielle). Đột ngột, ngài Đại tướng từ châu Phi về Pháp, ghé ngang nhà người cháu họ Petypon để mời dự đám cưới người con nuôi. Ông lầm tưởng cô kỹ nữ là vợ của cháu mình, nên mời cô ả về lâu đài Tuaren đóng thế vai người vợ quá cố của lão trong ngày vu quy con gái.
Tình huống buộc Petypon phải “tương kế, tựu kế”. Nào ngờ khi đến Tuaren, cô nàng Crovet bắt đầu bộc lộ bản chất lẳng lơ. Cô đã lôi kéo các quý bà vùng tỉnh lẻ vào cuộc chơi, giả đò những trò lố lăng là mốt thời thượng ở Paris và “rinh” luôn cả chú rể sắp cưới - anh chàng chính là người yêu cũ.
NSND Xuân Bắc khẳng định, vở diễn được viết cách đây hơn 100 năm nhưng thông điệp của nó vẫn mang tính thời đại. Đó là thói rởm đời kệch cỡm, thói trưởng giả học làm sang, sự mông muội thiếu hiểu biết nhưng cứ cho mình là ghê gớm, thời thượng. Đó là sự giả tạo trong cuộc sống, dở khóc dở cười khi mình tạo ra sức ép cho mình... để rồi tạo ra trò cười cho người xung quanh.
"Khán giả xem vở kịch này sẽ thấy đâu đó nhân vật mình đã từng gặp ngoài xã hội. Không cụ thể là tình huống đó, câu nói đó nhưng tinh thần đấy vẫn còn nóng hổi, dù chuyện kịch xảy ra hàng trăm năm trước", NSND Xuân Bắc khẳng định.
Đạo diễn, NSND Tuấn Hải cho biết đã sử dụng những câu thoại thuần Việt, thơ Bút Tre và ca dao tục ngữ để câu chuyện có bối cảnh nước ngoài trở nên gần gũi với khán giả Việt, bởi vở kịch này ra đời hàng trăm năm trước, nếu sử dụng đúng cách nói trong nguyên tác khán giả không thể cười được.
Đáng chú ý, vở kịch hầu như không có các diễn viên ngôi sao mà tập hợp chủ yếu là dàn diễn viên trẻ. Đạo diễn bày tỏ sự hài lòng khi những gương mặt mới đã làm tròn vai bằng sự duyên dáng của mình. “Vở kịch này các tài năng trẻ thực sự tỏa sáng. Tôi cảm thấy vui vì họ được tin tưởng, trao cho cơ hội và đã thể hiện tốt vai trò của mình, góp phần tạo ra hơi thở mới cho kịch Việt”, đạo diễn cho hay.