Hạt tiêu được ví như “vàng đen” của nước ta. Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Song nhiều năm qua, đời sống của người nông dân trồng hồ tiêu ở nước ta vẫn bấp bênh do giá bán thấp. Trên thị trường thế giới, thương hiệu hạt tiêu Việt Nam mờ nhạt, giá bán thấp hơn so với các quốc gia sản xuất hồ tiêu khác.

Còn ở vùng núi Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai), những năm gần đây người trồng hồ tiêu lại có cuộc sống sung túc, thậm chí làm giàu từ loại đặc sản này khi chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ.

Thành công khi hồi sinh tiêu sẻ Lệ Chí, ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang cho biết, tiêu sẻ từng là vị thuốc quý của người dân nơi đây. Thế nhưng, có thời gian rộ lên phong trào trồng hồ tiêu ở khắp nơi. Kết quả, cung vượt cầu khiến tiêu rớt giá, người nông dân lao đao. Ông cũng chịu chung cảnh ngộ như vậy.

Giữa lúc hồ tiêu gặp khủng hoảng, ông quyết định chuyển hướng sản xuất nhằm nâng cao chất lượng tiêu Lệ Chí. HTX Nam Yang cũng ra đời từ đó với 15 thành viên tham gia. Ông chọn trồng hồ tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ. Đến nay, số thành viên tăng dần lên 50 hộ, diện tích sản xuất khoảng 70ha.

Năm 2019, giá hồ tiêu “chạm đáy”, chỉ còn 40.000-45.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của HTX vẫn bán được 100.000 đồng/kg, giúp các hộ thành viên có thu nhập ổn định, ông chia sẻ.

hat tieu huu co.jpg
HTX Nam Yang xây dựng thành công thương hiệu tiêu Lệ Chí, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông sản xuất 

Năm 2018, HTX xây dựng lại thương hiệu tiêu hữu cơ Lệ Chí. Ông Công cũng cho biết, ngoài hàng thô, HTX cũng bắt đầu chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm như: tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu muối một nắng, tiêu xanh, tiêu bột, tiêu ngâm muối... để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm đều được đăng ký thương hiệu độc quyền, có mã QR code truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Ba sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí đã đạt sản phẩm OCOP 4 cấp tỉnh. Năm 2021, bộ 3 sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí của HTX còn được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. 

Theo ông, nhờ trồng tiêu hữu cơ, các thành viên HTX đều có cuộc sống khá giả. Như gia đình ông, đều đặn mỗi năm thu lãi 1 tỷ đồng từ hạt tiêu hữu cơ.

Để có được thành quả này, HTX Nam Yang đã liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ. Trong quá trình sản xuất, hộ thành viên của HTX không tham vọng xuất bán số lượng nhiều mà chỉ làm hàng lượng vừa phải nhưng chất lượng tốt, bán được giá cao và định hướng xây dựng thương hiệu của mình tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản,... 

Sản phẩm hiện nay không chỉ có bán tại các hệ thống siêu thị nội địa, sàn thương mại điện tử mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, ông Công chia sẻ.

Bà Nguyễn Vũ Hoàng Yên - Chủ tịch UBND xã Nam Yang, cho biết, xã có Công ty TNHH một thành viên Tiêu đỏ Gia Lai cùng HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang đang chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm hồ tiêu.

Trong định hướng phát triển, xã cũng đã thành lập các chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững, có các chương trình hướng dẫn sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, liên kết tiêu thụ với các công ty thu mua lớn…

Chính những lợi ích về mặt kinh tế từ sự liên kết đó đã giúp người dân nhận thức được sản xuất hữu cơ là con đường mình phải theo. Hạt tiêu hữu cơ Lệ Chí có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa, vươn ra thế giới xuất hiện trên quầy kệ siêu thị tại nhiều quốc gia, bà cho hay.

Cầm trong tay những sản phẩm mang thương hiệu tiêu Lệ Chí, ông Công tự hào nói: “Các sản phẩm đều được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao sau khi đưa ra thị trường. Nông dân Nam Yang chúng tôi làm thương hiệu này để thực hiện ước mơ xây dựng lại vùng đất quê hương đã nuôi mình lớn lên, khôi phục lại những sản phẩm truyền thống tại địa phương, mang ngược lại lên thành phố và mong muốn xuất khẩu đi các nước trên thế giới để quảng bá mô hình OCOP- mỗi làng mỗi xã một sản phẩm”.

Văn Hùng và nhóm PV, BTV