- Một người đàn ông bán vé ở miền Tây gây sốc khi có điểm thi công chức cao ngất ngưởng.
Mấy ngày qua, người dân miền Tây xôn xao chuyện 1 người đàn ông xuất thân trong gia đình nghèo khó, hằng ngày đi bán vé số kiếm tiền mưu sinh lại có điểm thi rất cao trong kỳ thi tuyển công chức tại tỉnh Sóc Trăng.
Đó là anh Kim Thái (38 tuổi, ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, Sóc Trăng).
Theo kết quả vừa được Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng công bố, anh Kim Thái thi 5 môn đạt 213 điểm và được cộng thêm 20 điểm ưu tiên dành cho ứng viên dân tộc Khmer.
Anh Kim Thái - người đàn ông bán vé số có điểm thi công chức cao ở Sóc Trăng |
“Cùng tham gia thi tuyển vào vị trí công chức hành chính tổng hợp của Văn phòng UBND huyện Long Phú có 3 người nhưng một thí sinh vắng mặt. Tôi đạt tổng cộng 233 điểm, người còn lại đạt 204 điểm” anh Kim Thái chia sẻ.
Từ bán vé số đến ngưỡng cửa công chức
Anh Kim Thái sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em thuộc dân tộc Khmer. Từ nhỏ Kim Thái đã khát khao được đi học để thay đổi cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Thái thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng.
Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau hai năm theo học anh Thái phải nghỉ, về nhà làm nông phụ giúp gia đình.
Đến năm 2001, anh Thái lập gia đình với chị Ung Thị Thu Hằng. Cưới vợ, có con nhưng đất đai ít nên hàng ngày ngoài việc đồng ruộng anh Thái còn đi bán vé số dạo.
Quyết tâm thay đổi số phận, anh Thái cố gắng chắt chiu, dành dụm tiền cho vợ đi học lớp sơ cấp dược và y sỹ.
Hàng ngày anh Thái lầm lũi đi bán vé số mưu sinh nhưng vẫn dành thời gian đi học đại học |
Khi vợ tốt nghiệp về làm nhân viên y tế của một trường tiểu học gần nhà, cũng là lúc anh Thái bắt đầu đăng ký học đại học từ xa chuyên ngành Luật của Trường Đại học Cần Thơ. Ước mơ của anh là có tấm bằng đại học.
“Tôi chọn ngành Luật chứ không phải ngành khác vì có thể giúp đỡ, tuyên truyền kiến thức pháp luật cũng như hoà giải những mâu thuẫn cho bà con trong xóm, nhất là các gia đình Khmer ít hiểu biết pháp luật”, anh Thái thật thà bày tỏ.
Người đàn ông dân tộc Khmer kể, trong quá trình học đại học anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế. Nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm anh cũng tốt nghiệp vào năm 2015, với tấm bằng loại khá.
“Khi đi học tôi gặp đủ khó khăn. Mỗi khi học tập trung ít thì 1 tuần, nhiều thì 5 tuần liên tục. Trong thời gian vừa học vừa kiếm tiền mưu sinh, tôi tranh thủ lúc bán vé số mang theo tài liệu để trưa ghé quán cà phê võng nằm học.
Nhiều người thấy tôi đi bán vé số nhưng mang cái ví lớn quá, họ nói chắc tiền nhiều lắm, thiệt tình trong đó toàn tài liệu à”, anh Thái cười nhớ lại.
Anh Thái rất tự tin đảm nhận tốt công việc hành chính tổng hợp tại UBND huyện Long Phú |
Đến cuối năm 2017, khi hay tin Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng tổ chức kỳ thi tuyển công chức, anh Kim Thái liền đăng ký thi tuyển.
“Trong lúc bán vé số tôi cũng tranh thủ ôn luyện tin học, ngoại ngữ, kiến thức chung và chuyên ngành để tham gia kỳ thi tuyển công chức.
Khi thi xong, tôi tin mình sẽ đạt điểm cao nên lúc biết điểm thi, tôi không quá bất ngờ. Chỉ có vợ và con gái thì reo hò, chúc mừng ”, anh Thái tâm sự.
Chị Hằng - vợ anh Thái hiện là nhân viên y tế của một trường học gần nhà |
Giấy khen do Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng tặng |
Trong những ngày chờ nhận quyết định chính thức của Sở Nội vụ Sóc Trăng về việc tuyển dụng công chức, anh Thái vẫn tiếp tục bán vé số và tham gia ban bảo vệ dân phố - TT Long Phú với vai trò Phó ban. Chính việc góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, anh được Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng 3 lần khen thưởng.
“Tôi tin mình sẽ làm tốt nhiệm vụ công chức nếu được bố trí công việc”, anh Thái nói.
Noi theo tính hiếu học từ cha, con gái của anh Kim Thái cũng là học sinh xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen nhiều năm liền.
'Sự hài lòng của người dân là cơ sở tăng thu nhập công chức'
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức cần kênh thông tin giám sát sự hài lòng của người dân.
Lương thấp phụ cấp nhiều, công chức vẫn sống khoẻ
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tham nhũng phổ biến khiến tiền lương thấp, nhưng công chức vẫn sống khỏe và không muốn cải cách tiền lương.
Cửa quyền, chuyện thường xuyên của công chức?
Thái độ cửa quyền hách dịch của các "công bộc" dân lại có quyền ban phát lâu ngày không chấn chỉnh thành thói quen "chảnh"- TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
Hoài Thanh