Là nơi chia sẻ, cung cấp nhiều thông tin thú vị, tuy nhiên mạng xã hội luôn có những "thuyết âm mưu", tin đồn liên quan đến các công ty lớn.
Hầu hết chúng chỉ dựa trên sự trùng hợp, hoặc thêu dệt từ những sự việc đơn giản chứ không hề có bằng chứng xác thực. Ấy vậy mà nhiều người vẫn bị lừa nếu không tìm hiểu.
Lời đồn 1: Apple cố tình làm chậm, hỏng iPhone cũ khi ra thế hệ mới
Đến hẹn lại lên, mỗi khi Apple ra mắt iPhone mới, trên mạng xuất hiện hàng loạt bài viết chia sẻ về "giai thoại" làm chậm, hỏng iPhone cũ.
Thực chất, không có bằng chứng nào khẳng định iPhone cũ được lập trình để chậm lại hoặc bị hỏng khi thế hệ mới ra mắt.
Một số người dùng khẳng định iPhone của họ ngừng hoạt động sau khi Apple giới thiệu iPhone 11. Ảnh chụp màn hình. |
Có thể tin đồn này bắt nguồn từ một người dùng xui xẻo, chiếc iPhone của họ bị hỏng trùng ngày ra mắt iPhone mới. Bài đăng về sự trùng hợp ấy bị thêu dệt, qua hàng trăm lượt chia sẻ trên mạng xã hội để rồi năm nào cũng xuất hiện.
Điều đó không có nghĩa là Apple vô tội. Năm 2017, hãng từng lên tiếng xin lỗi người dùng do làm chậm iPhone bị chai pin mà không báo trước. Mục đích làm chậm là đảm bảo sự ổn định. Về những lời đồn nhảm, Táo khuyết khẳng định "không làm bất cứ điều gì để rút ngắn tuổi thọ sản phẩm Apple".
Lời đồn 2: Facebook "nghe lén" để hiện quảng cáo
Tin đồn lan truyền nhiều năm qua cho rằng Facebook và Instagram lén sử dụng micro trên điện thoại, nghe người dùng nói gì để hiện quảng cáo dựa trên lời nói ấy.
Nhiều bài viết khẳng định Facebook nghe lén người dùng để phục vụ quảng cáo. Ảnh chụp màn hình. |
Trong chương trình CBS This Morning ngày 25/6, dẫn chương trình Gayle King đã hỏi CEO Instagram Adam Mosseri về tin đồn. Nó cũng được các nghị sĩ đưa ra trong phiên điều trần của CEO Facebook Mark Zuckerberg trước Quốc hội vào năm 2018.
Trước Quốc hội, ông chủ Facebook phủ nhận mọi tin đồn nghe lén người dùng bằng micro điện thoại.
Tất nhiên, lời khẳng định ấy không có nghĩa là Facebook trong sạch. Thực chất, Facebook nắm rất nhiều thông tin thông qua hoạt động của người dùng trên thiết bị. Gần đây, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã thừa nhận "nghe lén" gián tiếp bằng cách thuê bên thứ 3 chuyển cuộc trò chuyện trên Messenger thành văn bản để cải thiện hệ thống AI của mình.
Lời đồn 3: Kết quả tìm kiếm Google bị thao túng có lợi cho đảng phái Mỹ
Cách đây vài tháng, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa cáo buộc Google thao túng kết quả tìm kiếm có lợi cho đảng đối thủ.
Theo Business Insider, thông tin bắt nguồn từ Robert Epstein, nhà tâm lý học đăng bài nghiên cứu cho rằng kết quả tìm kiếm trên Google đã tác động để hàng triệu cử tri bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra năm 2018.
Thông tin Google thao túng kết quả tìm kiếm còn được chia sẻ bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Nếu đọc qua bản tóm tắt nghiên cứu của Epstein, ông ta chỉ khảo sát dựa trên 21 cử tri chưa thể quyết định bầu cho ai. Epstein cũng không cung cấp thông tin về những người tham gia khảo sát.
Bản thân Google khẳng định không thay đổi kết quả tìm kiếm, cũng không có bằng chứng cho rằng nghiên cứu của Epstein là chính xác.
Lời đồn 4: Đăng tuyên bố không cho Facebook lấy thông tin
Gần đây xuất hiện rất nhiều bài đăng khẳng định Facebook, Instagram chuẩn bị đổi chính sách với toàn quyền sử dụng hình ảnh, thông tin được người dùng chia sẻ.
Nếu không muốn điều đó, người dùng phải đăng bài viết với nội dung nghiêm cấm Facebook sử dụng thông tin của họ trên nền tảng. Một số người nổi tiếng cũng chia sẻ bài đăng làm chúng có vẻ là thật.
Cách đây một tháng, nhiều người dùng đăng tuyên bố cấm Facebook sử dụng thông tin của họ trên nền tảng theo các bộ luật không có thực. Ảnh chụp màn hình. |
Tuy nhiên, đó chỉ là trò lừa bịp. Trên thực tế, bạn đã cấp phép để Facebook toàn quyền sử dụng hình ảnh, thông tin từ khi ấn nút chấp nhận điều khoản lúc đăng ký sử dụng rồi.
Lời đồn 5: Tài khoản Donald Trump bị Twitter hạn chế
Thêm một tin đồn nhảm được chia sẻ bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nhiều lần khẳng định Twitter đã hạn chế người dùng tìm kiếm, theo dõi tài khoản của ông.
Tổng thống Mỹ nhiều lần khẳng định Twitter hạn chế hiển thị tài khoản của ông với người khác. Ảnh: realDonaldTrump/Twitter. |
"Tôi biết nhiều người rất khó để theo dõi tôi. Những gì họ (Twitter) đang làm là sai, có thể phạm pháp, nhiều thứ đang được xem xét ngay bây giờ", ông Trump chia sẻ hồi tháng 7 với Fox News.
Twitter nhiều lần từ chối bình luận trực tiếp về cáo buộc của ông Trump. Trong bài đăng năm 2018, Twitter khẳng định thuật toán có hạn chế một số tài khoản từ các chính trị gia do có hành động giống như spam. Sự cố đã khắc phục và mọi người có thể tìm kiếm các tài khoản như bình thường.