Kết quả này có được nhờ hàng loạt các chính sách đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, nhờ đó mà người dân và doanh nghiệp được trao quyền làm ăn, kinh doanh, mang lại phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước. Cùng với đó, chúng ta đã có những đóng góp cho nhân loại.

Cơ đồ chưa từng có

Trong bài viết gần đây trước dịp Đại hội 13, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra một nhận xét rất đáng chú ý: “Tôi đã nhiều lần nói rằng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

“Cơ đồ” đó cho đến gần đây đã được nhiều tổ chức quốc tế, các học giả nước ngoài lên tiếng khẳng định, dưới góc nhìn của họ.

{keywords}
Trong năm Covid-19 đặc biệt khó khăn, làm cả thế giới lao đao, mức tăng trưởng của Việt Nam được dự đoán khoảng 2%, vẫn là mức khá so với nhiều quốc gia láng giềng. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Hamada Kazuyuki, một chính trị gia và nhà học giả Nhật Bản viết trong cuốn “Cường quốc trong tương lai - Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030”: “Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế phát triển nổi bật nhất châu Á. Tầng lớp thượng lưu, những người sở hữu khối tài sản có khả năng đầu tư hơn 30 triệu đô la tăng đến mức 13% trong 5 năm qua, vượt ngưỡng 10.000 người. Với tốc độ như thế, năm 2026 tỷ lệ gia tăng lớp người thượng lưu sẽ vượt trội so với Trung Quốc, Ấn Độ, lọt vào danh sách hàng đầu thế giới”.

Ở góc độ khiêm tốn hơn, Ngân hàng Thế giới cách đây 2 năm cũng đưa ra những nhận xét rất đáng khích lệ: “Hơn 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Các tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo”.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện và đã thực hiện 13 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới.

Tăng trưởng kinh tế cũng dần được cải thiện từ mức 6,21% năm 2016, tăng lên 6,81% năm 2017, tăng lên 7,08% năm 2018 và 7,02% năm 2019. Trong năm Covid-19 đặc biệt khó khăn, làm cả thế giới lao đao, mức tăng trưởng của Việt Nam được dự đoán khoảng 2%, vẫn là mức khá so với nhiều quốc gia láng giềng.

Trong bản cập nhật kinh tế vừa công bố, Ngân hàng Thế giới ghi nhận: “Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian trước mắt sẽ có nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước đang cho thấy xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác, và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm, và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay”.

Bên cạnh nền tảng vĩ mô được duy trì ổn định mấy năm gần đây, các nền tảng khác của Việt Nam như đã điểm sơ qua trên đây là khá rõ ràng cho sự phát triển năng động hơn, khác với hoàn cảnh một dân tộc bị kiệt quệ bởi chiến tranh, cô lập với cộng đồng quốc tế, đại đa số người dân sống dưới ngưỡng đói nghèo chỉ cách đây vài chục năm quanh thời điểm Đổi mới.

Tăng trưởng đã chậm lại

Tuy nhiên, dù đã tăng trưởng tương đối cao, thì mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016-2020 đã chậm lại, còn khoảng 5,82%/năm. Mức tăng trưởng này là thấp nhất so với tăng trưởng GDP bình quân 7,49%/năm giai đoạn 2001-2005; 6,88%/năm giai đoạn 2006-2010 và 5,89%/năm giai đoạn 2011-2015, theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

{keywords}
Nếu so sánh với các nền kinh tế thành công trong khu vực thì thành tích tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam khá khiêm tốn. Ảnh: Phong Anh

Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng phục hồi chậm, thiếu tính ổn định và thấp hơn so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 là 7-8%/năm.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, nay là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, từng cảnh báo rằng, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều nước dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.

Ông nói: "Mặc dù tăng trưởng với 7%, đạt mức cao trong khu vực và thế giới, nhưng xét về con số tuyệt đối, thì ngày càng cách xa. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm".

Khoảng cách giữa GDP bình quân đầu người của Việt Nam với thế giới năm 2017 là khoảng 8.300 USD, đến năm 2018 doãng ra là 8.400 USD và đến năm 2019 tiếp tục doãng ra 8.735 USD.

Mặt khác, nếu so sánh với các nền kinh tế thành công trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì thành tích tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam khá khiêm tốn. Nếu xem xét về quy mô tuyệt đối thì nền kinh tế Việt Nam có xu hướng tụt hậu ngày càng xa so với các nền kinh tế chính trong khu vực. (Biểu đồ)

Một chỉ số khác là năng suất lao động. Tính theo sức mua tương đương (PPP) năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng khoảng 7,2% mức năng suất của Singapore; 18,5% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, theo tính toán của CIEM.

Không gian phát triển còn mênh mông

Tuy thu nhập quốc gia đứng hàng 57/193, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lại đứng hàng 123/182, theo WEF. Có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất, trong khi đó, với dân số 96 triệu, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về quy mô dân số.

Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177, có nghĩa là thuộc ¼ quốc gia cuối bảng.

Theo chỉ số phát triển xã hội, Việt Nam không có trong bảng vì không đủ số liệu để thống kê. Trong khi đó, theo chỉ số chất lượng sống (Quality of Life) thì Việt Nam có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76, có nghĩa là gần chót bảng.

Theo chỉ số y tế, sức khoẻ của WHO, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia - đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất.

Theo UNDP, chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, thuộc nhóm trung bình.

Về bằng sáng chế, theo International Property Rights Index, Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, có nghĩa là gần đội sổ.

Chúng ta vẫn chưa biết làm ra từ cái ốc vít đến con đường cao tốc Bắc - Nam, nói chi đến những phát minh, sáng chế tầm cỡ nhân loại. Hầu hết những đồ xa xỉ, đồ điện tử đều phải nhập khẩu; còn xuất khẩu toàn đa số là hàng thô, hay gia công mà thôi.

Kể ra vài con số trên đây để thấy, dù người dân đã trở nên giàu có, thịnh vượng hơn trước rất nhiều, hầu hết đã vượt qua ngưỡng đói nghèo, nhưng quốc gia vẫn còn nghèo nàn, còn khoảng cách để bắt kịp với các nước phát triển. Tất nhiên, không gian cho đất nước phát triển, cho người dân vươn lên giàu có “sánh vai các cường quốc năm châu” còn rộng mênh mông. Nỗ lực đó phải được nuôi dưỡng bằng nhiều cách, bên cạnh ngọn lửa khát vọng.

(Còn nữa)

Tư Giang

Làm sao để mặt trời luôn tỏa nắng trên đầu?

Làm sao để mặt trời luôn tỏa nắng trên đầu?

Việt Nam đang đặt ra những mốc thời gian và các chỉ tiêu kinh tế cụ thể với khát vọng chuyển sang quốc gia có thu nhập cao - điều mà không nhiều quốc gia làm được. Khát vọng đó cần được tiếp sức như thế nào?