Đỉnh Everest

mount everest 4751677 1920.jpg
Đỉnh Everest được mệnh danh là nóc nhà của thế giới. Ảnh: Pixabay

Được mệnh danh là "nóc nhà của thế giới", đỉnh Everest không chỉ là địa điểm thu hút giới leo núi trên toàn thế giới mà còn hàm chứa vô số điều bí ẩn. Tại Nepal, đỉnh Everest mang tên Sagarmatha tạm dịch là "trán trời".

Trong khi đó, theo tiếng Tây Tạng, đỉnh núi này được gọi là Chomolangma nghĩa là "thánh mẫu của vũ trụ".

Tại Trung Quốc, Everest được phiên âm từ tiếng Tây Tạng là Châu Mục Lãng Mã Phong hoặc được dịch là Thánh Mẫu Phong với ý nghĩa đỉnh núi của thánh mẫu.

Tại đây có tu viện Rongbuk. Theo tín ngưỡng của người Nepal, tu viện cao nhất thế giới này chứa nguồn năng lượng tối cao của các vị thần linh. Vì thế, họ tin rằng đỉnh Everest là nơi lưu giữ những năng lượng tối cao từ các vị thần.

Đỉnh Everest cũng nổi tiếng với những câu chuyện bí ẩn, chưa có lời giải. Một trong số này là giai thoại về quái vật người tuyết Yeti.

Người Nepal và Tây Tạng thường truyền tai nhau về con quái vật khổng lồ sinh sống tại vùng núi quanh năm tuyết lạnh. Quái vật Yeti có nguồn gốc từ vùng núi Everest. Việc dân địa phương thường xuyên nhìn thấy những dấu chân khổng lồ còn in trên tuyết ngày càng củng cố niềm tin nói trên.

Không những thế, năm 1951, đoàn thám hiểm Everest của nhà leo núi người Anh Eric Shipton đã nhìn thấy những dấu chân khổng lồ ở độ cao 6.000m. Năm 2009, nhà làm phim người Mỹ có tên Josh Gates cũng phát hiện những dấu tích tương tự được cho là của người tuyết Yeti.

Các mẫu lông mà Josh Gates lấy được từ một dấu chân dài 33cm, rộng 25cm đã được đem đi nghiên cứu. Sau kiểm tra, các nhà khoa học nhận định, đây là mẫu chứa một chuỗi DNA hoàn toàn chưa được biết đến.

Núi Mauna Kea

mauna kea.jpg
Ngọn núi Mauna Kea được xem là biểu tượng tôn giáo quan trọng của người Hawaii bản địa. Ảnh: Pixabay

Đảo Hawaii là nơi hội tụ 5 ngọn núi lửa lớn gồm: Mauna Kea, Kohala, Mauna Loa, Hualalai và Kilauea. Trong đó, Mauna Kea là ngọn núi cao nhất Hawaii và toàn bộ Thái Bình Dương. 

Cả 5 ngọn núi trên đều được người địa phương xem như thánh địa. Tuy nhiên, Mauna Kea được tôn sùng hơn cả. Theo truyện cổ của người Hawaii, núi Mauna Kea là địa mạo hình thành đầu tiên bởi Trái Đất và bầu trời.

Các truyện cổ cho rằng, Mauna Kea tạo nên nền tảng của sự sống. Do đó, ngọn núi thiêng liêng này được xem là biểu tượng tôn giáo quan trọng của người Hawaii bản địa. Với họ, Mauna Kea còn là “cửa ngõ vào thiên đường”. 

Núi Shasta

shasta mountain.jpg
Người Mỹ bản địa sinh sống ở khu vực này vẫn thực hiện các nghi lễ tôn thờ núi Shasta để thu hút sức mạnh tâm linh do ngọn núi thiêng phát ra. Ảnh: Pixabay

Núi Shasta cũng được xem là một trong những ngọn núi linh thiêng của thế giới. Ngọn núi này nằm ở cuối phía Nam của dãy Cascade Siskiyou County, California, Mỹ.

Một trong những minh chứng về sự linh thiêng của ngọn núi được nhắc đến nhiều nhất là màn sương bí ẩn giúp ngăn chặn vụ cháy rừng khủng khiếp năm 1931. Các tài liệu cũ ghi nhận, năm 1931, một vụ cháy rừng dữ dội đã quét qua núi Shasta.

Khi tưởng chừng cả ngọn núi sẽ bị ngọn lửa nuốt chửng thì bỗng nhiên xuất hiện một màn sương bí ẩn. Màn sương mù dày đặc này tạo thành ranh giới, ngăn chặn không cho ngọn lửa tiếp tục lan nhanh, thiêu rụi mọi thứ nó quét qua.

Ngoài ra, các nhà khoa học, khảo cổ cho rằng, ngọn núi từng là nơi sinh sống của một số bộ lạc bản địa Bắc Mỹ trong hơn 9.000 năm. Một số bộ lạc tin rằng núi Shasta là trung tâm của sự sáng thế.

Người Mỹ bản địa sinh sống ở khu vực này ngày nay vẫn thực hiện các nghi lễ tôn thờ núi Shasta để thu hút sức mạnh tâm linh do ngọn núi thiêng phát ra.

Trong những câu chuyện truyền thống của họ, ngọn núi là nơi sinh sống của nhiều linh hồn và người giám hộ. Một trong số đó là linh hồn của tộc trưởng Skell, người được cho là đã từ trên trời rơi xuống đỉnh núi. Người dân cũng tin rằng có một sinh vật được gọi là matah kagmi sinh sống trên núi và bảo vệ các khu rừng xung quanh.

Năm 1971, nữ tu người anh có tên Houn Jiyu Kennett đã xây dựng tu viện Phật giáo tại đây. Sau này, tu viện trở thành địa điểm thiền định của người mộ đạo.

Núi Sinai 

nui sinai.jpg
Theo Cựu ước, Kinh thánh và Kinh Qur’ran, ngọn Sinai là nơi Moses tiếp nhận Mười điều răn. Ảnh: Pixabay

Núi Sinai nằm trên bán đảo Sinai, Ai Cập. Đây là địa điểm được cho là núi Sinai trong Kinh thánh. Theo Cựu ước, Kinh thánh và Kinh Qur’ran, ngọn núi này là nơi Moses-lãnh tụ tôn giáo tiếp nhận Mười điều răn.

Ngay phía bắc ngọn núi là tu viện Thánh Catarina có từ thế kỷ thứ 6. Tu viện được đã UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1979.

Hiện nay, tu viện Thánh Catarina là một trong những tu viện lâu đời nhất thế giới còn tồn tại và là địa điểm linh thiêng của 3 tôn giáo lớn gồm: Công giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo. 

Trên đỉnh Sinai hiện nay còn có nhà thờ Hồi giáo và nhà thờ Chính thống giáo Hy Lạp được xây dựng vào năm 1934. Tại đây còn có “hang động của Moses", địa điểm được cho là nơi Moses đã nhận Mười điều răn.

Núi Uluru

uluru.jpg
Uluru được xem là cội nguồn thiêng liêng của thổ dân Úc. Ảnh: Pixabay

Uluru là tảng sa thạch khổng lồ đổi màu kì lạ được ví như ngọn núi đá linh thiêng bậc nhất của nước Úc.

Các nghiên cứu cho thấy, thổ dân Úc đã sinh sống ở khu vực xung quanh Uluru gần 60.000 năm. Điều này cho thấy họ là một trong những nền văn minh lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới.

Thổ dân Anangu của vùng này cho rằng những vị thần đã tạo ra thế giới là tổ tiên của họ. Và, Uluru là một kiệt tác của tổ tiên họ trên Trái Đất này.

Uluru không chỉ đơn giản là một khối sa thạch hùng vĩ đối với người Anangu. Đó còn là vị trí nơi tổ tiên họ cư trú và cũng là nơi khởi nguồn của Đấng sáng tạo.

Do đó, nơi đây dường như là một địa điểm linh thiêng và bất khả xâm phạm.

Núi Kailash

mount kailash 8103967 1920.jpg
Những tôn giáo xem Kailash là ngọn núi thiêng đều tin rằng có những vị thần trong tôn giáo của họ đang ở trên ngọn núi này. Ảnh: Pixabay

Núi Kailash là ngọn núi đầu tiên trong 4 ngọn núi thánh ở Tây Tạng, Trung Quốc. Đặc biệt, đây cũng là ngọn núi thánh chung của 4 nền tôn giáo gồm: Bon (hay còn gọi là Bôn giáo, tôn giáo bản địa của người Tây Tạng), Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và Phật giáo.

Những tôn giáo xem Kailash là ngọn núi thiêng đều tin rằng có những vị thần trong tôn giáo của họ đang ở trên ngọn núi này. Thậm chí, họ còn mệnh danh Kailash là vua của những ngọn núi linh thiêng. 

Đỉnh Olympus

olympicos.png
Đỉnh Olympus được xem là nơi ở của các vị thần. Ảnh: John Pap

Cao 2.918m, núi Olympus là đỉnh núi cao nhất của Hy Lạp. Olympus cũng có mặt trong danh sách những ngọn núi thiêng liêng nổi tiếng nhất thế giới.

Đỉnh Olympus được xem là nơi ở của các vị thần, là biểu trưng cho sức mạnh và lòng tin vào thần linh của người dân Hy Lạp nói riêng và những người say mê thần thoại Hy Lạp nói chung.

Trong thần thoại Hy Lạp, núi Olympus là nhà của 12 vị thần Olympus - các vị thần chính trong đền bách thần (Pantheon) của người Hy Lạp. 

Trong thần thoại Hy Lạp người ta cũng kể rằng, sau khi nữ thần Gaia (nữ thần mẹ đất) sinh ra các thần khổng lồ (Titan) thì họ phải dùng các ngọn núi ở Hy Lạp làm ngai vàng của mình do họ quá to lớn. Cronus - vị thần Titan trẻ nhất và hùng mạnh nhất ngồi trên núi Olympus.

Theo thần thoại Hy Lạp, 12 vị thần được nêu tên trên đỉnh Olympus gồm: Zeus, Hera (nữ thần hôn nhân và gia đình), Poseidon (thần biển), Demeter (nữ thần sinh sản), Athena (thần trí tuệ), Hestia (nữ thần lửa và gia đình), Apollo (thần ánh sáng), Artemis (nữ thần săn bắn), Ares (thần chiến tranh), Aphrodite (thần tình yêu), Hephaestus (thần thợ rèn) và Hermes (người đưa tin cho các thần). 

(Tổng hợp)