-Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ 2012 ở thể loại hư cấu vừa gọi tên nữ văn sĩ Louise Erdrich và cuốn tiểu thuyết về bạo lực tình dục “The Round House”.


Có hai cấp độ mà người ta thường đề cập khi nói về lần trao này của Sách quốc gia Mỹ, giải thưởng đầy uy tín trong phạm vi văn chương Mỹ. Trước hết, đó là sự công nhận muộn màng dành cho nữ văn sĩ 58 tuổi Louise Erdrich sau 30 năm bà cầm viết và đoạt được rất nhiều giải thưởng nhờ tiểu thuyết, thơ ca, truyện ngắn và các tác phẩm cho thiếu nhi.

  “The Round House”, cuốn tiểu thuyết thứ 14 đưa lại vinh dự Giải thưởng Sách quốc gia cho nữ văn sĩ Louise Erdrich.

Sự nhìn nhận thứ hai, ở một cấp độ rộng hơn, là dành cho văn chương của các bộ tộc thiểu số bản địa. “The Round House” (Nhà tròn) được nữ văn sĩ có mẹ là gốc thổ dân Chippewa và cha gốc Đức viết bằng chính cổ ngữ của người Chippewa, trước khi bà chuyển thể sang tiếng Anh.

Nội dung cuốn tiểu thuyết thứ 14 của bà thuật lại câu chuyện về một người phụ sống trong khu định cư của người thiểu số ở Bắc Dakota bị tấn công vào một chủ nhật của mùa xuân năm 1988. Các chi tiết về tội ác lộ ra bên ngoài nhỏ giọt khi Geraldine Coutts bị chấn thương và miễn cưỡng nhớ lại hay tiết lộ về những gì đã xảy ra cho cảnh sát hay cả chồng cô, anh Bazil, và đứa con trai 13 tuổi Joe.

Đơn độc tiến về phía trước, Joe nhận ra cậu đang sớm quăng mình vào thế giới của người lớn, thế giới mà cậu chưa sẵn sàng. Trong khi cha cậu, người giữ vai trò quan tòa của bộ lạc, cố gắng giành lấy công lý trong tình thế mà những nỗ lực của ông bị giới hạn, Joe ngày càng thất vọng với cuộc điều tra của nhà chức trách và bắt đầu lên đường cùng những người bạn tin cậy, Cappy, Zack, và Angus để tìm kiếm câu trả lời cho mình. Nghi vấn đầu tiên dẫn họ đến Nhà Tròn, không gian linh thiêng và chốn thờ cúng của bộ lạc Ojibwe. Và đây mới chỉ là sự bắt đầu.
Tranh minh họa của Jon Han cho “The Round House” trên tờ New York Times

Khi trang điện tử của giải thưởng đặt câu hỏi về ý tưởng ươm mầm cho cuốn tiểu thuyết này, bà chia sẻ: “Những khó khăn chồng chất của việc nghiên cứu tội ác về bạo lực tình dục ở các khu vực người thiểu số đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm, nhưng tôi đã không biết làm sao để kể một câu chuyện. Tôi muốn viết nó như một cuốn tiểu thuyết hồi hộp. Còn cách nào khác có thể hàm chứa sự phán xét chuyện phức tạp này? Tôi không muốn làm chán chính mình. Khi nhân vật chính của tôi, em Joe, bắt đầu nói, tôi biết rằng tôi đã chờ đợi em. Món quà cho một nhà văn. Thậm chí bây giờ, tôi vẫn thấy nhớ việc viết ra tiếng nói của em cũng như lao động trên tác phẩm”.

Sử dụng bút pháp tự thuật câu chuyện ở ngôi thứ nhất, bà nói: “Joe đã kéo tôi đi suốt quyển sách, tôi không thể viết nó theo bất cứ cách nào khác. Tôi yêu việc hóa thân làm cậu bé 13 tuổi ấy…Tôi dành quan tâm cho các nhân vật của tôi – cố gắng nhận ra họ, hiểu họ, và nghĩ như họ, cảm thấy điều mà họ cảm thấy, cư xử như họ cư xử. Và sau đó mới tới ngôn ngữ - nghe theo những gì được làm nhẹ đi bằng ẩn ý, cố gắng viết điều gì đó trong can đảm”.

Nữ văn sĩ Louise Erdrich (ảnh Newsday

Trong tác phẩm của mình, Louise Erdrich khám phá những chủ đề về người Mỹ bản xứ với những nhân vật chính đại diện cho cả hai mặt trong di sản của bà. Trong các tác phẩm của mình, bà trở đi trở lại với bối cảnh vùng đất Bắc Dakota, nơi khởi nguồn bộ lạc Chippewa và sáng tạo “trải nghiệm Chippewa bằng lối hành văn mang truyền thống của tiểu thuyết Âu Mỹ” (theo P. Jane Hafen, Từ điển Tiểu sử Văn chương).

Năm 1972, Erdrich theo học tại trường cao đẳng Dartmouth, đây cũng là năm mà trường này nhận học sinh nữ cũng như là năm khoa nghiên cứu người Mỹ bản địa được thành lập. Nhà nhân học Michael Dorris, người chồng tương lai của bà, được thuê làm chủ nhiệm khoa. Trong lớp của ông, bà bắt đầu khám phá về cội nguồn của mình, mà sau này đã thực sự gợi cảm hứng cho những cuốn tiểu thuyết.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Love Medicine” (Tình dược) xuất bản năm 1984 của bà được nhà phê bình Marco Portales ở tờ New York Times khen ngợi: “Với lần ra mắt ấn tượng này, Louise Erdrich đã gia nhập vào hàng ngũ những cây viết tiểu thuyết chắc tay ở Mỹ”. Love Medicine được đặt tên dựa trên niềm tin về một loại bùa yêu có trong truyền thuyết dân gian của người Chippewa.

Nhiều nhà phê bình cho rằng Erdrich đã giữ được sự trung thành với hình ảnh nghệ thuật và huyền thoại của tổ tiên trong khi vẫn khám phá một cách thẳng thắn những vấn đề văn hóa mà những người thổ dân Mỹ và những người pha trộn nguồn gốc thổ dân phải đối diện. Những tác phẩm của bà đã vượt lên việc phản ảnh chân dung cuộc sống của người Mỹ bản địa đương đại như người thừa kế của những người thống trị về mặt chính trị, để khám phá những câu hỏi phổ quát lớn lao – những câu hỏi về căn cước nhân dạng, trật tự chống lại hỗn loạn và ý nghĩa của bản thân cuộc sống. Sự thay đổi những hình tượng, chủ đề và chiến lược sử dụng ngôn ngữ gốc của bà đã tái khẳng định những mệnh lệnh khẩn thiết đối với sự sống còn của thổ dân Mỹ.


Khải Trí