Chu kỳ càng ngắn càng lợi đôi bên

Một trong những đề xuất mới của Bộ Công Thương là giảm thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.

Theo quy định hiện hành, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. 

Chia sẻ với PV.VietNamNet, lãnh đạo Công ty xăng dầu Hòa Khánh chia sẻ: Việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày có lợi cho cả doanh nghiệp đầu mối và người dân. Bởi lẽ, giá xăng dầu thế giới thay đổi liên tục, nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ gây ra nhiều vấn đề. Nhưng ngày nghỉ, nghỉ lễ tết cũng phải điều chỉnh thay vì chờ đến ngày làm việc tiếp theo.

Thị trường xăng dầu rất nhạy cảm với các chính sách mới. Ảnh: VNN

Đại diện một doanh nghiệp khác đề xuất 5 ngày điều chỉnh giá một lần. Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 6, ngày 11, ngày 16, ngày 21 và ngày 26 hàng tháng. Thời gian điều hành giá xăng dầu kể cả ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ, Tết Nguyên đán theo quy định của Nhà nước.

“Lý do là chu kỳ điều chỉnh giá 5 ngày/lần sẽ bám sát với biến động giá thế giới. Qua thực tế vận hành Nghị định 95/2021, chu kỳ điều chỉnh giá giảm xuống 5 ngày/lần là hoàn toàn khả thi khi các doanh nghiệp đã và đang hướng tới áp dụng công nghệ tự động hóa trong quản trị điều hành”, vị này cho hay.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cũng cho rằng cần đổi mới chu kỳ tính giá xăng dầu theo hướng rút ngắn, từ 10 ngày xuống 5 ngày nhằm để phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới, giảm sự “lệch pha” giữa giá trong nước với thị trường thế giới.

Nhiều ý kiến trái chiều về quy định chiết khấu

Việc rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành giá xăng dầu nhận được sự ủng hộ. Nhưng vấn đề chiết khấu cho đại lý, đại lý được mua từ nhiều nguồn đang có nhiều ý kiến trái chiều nhau, ngay cả trong cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu.

Bộ Công Thương bảo lưu quan điểm không quy định mức chiết khấu với các đại lý. 

Nhưng đại diện Công ty xăng dầu Hòa Khánh nhấn mạnh cần có quy định này. “Quan trọng là mức chiết khấu cho các đại lý là bao nhiêu để các đại lý bán lẻ có lợi nhuận. Nếu họ không có lợi nhuận, hoặc bị lỗ thì sẽ khiến các đại lý không thể duy trì hoạt động”, ông nói đồng thời đề xuất quy định rõ mức chiết khấu các đại lý được nhận. 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đồng tình với phương án này. Có doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đề nghị không quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, vì mức chiết khấu là do các bên tự đàm phán thỏa thuận theo cơ chế thị trường, căn cứ trên nguồn lực từng doanh nghiệp, sản lượng mua, khả năng thanh toán, điểm giao nhận... 

Ngoài ra, trái với ý kiến của Bộ Công Thương đề xuất đại lý bán lẻ tiếp tục chỉ được mua của một nguồn, lãnh đạo Công ty xăng dầu Hòa Khánh đề xuất cho phép đại lý bán lẻ lấy từ hai nguồn để có sự lựa chọn. Giả sử doanh nghiệp đầu mối A cho họ chiết khấu 600 đồng/lít, doanh nghiệp đầu mối B cho họ chiết khấu 800 đồng/lít thì họ có thể lấy từ bên B.

“Bây giờ quản lý nhà nước đã rất chặt rồi, không lơi lỏng như trước nên hoàn toàn kiểm soát được chất lượng xăng dầu các đại lý nhập về”, đại diện xăng dầu Hòa Khánh nói.

Một doanh nghiệp khác lại thể hiện quan điểm hoàn toàn trái ngược. Đại diện doanh nghiệp này cho rằng: Trên thực tế, xăng dầu là hàng hóa ở thể lỏng, chứa chung bể, trộn lẫn và không thể phân biệt, tách biệt về mặt vật lý giữa hàng nhập trước, nhập sau, hàng nhập từ các nguồn khác nhau.

Vì vậy, nếu bên nhận đại lý được nhận hàng từ nhiều nguồn, chủ sở hữu hàng hóa không thể quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn hàng, chất lượng hàng hóa, nhận diện thương hiệu. Như vậy, chủ sở hữu không thể thực hiện được các quyền, nghĩa vụ về hàng hóa theo quy định tại Luật Thương mại.

Với thương nhân phân phối, Bộ Công Thương đề xuất được mua từ 3 nguồn. Nhưng ông Nguyễn Tiến Thỏa kiến nghị cần bãi bỏ ngay quy định các thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu. Bởi lẽ, quy định này luôn xảy ra tình trạng: Không thương nhân đầu mối nào chủ động được lượng hàng cho thương nhân phân phối và thương nhân phân phối dễ bị thương nhân đầu mối “bỏ rơi” khi lượng hàng khan hiếm.

Lãnh đạo Hội Thẩm định giá đề xuất thay thế bằng quy định: Một thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của hai thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối phải đăng kí, cam kết số lượng mua, đăng ký hệ thống thuộc mình quản lý với thương nhân đầu mối mà họ ký kết.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất bỏ hình thức thương nhân phân phối vì tạo ra nhiều tầng nấc trung gian.

Một doanh nghiệp góp ý: Cả nước hiện nay có khoảng 330 thương nhân phân phối, đây là đối tượng trung gian và được mua từ nhiều nguồn, tính ổn định không cao dẫn đến các thương nhân đầu mối không kế hoạch được công tác tạo nguồn.

Ghi nhận thời gian qua cho thấy, khi thị trường xăng dầu bất ổn thì trách nhiệm, vai trò của thương nhân phân phối hầu như không đáng kể, không tham gia thị trường. Bởi có những thương nhân phân phối không có năng lực, dễ gây rủi ro về chất lượng hàng hóa, gian lận thương mại,... Chưa kể công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Việc chấm dứt đối tượng thương nhân phân phối sẽ giảm kênh trung gian và góp phần giảm chi phí kinh doanh xăng dầu.      

Đề xuất mới: Doanh nghiệp tự quyết định giá bán xăng dầuBộ Công Thương đề xuất Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá như giá thế giới, thuế, mức trích và chi Quỹ bình ổn để định hướng cho việc tính giá xăng dầu; các doanh nghiệp căn cứ chi phí thực tế của mình, xác định và công bố giá bán lẻ.