Trong Tuần lễ vàng tháng 8/1945, doanh nhân Sơn Hà không ngần ngại rút chiếc nhẫn quý gắn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng. Theo cụ: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải nếu mất nước, tiền và của cải nhiều cũng chẳng để làm gì”.

Trong căn biệt thự cổ nhuốm màu thời gian ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng, họa sĩ Nguyễn Thị Sơn Trúc (SN 1944) còn lưu giữ khá nhiều kỷ vật về cha mình, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980).

Cụ là một trong những thương gia hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc, được biết đến như ông tổ của nghề sản xuất sơn ở Việt Nam.

{keywords}
Bà Sơn Trúc bên căn biệt thự của gia đình. Ảnh: Diệu Bình

“Cụ Sơn Hà sinh ra trong một gia đình có 7 anh em ở huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Con đường khởi nghiệp kinh doanh của cha tôi không hề dễ dàng. Đó là cả một câu chuyện dài…”, bà Sơn Trúc mở đầu câu chuyện về cha mình.

Thời trẻ, doanh nhân Sơn Hà làm thuê cho một hãng sơn của người Pháp ở Hải Phòng. Sau đó, muốn đứng ra kinh doanh độc lập, cụ khởi đầu bằng việc tự chế tạo loại sơn riêng của bản thân.

Để có tiền vốn, Nguyễn Sơn Hà bán chiếc xe đạp, tài sản duy nhất mình có lúc bấy giờ, dùng tiền để mua một chiếc máy xay bột. Loại máy này giúp cụ nghiền nguyên liệu để chế tạo sơn. Tuy nhiên mẻ sơn đầu tiên không thành công, sơn bán ra bị ế. Sơn Hà không bỏ cuộc, tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời những mẻ tiếp theo.

“Trong những câu chuyện sau này của gia tộc kể lại, tôi vẫn thường được nghe về những ngày đầu khởi nghiệp thiếu thốn của cha tôi. Để có tiền, cụ phải tự làm đồ chơi cho trẻ em.

Sau đó, những ngày gần đến trung thu, đêm nào cha tôi cũng mang ra ga tàu bán đến tận khuya. Tất cả chỉ để theo đuổi ước mơ tạo được hãng sơn riêng của người Việt. Tôi thường mường tượng về hình ảnh đó và nó ám ảnh tôi mãi”, bà Sơn Hà chia sẻ.

{keywords}
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Ảnh: Gia đình cung cấp

Để tạo loại sơn riêng, cụ Sơn Hà chú trọng vào nguồn nhiên liệu có sẵn trong nước như nhựa thông, dầu của các loại cây. Theo cụ, nguồn nguyên liệu này sẽ làm giá thành sản xuất rẻ và an toàn. Sau khi có mẫu sơn ưng ý, cụ đẩy mạnh vào việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

“Cha tôi tìm khách hàng bằng cách bán sơn cho cai thầu người Hoa ở Hải Phòng với giá rẻ, biếu hàng mẫu, gửi sơn cho các hãng buôn lớn bán với lãi suất cao mà lại không phải trả tiền hàng ngay…

Thấy sơn rẻ lại chất lượng tốt, khách bắt đầu đặt hàng. Dần dần, số lượng sơn của cha tôi bán ra ngày càng tăng”, bà Sơn Trúc cho biết.

Năm 1920, Nguyễn Sơn Hà khi đó là một thanh niên 26 tuổi đã xây dựng một cơ xưởng ở Lạch Tray, Hải Phòng với diện tích 7.000 m2. Cụ mở rộng sản xuất, sắm máy xay và các phương tiện hiện đại.

Để chủ động nguồn nguyên liệu, cụ mua đất ở các huyện trồng các loại cây như trẩy, thông… Doanh nhân này cũng đăng tuyển những thợ giỏi nhất và mày mò nghiên cứu tìm nguyên liệu đa dạng để tạo màu cho sơn.

Chất lượng sơn của cụ đã chinh phục nhiều người tiêu dùng với giá thành sơn rẻ hơn rất nhiều so với các loại sơn khác. Sơn của Sơn Hà xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc sau đó có mặt tại Sài Gòn. Chưa dừng lại ở đó, nó còn được tiêu thụ tại Lào, Campuchia.

“Đặc biệt, trước năm 1945, cha tôi từng đưa sơn của công ty sang Pháp tham dự hội chợ. Ông muốn quảng bá sơn của người Việt ra thế giới”, họa sĩ Sơn Trúc cho biết.

{keywords}
Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Gia đình cung cấp

Uy tín trong giới làm ăn ngày được củng cố, Nguyễn Sơn Hà nhanh chóng vươn lên là một trong những nhà tư sản lớn ở Việt Nam thời bấy giờ. Doanh nhân này sở hữu rất nhiều đất đai, biệt thự tại Hải Phòng, Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận.

Năm 1939, vợ chồng Nguyễn Sơn Hà được vua Bảo Đại mời vào Huế để dự tiệc chiêu đãi. Cũng trong lần đi này, cụ Sơn Hà có cơ duyên gặp mặt cụ Phan Bội Châu, người đang bị Pháp quản thúc tại Huế.

Cuộc gặp gỡ này đã tác động sâu sắc đến vị doanh nhân đất Cảng.

‘Còn đất nước thì sẽ còn của cải’

Cùng với Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Trương Văn Bền… dư luận nhắc đến Sơn Hà không chỉ là một doanh nhân thành đạt, cụ còn có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng.

Trước cách mạng, Nguyễn Sơn Hà tham gia thành lập các cơ sở từ thiện, mở trường nuôi dạy trẻ lang thang, cơ nhỡ.

Cụ còn cho người đến Hà Đông học nghề dệt vải để sau đó về mở cơ sở sản xuất tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân và mua tặng dân làng 4 máy dệt.

Trong nạn đói Ất Dậu (1945), cụ dùng số thóc thu được từ 200 mẫu ruộng ở Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) vào việc phát chẩn cứu đói. Vợ cụ Sơn Hà là Nguyễn Thị Ngọc Mùi (1918 - 1997) cùng các con trực tiếp nấu cháo và làm bánh tấm, bánh cám để phát cho dân.

Đặc biệt, trong Tuần lễ vàng, Nguyễn Sơn Hà rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác tham gia.

{keywords}
Cụ Sơn Hà (ngoài cùng bên phải) và vợ  Nguyễn Thị Ngọc Mùi (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Gia đình cung cấp

Cụ thể, cụ Ngọc Mùi và con gái trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng 105 lạng vàng ròng và số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) lên đến 10,5 kg vàng.

“Có giai thoại kể lại rằng, trong sự kiện này, cha tôi không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng”, bà Sơn Trúc kể.

Ngoài ra, gia đình cũng ủng hộ vào quỹ Ủy ban chuẩn bị tổng khởi nghĩa (Tháng 8/1945), 4 vạn 5.000 đông dương (năm 1945, trị giá khoảng 2.000 lạng vàng). Số tiền trên ông ông Vũ Quốc Uy, chủ tịch TP Hải Phòng đương thời, tiếp nhận.

Bà Sơn Trúc tiếp tục chia sẻ: “Sau Cách mạng tháng Tám, cha tôi cũng tổ chức một đoàn tàu vượt biển ra Côn Đảo đón tù chính trị bị giam giữ trở về đất liền trước thời điểm Pháp nổ súng gây hấn và chiếm lại Nam bộ ngày 23/9/1945.

“Lý giải cho hành động của mình, cha tôi từng nói: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải nếu mất nước, tiền và của cải nhiều cũng chẳng để làm gì”, bà Sơn Trúc kể lại.

(Còn nữa)

Món quà đặc biệt từ người phụ nữ hiến 5.000 lượng vàng

Món quà đặc biệt từ người phụ nữ hiến 5.000 lượng vàng

"Món quà giản dị của cụ Hoàng Thị Minh Hồ thực sự khiến chúng tôi xúc động"...

Con dâu người hiến 5.000 lượng vàng tiết lộ điều bất ngờ về mẹ

Con dâu người hiến 5.000 lượng vàng tiết lộ điều bất ngờ về mẹ

Trong căn biệt thự số 34 Hoàng Diệu - nơi cụ Hoàng Thị Minh Hồ sống những năm cuối đời, hai người con dâu lặng lẽ sắp xếp đồ dùng, vật dụng cá nhân của mẹ chồng, để ngay ngắn trên chiếc tràng kỷ.

Phút cuối ở 34 Hoàng Diệu của người hiến 5.000 lượng vàng

Phút cuối ở 34 Hoàng Diệu của người hiến 5.000 lượng vàng

Ông Chính xúc động kể: “Lúc này, mạch của mẹ đã kém. Tôi nói với mẹ: “Thôi mẹ về với bố. Mọi chuyện còn lại chúng con sẽ lo chu đáo. Mẹ yên tâm mà đi đừng lo lắng chuyện đời ở lại… ”.

Tài sản khổng lồ của người hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước

Tài sản khổng lồ của người hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước

Khi nhiều người phải đối mặt với cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã sở hữu gia tài hàng ngàn lượng vàng. Họ trở thành một trong những người giàu có bậc nhất Hà thành những năm 1940.

Người hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước qua đời ở tuổi 104

Người hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước qua đời ở tuổi 104

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ doanh nhân Trịnh Văn Bô, người hiến tặng Nhà nước 5.147 lượng vàng trong "Tuần lễ vàng" (năm 1945), qua đời hồi 23h20 đêm 5/11 tại nhà riêng phố Hoàng Diệu, Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi.

Ngọc Trang - Diệu Bình