Định mệnh sau hơn 20 năm lẻ bóng
Sau gần 1 tuần tổ chức, lễ cưới của cô dâu Trần Thị Hương (SN 1969, Đà Lạt, Lâm Đồng) và chú rể Đỗ Vĩnh Phúc (SN 1965, Bình Dương) bất ngờ thu hút cộng đồng mạng. Ảnh cưới của hai người được nhiều người yêu thích và chia sẻ.
Sự lan tỏa này bắt đầu từ bài viết của chị Lý Lý Thục Nhi (30 tuổi, Lâm Đồng) trên nhóm Facebook có hơn 2 triệu lượt theo dõi. Bài viết đính kèm hình ảnh lễ cưới của bà Hương, chất chứa nhiều cảm xúc.
Bên dưới bài viết, cộng động mạng bày tỏ lòng ngưỡng mộ và chúc phúc cho cặp đôi tìm thấy nhau ở tuổi xế chiều.
Cô dâu Trần Thị Hương cho biết, bà làm lễ cưới ở Đà Lạt vào ngày 7/4. Hai ngày sau, bà theo chồng về sống tại tỉnh Bình Dương. Bà rất vui khi nhiều người nhắn tin chúc mừng sau bài viết của con gái đỡ đầu.
Trước khi kết hôn với ông Phúc, bà Hương từng có cuộc hôn nhân rất hạnh phúc. Hai người bên nhau được 7 năm thì chồng bà mất do tai nạn. Sau cú sốc chia lìa, bà chọn sống cảnh lẻ bóng hơn 20 năm.
Dù có người theo đuổi, muốn chắp nối nhưng bà Hương không nghĩ đến, tìm niềm vui trong sinh hoạt ca đoàn và phụ trách nhóm ca đoàn nhỏ.
Cách đây 3 năm, bà Hương gặp ông Phúc tại đám cưới của người cháu ở tỉnh Đồng Nai. Trong tiệc, hai người chuyện trò hợp tình hợp ý nên trao đổi số điện thoại.
Bà Hương tâm sự: “Chắc do duyên số sắp đặt, anh Phúc có tính cách rất giống với chồng cũ của tôi.
Tôi cứ nghĩ cả đời cũng không tìm được người giống người chồng bạc mệnh. Thế mà, cuối cùng gặp được người không hơn không kém”.
Bà Hương không giấu suy nghĩ này với người mới. Bà thẳng thắn tâm sự cùng ông Phúc: “Nếu mà được thì em muốn gắn kết với người hơn hoặc bằng với chồng cũ, chứ thua là em không ưng”. Ông Phúc hiểu tâm ý, tự tin hứa mang lại hạnh phúc cho bà Hương.
Ông Phúc có 4 cô con gái, vợ mất cũng đã lâu. Nhìn cách các con yêu quý ông, bà Hương biết mình chọn đúng người.
Hai người không gặp nhau do khoảng cách địa lý nhưng mỗi ngày đều chuyện trò qua điện thoại.
Thời gian đầu, bà Hương giấu chuyện “hẹn hò” với tất cả người thân, bạn bè. Bà lo sợ mọi người biết chuyện sẽ bàn tán, nói ra nói vào.
Trong khi đó, ông Phúc lại được 4 cô con gái vun vén. Con gái của ông rất quý mến bà Hương và mong cha có người bầu bạn lúc tuổi già.
“Họ là nhịp cầu nối, vun đắp tình cảm cho chúng tôi. Các cô rất dễ thương, niềm nở, thường gọi điện hỏi thăm tôi”, bà Hương kể.
Lễ cưới đầm ấm, nghĩa tình
Tình cảm chín muồi, ông Phúc cầu hôn bà Hương rất đỗi thật thà, không văn vẻ, lãng mạn.
Bà Hương kể: “Anh ấy nói, khoảng cách đôi bên xa xôi, một lần đi thăm cũng tốn kém mà cả hai không khá giả. Thế nên, anh muốn chúng tôi sớm về chung một nhà.
Tôi thì nghĩ bên anh cần một người bầu bạn mà tôi cũng cần như vậy. Lúc còn trẻ, tôi không cần có ai nương tựa nhưng lớn tuổi, ốm đau chỉ có một mình, tủi thân vô cùng. Nghĩ vậy, tôi quyết định bước tiếp một bước nữa”.
Tuy vậy, ông Phúc ái ngại gia cảnh không dư giả, sợ làm khổ bà Hương. Đáp lại, bà khẳng định, giàu nghèo không quan trọng, miễn đôi bên đồng điệu, quan tâm, hạnh phúc là đủ.
Hoàn cảnh khó khăn, cả hai thống nhất làm lễ cưới đơn giản. Lễ cưới không cần mâm quả, hai nhà nhập lại một lễ. Hai người là người Công giáo nên đám cưới tổ chức tại nhà thờ.
Trước đó, bà Hương giấu chuyện hẹn hò nhưng khi xác định cưới xin, bà chính thức thông báo với mọi người.
Biết tin bà tìm được hạnh phúc mới, người thân, hàng xóm và bạn bè háo hức chung tay chuẩn bị lễ cưới.
Chị Thục Nhi chia sẻ: “Với những cặp đôi U60 như cô chú, họ tìm thấy nhau rồi đấy nhưng lại ngại hoặc tự ti, không dám nghĩ đến việc kết hôn.
Vì thế, chúng tôi chung tay hỗ trợ, vun đắp một vài điều bé nhỏ, tiếp động lực để cô chú nắm tay nhau bước tiếp”.
Lúc đầu, bà Hương định thuê váy cưới, áo dài mặc trong lễ cưới. Tuy nhiên, chị Nhi cản lại và nói: “Nếu đời cho cô thêm một lần rực rỡ thì cô cứ việc tỏa sáng, an tâm làm cô dâu xinh đẹp, chuyện váy áo để con lo”.
Đúng như lời hứa, chị Nhi tự tay thiết kế và may tặng bà Hương chiếc váy cưới và váy đãi tiệc. Đó là món quà chúc bà luôn xinh đẹp, hạnh phúc và bình yên mãi về sau.
Chị Nhi còn tự bó tặng cho bà Hương hoa cưới cầm tay. Chị chọn màu đỏ rực rỡ với mong muốn hôn nhân của bà sẽ tươi sáng, trọn vẹn.
Về phần áo dài làm lễ gia tiên, bà Hương được cô em hàng xóm “tài trợ”. Người này biết bà chưa có áo dài làm lễ gia tiên nên mang ngay chiếc áo dài nhung màu đỏ, chưa mặc lần nào cho mượn.
Nghe tin bà sắp cưới, hàng xóm cũng mang dàn loa xịn sang nhà cho mượn, dặn dò lúc đãi tiệc ca hát cho vui.
Bạn thân tặng cho bà Hương một đôi giày cưới xinh xắn, êm mềm, đi lâu không đau chân. Và, rất nhiều sự ủng hộ thầm lặng khác, chung sức giúp cặp đôi U60 tổ chức lễ cưới đầm ấm.
Buổi sáng hôm đó, bà Hương mặc áo dài, cài hoa chờ chú rể U60 đến đón. Bà hồi hộp, rộn ràng và e ấp như bao cô dâu trẻ.
Lễ gia tiên của hai người gọn nhẹ, không có mâm quả, lễ vật rình rang. Không gian chỉ tràn ngập tiếng cười của cô dâu chú rể và thân thuộc hai bên.
Tiệc cưới gói gọn trong 16 bàn tiệc với những gương mặt thân quen. Giữ buổi tiệc, cô dâu chú rể vai kề vai, má kề má, song ca bài “Câu chuyện đầu năm” tặng khách mời.
Đó là bài hát mà lần đầu tiên gặp nhau, ông Phúc đã hát tặng bà Hương. Kỷ niệm đó một lần nữa được tái hiện, mở ra chặng đường mới cho cô dâu chú rể U60.