10 vạn người "nối" lại đường sắt Bắc - Nam
Trong ký ức của những cán bộ, công nhân viên đường sắt, họ còn nhớ như in cảm giác xúc động được chứng kiến đoàn tàu Thống nhất đầu tiên nối hai miền Nam - Bắc 47 năm về trước.
Ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Đại đội phó Tự vệ, Tiểu đoàn Tự vệ đường sắt thuộc Tổng cục Đường sắt đã rất sẵn lòng kể lại những năm tháng hào hùng ấy.
Ông vốn là người trực tiếp tham gia chiến dịch khôi phục đường sắt Bắc - Nam và là đại biểu đi trên chuyến tàu lịch sử đầu tiên nối hai miền Nam - Bắc sau ngày thống nhất đất nước.
Giọng chậm rãi, ông Quang kể, tuyến đường sắt trong những năm chiến tranh là mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ nhằm cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Ròng rã nhiều năm trời, hàng chục km đường sắt, nhiều đầu máy và gần hai nghìn toa xe đã bị phá hủy. Hơn 5.000m cầu trong đó có các cầu lớn như Long Biên, Việt Trì, Hàm Rồng… bị đánh sập hoặc hư hỏng.
Thế nhưng chỉ hơn 6 tháng sau khi đất nước thống nhất, ngày 14/11/1975 Hội đồng Chính phủ ra Mệnh lệnh đặc biệt số 358-TTg quyết định khôi phục nhanh chóng tuyến đường sắt thống nhất nối lại hai miền Bắc – Nam đã bị chia cắt.
Hàng vạn cán bộ, quân, dân đã nô nức lên đường vào chiến dịch mới, các công trường khôi phục đường sắt được gấp rút triển khai, hoạt động suốt ngày đêm với quyết tâm nhanh chóng thông tuyến đường sắt Thống nhất.
Trong chiến dịch khôi phục đường sắt này, đơn vị của ông Quang được giao nhiệm vụ tham gia khắc phục đoạn từ cầu Tiên An qua sông Bến Hải đến đầu đường 9, Quảng Trị.
Để kịp tiến độ của tuyến đường, cán bộ, quân, dân ta đã dựng luôn lán trại tại công trường. Thời tiết khắc nghiệt, lương thực, thực phẩm thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn nhưng mọi người đều hừng hực khí thế.
Theo tài liệu được lưu tại phòng truyền thống Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, để nối liền chiều dài hơn 1.730km đường sắt đã phải huy động hơn 10 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân dọc tuyến đường sắt trong hơn 1 năm trời.
Đến cuối năm 1976 tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được nối liền. Để khánh thành tuyến đường, phải xây dựng mới hơn 20km cầu, đặt mới 660km đường ray, kéo 1.686km dây thông tin cùng với gần 3 triệu m3 đất được đào đắp và khai thác 70.000m3 gỗ làm đường...
Đoàn tàu chở hòa bình, sum họp
Ngày 31/12/ 1976, Chính phủ quyết định tổ chức hai đoàn tàu Thống nhất xuất phát cùng giờ, cùng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn khai thông tuyến đường sắt Bắc - Nam thống nhất.
Sau gần 80 giờ lăn bánh, ngày 4/1/1977, cả hai con tàu đã tới đích, hoàn thành sứ mệnh khai thông tuyến đường sắt Bắc - Nam đầu tiên sau ngày nước nhà chia cắt, trở thành một thời khắc lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Quang vinh dự được chọn là 1 trong số 200 đại biểu ưu tú đại diện miền Bắc đi trên chuyến tàu Thống nhất xuất phát tại ga Hà Nội. Đón đoàn tàu tại ga Sài Gòn hôm đó có Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Kiệt, lãnh các ban ngành và người dân thành phố mang tên Bác.
Nói với phóng viên, ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho biết, tại đầu cầu Hà Nội, đúng 12h30 ngày 4/1/1977, đoàn xe lửa 7 toa xe (gồm 1 toa xe chở hàng và 6 toa xe khách) do đầu máy đi-ê-zen Đông phương hồng số 007 từ phía Nam kéo còi tiến vào sân ga Hà Nội.
“Tổ lái máy Thanh niên - tổ lao động xã hội chủ nghĩa gồm 3 thành viên lái đoàn tàu ở chặng cuối là Lê Duy Thiết, Nguyễn Hải Sản và Hồ Văn Hiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tiếng vỗ tay vang dậy”, ông Trí nhớ lại.
Tàu vừa đỗ, ông Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ GTVT, Trưởng Ban chỉ đạo khôi phục đường sắt Thống nhất, ông Dương Bạch Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước và ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã lên toa bắt tay và tặng hoa mừng các cán bộ, công nhân đã điều khiển đoàn xe lửa tới đích an toàn.
Ngay sau khi đón đoàn xe lửa từ TP.HCM ra, mọi người lại hân hoan tiễn đoàn xe lửa chở 300 tấn a-pa-tít rời ga Hà Nội đem vào TP.HCM để phục vụ phát triển nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam.
Ông Trí nhớ lại, kéo đoàn tàu vào TP.HCM sau đó là tổ lái máy 170, trưởng tàu Trần Tuấn Sinh, tài xế trưởng Ngô Văn Lợi và các phó tài xế Nguyễn Đắc Toản, Nguyễn Ngọc Ngọ. Đoàn tàu kéo 7 toa xe chở a-pa-tít và 1 toa công vụ sau khi nhận bó hoa của các lãnh đạo đã kéo hồi còi chào Thủ đô thân yêu và khởi hành trong tiếng reo vui phấn khởi tràn ngập sân ga.
Sau đoàn tàu Thống nhất Bắc - Nam đầu tiên ấy, giờ đây ngành đường sắt đã có những bước phát triển nhanh chóng, mỗi ngày có hàng chục đoàn tàu khởi hành, trong đó có những đoàn tàu hiện đại, tiện nghi với hành trình Hà Nội – TP.HCM rút ngắn chỉ còn 29 giờ.