Chủ trương đưa cây đót vào trồng trên diện tích lớn ở các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà cho thấy, người dân và chính quyền địa phương đã chọn đúng loại cây trồng phù hợp với điều kiện ở miền núi, một loại cây dễ trồng, đầu tư kinh phí ít, đầu ra ổn định và cho thu nhập cao, góp phần giúp đồng bào Cor xóa đói, giảm nghèo.

{keywords}
Cây đót được các huyện Trà Bồng, Tây Trà, đưa vào loại cây hàng hóa, là một trong những cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo.

Cây đót dễ trồng, nguồn giống có sẵn trên rừng nên người dân không cần đầu tư mua giống. Thực tế, điều kiện thổ nhưỡng lại phù hợp nên nhiều hộ dân ở huyện Tây Trà đã trồng cây đót trên diện tích hàng chục héc ta.

Chỉ cần lấy gốc về trồng, không cần tưới nước, nếu muốn cây sinh trưởng phát triển nhanh hơn thì bón thêm ít phân, chỉ khoảng 1 năm sau là đót ra hoa và cho thu hoạch. Có cây đót trong vườn rồi, người Cor không còn sợ đói như trước nữa

Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Trà Thanh, huyện Tây Trà, cho hay: “Cây đót là cây loài cây thuộc nhóm lâm sản ngoài gỗ vẫn được người dân nơi đây khai thác bông đem bán, mọc tự nhiên rải rác và phát triển khá tốt.

Thấy rõ hiệu quả nên bà con trồng trên diện rộng. Chủ trương của xã là khoanh vùng mỗi hộ dân có một vườn đót; nếu người dân ở đây không có cây đót thì rất khó khăn về thu nhập. Cây đót cũng đã được các huyện Trà Bồng, Tây Trà, đưa vào loại cây hàng hóa, là một trong những cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo, đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân tiền công để vào rừng lấy giống về trồng”.

Cây đót chỉ trồng một lần và thu hoạch lâu dài

Theo đánh giá của những hộ trồng đót, sau mỗi vụ thu hoạch, cây đót tái tạo lại rất nhanh và vụ sau sẽ cho năng suất cao hơn vụ trước, thu nhập mỗi héc ta sẽ đạt khoảng 50 triệu đồng. Ông Hoàng Xuân Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: “Chúng tôi xây dựng phương án trồng cây đót trong vườn và trồng xen với cây quế, cây lồ ô để tăng thu nhập. Ngoài cây quế, cây keo thì cây đót cũng được xem là cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo”.

Một số hộ “sở hữu” những rẫy đót trồng thì vui mừng vì nguồn cung dồi dào hơn. Vụ đót thường kéo dài từ tháng Chạp  đến hết tháng 3 Âm lịch hằng năm, bởi sau quãng thời gian đó, đót trổ bông thì sẽ không khai thác được nữa. Theo người dân, so với cây điều hay cây keo lai thì trồng đót có nhiều mặt lợi ích hơn.

Nếu trồng đót, từ năm thứ 3 trở đi có thể thu hoạch 0,5 tấn/ha. Bình quân mỗi ngày, mỗi người có thể thu hoạch từ 20 - 40 kg đót tươi, người dân bỏ túi từ 100.000 - 240.000 đồng/ngày. Trong khi đó, 1 ha keo nguyên liệu giấy sau 5 năm thu hoạch một lần với lợi nhuận khoảng 50 triệu; thu nhập từ cây điều thì kém hơn nữa.

Tiện hơn cả là người dân không phải mất thời gian và công sức vận chuyển vì thương lái thường lên tận nơi để chở, nhiều lúc không đủ số lượng để bán cho họ.

Bích Hạnh
Ảnh: Kiều Oanh