VietNamNet trích đăng câu chuyện của chị Nguyễn Dương Châu (Hà Nội) về bài học chi tiêu rút ra sau một lần dọn tủ phải bỏ tới 5 bao tải quần áo váy vóc, cách đây 2 năm, của mình:
Tôi lấy chồng và sinh sống ở Hà Nội được 7 năm nay. Thu nhập của vợ chồng tôi mỗi tháng được khoảng 35-40 triệu đồng (chưa tính thưởng lễ Tết). So với những cặp vợ chồng trẻ khác, dù mức thu nhập đó chưa phải cao song cũng không quá thấp.
Đặc biệt, chúng tôi có chút may mắn hơn các cặp vợ chồng khác là không phải lo chuyện nhà cửa, chỉ phải trả khoản nợ 300 triệu đồng mà bố mẹ vay mua cho căn 2 tầng trong ngõ hẻm sau khi cưới. Như vậy cũng coi là nhẹ nhàng.
Hai năm đầu tiên chưa có con nhỏ, vợ chồng tôi chi tiêu khá hợp lý nên trả hết khoản nợ 300 triệu đồng. Bắt đầu từ năm thứ 3, cuộc sống không còn gánh nặng nợ nần nên chuyện tiêu pha khá thoải mái dù phải nuôi con nhỏ.
Dọn tủ bỏ cả đống quần áo không mặc tới, chị Châu rút ra được bài học chi tiêu tiết kiệm cho bạn thân mình (ảnh minh hoạ) |
Tiền lương chuyển qua tài khoản nên tôi có thói quen mua gì cũng quẹt thẻ, chuyển khoản online, nhất là chuyện mua quần áo, giầy dép các kiểu. Tôi cứ nhìn thấy món đồ nào ưng ý là mua luôn. Có những hôm đi làm, chỉ trong một buổi sáng mà 4 lần ra cổng công ty lấy đồ các cửa hàng ship (vận chuyển) tới. Có hôm, sáng đi làm trong ví tôi có 2 triệu, chiều về không còn đồng nào vì trả tiền mua sắm.
Thật ra, quần áo mua cho bản thân tôi và gia đình không phải đều là hàng hiệu, có cái chỉ 300.000-400.000 đồng, có những cái hơn 1 triệu đồng. Chính vì thế nên tôi luôn tặc lưỡi giá cả cũng phải chăng, không đắt mấy nên mua được.
Mải miết mua sắm trong vài năm liền, mãi tới sau Tết 2017, một hôm rảnh rỗi tôi ngồi dọn dẹp 3 chiếc tủ quần áo để bỏ bớt những cái mình không mặc đến.
Mất nửa ngày ngồi phân loại, sắp xếp cái nào mặc được, cái nào không mặc được, cái nào cần cho hoặc bỏ đi để tủ quần áo gọn gàng, ngăn nắp hơn,... Kết quả, số quần áo, váy vóc tôi loại đi nhét chặt cứng 5 bao tải. Trong đó, có những món đồ mua về tôi chưa mặc lần nào, còn nguyên mác, nhiều cái cũng chỉ mặc được vài lần.
Lúc đó, tôi mới ngớ người, hóa ra bao lâu nay tôi mua sắm thật sự quá hoang phí. Bởi, trong số đống quần áo tôi mua, số đồ mặc được đi làm hàng ngày không quá nhiều. Tôi cũng chỉ loanh quanh mặc vài ba bộ, còn váy vóc để đi chơi toàn treo tủ, chẳng mấy khi mặc đến.
Nhà tôi ăn uống khá đơn giản, không cầu kỳ. Nhưng vì quen mua sắm hoang phí nên tiền lương tháng nào cũng hết nhẵn tháng đó. Trong 3 năm sau khi trả hết nợ, chúng tôi không tiết kiệm được gì, chỉ mua được một chiếc xe tay ga gần 100 triệu đồng và sửa nhà hết 120 triệu đồng nữa.
Sau khi bỏ đi 5 bao tải quần áo váy vóc các loại, tôi quyết định thay đổi, bắt đầu cai nghiện mua sắm.
Ban đầu, ngắm những bộ quần áo đẹp trên mạng mà không mua tôi cũng cảm thấy khó chịu. Tôi tặc lưỡi chẳng mấy khi thấy nó đẹp như này, hay cứ mua nhỉ? Nhưng ngay lập tức tôi tự đặt ra hàng loạt câu hỏi: Nó có cần thiết không? Mình đã thiếu quần áo đến mức phải mua chưa? Nó có đẹp xuất sắc đến mức phải mua không? Mua về mặc được mấy lần, có mặc đi làm thường xuyên không hay chỉ đi chơi mới mặc đến?...
Tự đặt câu hỏi và tự trả lời những câu hỏi đó đồng nghĩa là tôi quyết định không mua nữa vì thấy thật sự chưa cần thiết. Cứ thế, quần áo tôi mua ngày một ít đi. Thay vì tuần mua vài lần thì trong hai năm qua, tháng tôi chỉ mua 1-2 lần, thậm chí có tháng tôi không mua cái nào.
Ngay cả quần áo của con, tôi chỉ mua khi cần thiết chứ không còn mua chỉ vì thích và theo sở thích.
Không chỉ quần áo, việc chi tiêu các khoản khác từ ăn uống - đi chơi cuối tuần, ăn nhà hàng dịp lễ tết, đi du lịch hàng năm... cho đến việc mua sắm các thiết bị trong nhà từ nội thất đồ điện tự hay thay mới điện thoại... đều được tôi siết chặt tối đa.
2 năm sau lần bỏ 5 bao tải quần áo đó gia đình tôi đã quen với phong cách siết chặt chi tiêu, cùng với việc không phải chi những khoản lớn như trả nợ, mua xe, sửa nhà nữa... trong khi đó các khoản làm thêm, thưởng đột xuất theo dự án cũng tăng lên đáng kể, đến nay vợ chồng tôi tiết kiệm được 500 triệu đồng. Chuyện chi tiêu sinh hoạt vẫn duy trì như trước, quần áo thì chỉ mua đủ mặc nên tủ đồ luôn cũng gọn gàng, không còn chất đống nữa.
Tôi đang tính sẽ trích 300 triệu ra mua một chiếc ô tô cũ để đi lại, số còn lại gửi tiết kiệm. Bởi, thu nhập của vợ chồng tôi sau khi trừ chi phí sinh hoạt (khoảng 15 triệu đồng) vẫn dư từ 20-25 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ nuôi ô tô mà vẫn có một khoản tiết kiệm hàng tháng.
Nguyễn Dương Châu (Hà Nội)
Có nên bỏ hết tiền mặt vào tài khoản tiết kiệm?
Người quản lý quỹ đầu tư phòng hộ lớn nhất thế giới Ray Dalio cho rằng, bỏ hết tiền mặt vào tài khoản tiết kiệm không phải là một quyết định thông minh.