“Trái ngọt” của cô gái vùng cao nguyên 

Hơn một tuần sau khi trở về từ cuộc thi Siêu trí nhớ thế giới 2023 diễn ra tại Mumbai (Ấn Độ) hôm 26/11, Đặng Ngọc Phương Trinh vẫn chưa quên được khoảnh khắc được xướng tên trên sân khấu nhận huy chương vàng. Chị gái Trinh là Đặng Thu Hiền (25 tuổi, quê Lâm Đồng) cũng đại diện Việt Nam dự thi.

thisinh 4.jpg
Đặng Ngọc Phương Trinh đạt kỷ lục thế giới trong cuộc thi Siêu trí nhớ thế giới 2023. Ảnh: NVCC.

Vượt qua 780 thí sinh đến từ nhiều quốc gia và lãnh thổ, Phương Trinh đạt giải Nhất sau khi phá được kỷ lục thế giới sau 5 phút đã nhớ 618 hình ngẫu nhiên. Trước đó, kỷ lục cũ do một người Pháp đạt được là sau 5 phút nhớ 547 hình ngẫu nhiên. 

Với nụ cười luôn hiện trên môi, Trinh cho biết, khi còn học sinh THPT, chị em Trinh tình cờ xem chương trình Siêu trí tuệ, thấy nhiều nội dung hấp dẫn, rồi thích chương trình này lúc nào không hay. Cả hai thường theo dõi và tìm tòi và tập ghi nhớ, với kỳ vọng sẽ dự thi.

thisinh 2.jpg
Phương Trinh trong cuộc thi. Ảnh: NVCC.

Trinh kể, hồi mới theo đuổi môn trí tuệ này, vì phải tập trung ghi nhớ cường độ cao, cô thường hay bị đau đầu. Tuy nhiên, được học tập cùng nhiều thầy cô, nhất là với Kỷ lục gia trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong, cô bắt đầu điều chỉnh, luyện theo phương pháp của dự án “5 Phút thuộc bài”, tình trạng đau đầu dần dần không còn.

Về luyện tập, Trinh thường xuyên quan sát những thứ xung quanh, rồi ghi nhớ lại. Từ những sự việc đời thường, câu chuyện đã nghe, đã tiếp xúc, cô tạo ra những tiêu đề, từ khóa… rồi liên kết thành câu chuyện theo sơ đồ tư duy để ghi nhớ. Bên cạnh đó, họ cũng tìm tìm hiểu thêm trên Internet để mở rộng, hiểu sâu kiến thức. Mỗi ngày, chị em Trinh dành ra 4 tiếng để thực hành vào buổi sáng và chiều. 

Sau những nỗ lực không ngừng, Trinh hoàn thành tốt phần thi của mình để nhận về kết quả cao nhất, phá được kỷ lục thế giới trong cuộc thi Siêu trí nhớ thế giới 2023. “Có nhiều chuyện em có thể sẽ quên, nhưng hai tiếng Việt Nam hô vang trong hội trường chung kết hôm đó sẽ chẳng bao giờ em quên”, Phương Trinh chia sẻ.

Gác giấc mơ làm bác sĩ trở thành Kỷ lục gia trí nhớ thế giới

Chị em Trinh sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Liên Đầm, huyện Di Linh (Lâm Đồng). Bố bỏ đi khi chị em Trinh còn nhỏ. Ngôi nhà nhỏ đơn chiếc, chỉ có mẹ và các con quây quần nương tựa với nhau. Người mẹ làm đủ việc, với tâm niệm miễn có tiền nuôi các con tới trường, tìm con chữ. 

thisinh 1.jpg
Chị em Phương Trinh chụp ảnh cùng mẹ và bà ngoại sau khi trở về nước. Ảnh: NVCC.

Không giấu nổi niềm vui, bà Lục Thị Hiền Minh (45 tuổi, mẹ của Trinh và Hiền) bảo, căn nhà nhỏ rộn tiếng tiếng cười khi nhận những lời chúc của hàng xóm, người thân suốt những ngày qua. 

Bà Minh kể, hồi còn học THPT hai con thường tâm sự muốn thi vào Đại học Y dược, trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, kinh tế gia đình khó khăn, cuộc sống chật vật, nên các con gác lại ước mơ của mình, thi vào ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, phần nào đỡ gánh nặng cho mẹ và ngoại.

Năm 2019, chị em Trinh đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thì phát hiện thấy cuộc thi Siêu trí nhớ Việt Nam tổ chức ở TP.HCM, liền đăng ký dự thi. Cả hai đạt danh hiệu kỷ lục gia Siêu trí nhớ Việt Nam. Từ đó, nhận ra đam mê và gắn bó với môn thể thao trí tuệ này, nên cả hai xin ý kiến gia đình, làm đơn bảo lưu điểm ở trường. "Khi hay tin này, ban đầu tôi ngập ngừng, lo lắng. Tuy nhiên, sau đó tôi đồng ý vì tin ý chí, sự kiên trì cũng như quyết tâm hai con", người mẹ tâm sự. 

Về phía mình, Phương Trinh bảo chia sẻ có nhiều dự định trong tương lai. Tuy nhiên, hiện tại, cô sẽ cùng chị gái cùng nỗ lực luyện tập để đạt được thành tích cao hơn và thực hiện những mục tiêu bản thân đã đưa ra. Sau đó, cả hai sẽ trở lại giảng đường để tiếp tục với ước mơ còn dang dở.