- Trong khi không ít người phải lo nghĩ ăn sao ngon, mặc sao đẹp và thậm chí làm sao để ‘giải quyết’ được đống quà Tết được biếu, tặng thì nhiều người khác chỉ ấp ủ ước mong… có đủ tiền xe để về quê ăn Tết.
TIN BÀI KHÁC
Đau đầu vì quà Tết
Sinh viên “đội rét” về quê đón Tết
'Cả nhà chỉ có 5-7 trăm nghìn lo Tết'
Người giúp việc đòi thưởng Tết quy ra vàng
Đi Tết sếp, 'hàng nóng' cho nhanh
“Người ăn không hết…”
Bài toán chi tiêu dịp Tết đối với nhiều gia đình là nỗi lo canh cánh trước đó cả tháng. Tất cả trông ngóng vào thưởng, để rồi sát Tết vỡ mộng khi biết tiền thưởng… chỉ mang giá trị tinh thần.
Hụt hẫng là thế, song quà sếp không thể không đi, quà biếu bên nội, bên ngoại, osin… càng không thể không có. Thế nhưng với một cơ số người, Tết không phải là dịp để lo lắng chuyện tiền bạc, chi tiêu mà là dịp để ăn ngon, trưng diện và thể hiện đẳng cấp…
"Mạnh tay" chi tiền tiêu Tết (Ảnh minh họa) |
Năm nào cũng vậy, gia đình anh Hưng (Ba Đình, Hà Nội) sẵn sàng “mạnh tay” chi tiền để sở hữu một cây mai giá cả hàng chục triệu đồng chơi Tết.
“Miền Bắc hoa đào đâu chẳng có, chơi mãi rồi cũng thấy nhàm. Mấy năm nay, nhà tôi thường đặt mối quen tận Thủ Đức (TP.HCM) để mua mai. Năm ngoái mua cây 70 triệu, nhưng không ưng lắm, năm nay thấy chủ vườn bảo có cây mai cổ thụ, dáng cực “chuẩn”, nhìn qua ảnh là tôi ưng ngay nên chi gần 200 triệu để tậu về”, anh Hưng hào hứng kể.
Không cầu kỳ mai, đào, nhưng nhiều ngày nay chị Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) đang đau đầu vì lo lắng lên thực đơn cho cả nhà dịp Tết.
“Tết này tôi tính mua ít thịt bò Kobe hoặc thịt bò Úc để làm bít tết cho mềm. Cũng muốn mua ít gan ngỗng để làm áp chảo. Chồng tôi lại thích ăn lợn rừng nên hôm trước tôi phải nhờ cậu em đặt mua tận Hòa Bình 1 con. Tết nhất bạn bè đông, ăn uống không thể qua loa, nhất là khi chồng tôi cũng là sếp cả một công ty”, chị Hoa chia sẻ.
Có chồng là người nước ngoài, đường đường là giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại Hà Nội, chị Mai Anh (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, dịp Tết nhà chị chỉ băn khoăn nghĩ xem nên đi đâu thì hấp dẫn.
Chị kể, ngày Tết, vợ chồng chị chỉ té tạt qua nhà ngoại ăn bữa cơm tất niên, còn mấy ngày sau để dành thời gian đi du lịch và xuất ngoại mua sắm.
Bà Vân (Ba Đình, Hà Nội) thì lại lo đi phân phát quà biếu khi lường trước được là gia đình không thể dùng hết.
"Sát Tết, lúc nào nhà tôi cũng nườm nượp khách. Chẳng phải bạn bè gì đâu, toàn nhân viên của chồng tôi đến lễ Tết. Nhiều khi cũng ngại chẳng muốn nhận, nhưng có từ chối thì vài bữa sau chẳng hiểu họ luồn lách kiểu gì, quà ấy vẫn đến nhà mình.
Nhà có mấy người đâu, nên quà đó nhà tôi cũng đem phân phát hết hoặc có năm không về quê được thì phải đem thanh lý", Bà Vân kể.
“...Kẻ lần không ra”
Nếu như nhiều gia đình có điều kiện lo lắng làm sao có một cái Tết độc và sang thì không ít công nhân, sinh viên, những người lao động ngoại tỉnh lại ngậm ngùi trong nỗi buồn không có tiền về quê ăn Tết.
Sinh viên gian nan chặng đường về quê ăn Tết (Ảnh minh họa, Nguồn: Đất Việt) |
Trên một diễn đàn mạng, một thành viên sinh năm 1992 tâm sự: “Em là L.V.T, sinh viên, quê ở Thanh Hóa. Vì nhà em rất nghèo nên năm nay không có điều kiện về quê ăn Tết. Em cố gắng xin việc trông nhà ngày Tết để ít nữa có tiền đóng học phí. Mong các anh, chị nào có nhu cầu hoặc bất cứ việc gì trong các ngày Tết thì giới thiệu giúp em. Phòng trọ của em còn 2 bạn nữa cũng không có tiền về quê ăn Tết. Số ĐT liên hệ của em là: 0168...”.
Lê Minh ở Can Lộc, Hà Tĩnh cũng là một trường hợp không được về quê ăn Tết. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, Minh và em gái đều cố bám trụ lại TP.HCM để xin việc. Em gái Minh làm được nửa năm thì công ty cắt giảm nhân sự và em Minh thất nghiệp.
“Từ tháng 8 tới giờ nó không dám nói thật với bố mẹ là bị mất việc nên cứ ở lại thành phố để xin việc làm. Nhưng càng cuối năm tình hình xin việc càng khó khăn, trong khi lương mình chật vật lắm mới đủ chi tiêu cho cả hai chị em, không tích góp được đồng nào để mà mong về Tết”, Minh buồn bã chia sẻ.
"Mình phải nói dối với bố mẹ là công ty phân công ở lại trực Tết cho người nhà đỡ buồn. Tháng trước mẹ còn gọi điện bảo mẹ nuôi mấy con gà để dành hai chị em về ăn Tết…”, cô ngậm ngùi cho biết.
Khi rời gia đình, đi làm xa quê ai cũng cố mong ngày về không nhiều thì ít phải sắm cho ba mẹ chiếc ti vi, biếu ít tiền hay mua cho đám trẻ vài bộ quần áo mới, nhưng “lực bất tòng tâm”. Nhiều người thu nhập thấp đã phải lỗi hẹn với lời hứa về quê ăn Tết cùng gia đình.
Anh Hà ở Nông Cống, Thanh Hóa cũng là một người phải đón Tết xa quê. Nhờ người anh họ giới thiệu, anh Hà tìm được công việc bảo vệ cho một hàng ăn ở Kim Mã, Hà Nội trong mấy ngày Tết.
“Dù không được về quê nhưng làm thêm những ngày Tết được trả cao hơn nhiều so với những ngày bình thường, mình muốn làm để kiếm thêm một ít năm sau còn về sửa cái nhà”, anh Hà cho biết.
Nhưng cũng không có ít trường hợp phải ở lại ăn Tết ở nơi đất khách quê người một cách bất đắc dĩ. Dù đã có lịch nghỉ Tết nhưng Lê T. (Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn chưa chịu về quê giúp gia đình chuẩn bị đón Tết.
Số là T. vốn có máu đỏ đen, sinh viên năm thứ 2, ĐH XD này đã cầm hết điện thoại, laptop và chiếc xe Nouvo để nướng vào cờ bạc và tiêu xài cá nhân.
“Dù xoay xở vay mượn bạn bè nhưng em cũng chỉ chuộc lại được chiếc điện thoại, latop nhưng xe máy thì đành chịu. Bạn em chủ yếu đều là sinh viên nên không có nhiều tiền, mà cũng gần Tết, vay mượn không dễ dàng gì”, T. lo lắng.
T. cho biết, cậu sẽ lấy lý do tìm được công việc làm thêm dịp Tết, lương cao để ở lại. Đồng thời, báo cáo với bố mẹ lý do chính đáng là ra Tết còn thi tiếp 2 môn nữa, nên vừa ở lại làm thêm vừa ôn thi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cha mẹ, người thân ở nhà luôn trông ngóng con, cháu trở về vào dịp Tết bất kể bạn giàu hay nghèo, có quà cáp hay không. Bởi Tết luôn là "thời điểm vàng" để các gia đình gặp gỡ, đoàn viên.
Lê Minh – Minh Anh