Ngày cuối tháng 3, tại ấp Phước Khánh, xã An Khánh, huyện Châu Thành (Bến Tre), chị Mai Thị Ánh Xuân (33 tuổi) đang chăm sóc trang trại nấm đủ màu sắc.
Chị Xuân là con út trong gia đình có 4 anh em. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị học thêm tiếng Anh và Tin học, rồi làm nhân viên kế hoạch cho một công ty may ở gần nhà, với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
Trong những ngày làm công nhân, chị Xuân vô tình biết mô hình trồng nấm mang lại thu nhập cao, kinh phí đầu tư không quá lớn. Ngoài ra, chị cũng rất thích ăn nấm nên tự hỏi “sao mình không tự trồng nấm để ăn và bán”.
Năm 2017, chị Xuân bắt đầu trồng nấm thử nghiệm để phục vụ bữa ăn cho gia đình. Sau vài tháng, chị thấy nấm phát triển tốt nên quyết định mở rộng diện tích trồng. Ba năm sau, chị nghỉ việc ở công ty may để “toàn tâm toàn ý” trồng nấm.
“Tôi muốn tự tạo sự nghiệp cho mình nên quyết định nghỉ việc để về nhà mở rộng trang trại nấm”, chị Xuân chia sẻ và cho biết, thời điểm đó chị thường xuyên lên mạng tìm hiểu các quy trình làm nhà nấm.
“Học theo trên mạng, tôi làm nhà nấm nhưng vừa làm xong thì bị sập, nguyên nhân do 'treo 5.000 phôi nấm nặng tới 7 tấn lên gây nặng nên sập', may mắn là không ai bị thương”, chị Xuân nhớ lại.
Không bỏ cuộc, cô gái Bến Tre tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. “Qua tìm hiểu và được các anh chị trồng nấm tư vấn, tôi quyết định làm kệ trồng nấm, chứ không treo lên", chị nói.
Trại trồng nấm của chị Xuân được chia thành 6 nhà trồng; mỗi nhà có diện tích 60 - 70m2, được trang bị máy móc hiện đại. Để có trại nấm quy mô như ngày nay, chị Xuân không đầu tư một lần mà làm ăn có lời, tích cóp xây dựng dần.
Chị Xuân cho biết, ban đầu chỉ trồng nấm bào ngư trắng và xám. Một thời gian, chị nhận ra 2 loại nấm này dễ trồng, thị trường có nhiều, giá bán không cao. Từ đó, chị tìm hiểu, thử nghiệm ươm trồng các loại nấm mới, như: hồng ngọc, hoàng kim, sò Thái, hoàng đế, thiên phúc... Chị trồng luân phiên theo mùa: “Tháng 6 trồng nấm mối”, “mùa Tết trồng nấm linh chi, nấm mèo…”.
“Hiện trang trại tôi có hơn 10 loại nấm, chủ lực là hoàng kim, hồng ngọc, sò Thái, linh chi, nấm mối, bào ngư Nhật... Những loại nấm này ở trại có liên tục, còn những loại khác thì trồng luân phiên theo mùa", chị Xuân nói. "Nấm hoàng kim, hồng ngọc có màu đẹp mắt nên gần đây thị trường khá ưa chuộng".
Chị Xuân trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP, được kiểm tra phôi, tai nấm, nguồn nước định kỳ. Chị tiết lộ, muốn trồng nấm thành công phải phụ thuộc vào 3 yếu tố: Phôi giống chất lượng; độ ẩm và nhiệt độ; chăm sóc, vệ sinh khi thu hoạch để những đợt trồng sau nấm ra nhiều hơn.
"Với nấm sò Thái, hoàng kim thì hút ẩm từ 26 - 30 độ, độ ẩm để ra nấm từ 75 - 90%, ngày nắng phải bơm nước nền, tưới mái nhà, làm sao để độ ẩm không khí cao lên thì nấm mới phát triển tốt. Hầu hết mỗi loại nấm đều có quá trình sinh trưởng gần giống nhau, nhưng cần phải có kỹ thuật riêng", chị Xuân chia sẻ.
Mỗi loại nấm có thời gian thu hoạch khác nhau, như nấm bào ngư lâu nhất từ 50 - 60 ngày; nấm hoàng kim, hồng ngọc, sò Thái chỉ khoảng 30 ngày…
Hiện tại, với 6 nhà nấm, mỗi tháng chị Xuân nhập về hàng ngàn bịch phôi giống với nhiều loại và màu sắc khác nhau. Mỗi tháng, trại của chị cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn nấm các loại, riêng tháng Bảy âm lịch hằng năm tăng lên gần 2 tấn do có nhiều người ăn chay.
Giá nấm bào ngư từ 50.000 - 60.000 đồng/kg; các loại nấm cao cấp hơn giá dao động từ 80.000 - 200.000 đồng/kg.
Nhờ đó, mỗi tháng chị Xuân thu lãi gần 30 triệu đồng.
Điều đặc biệt ở trại nấm của chị Xuân là không chỉ bán sỉ, lẻ đơn thuần mà chị còn tạo ra nhiều sản phẩm về nấm để phục vụ theo nhu cầu của mọi người. Chị thiết kế, trang trí các mẫu hộp đủ loại, màu sắc cho gần 20 loại nấm do trại trồng hoặc liên kết tiêu thụ, phối kết hợp với các loại gia vị cần thiết để khách tiện dụng hơn.
Hiện tại, trại trồng nấm của chị Xuân còn cho du khách tham quan, nhưng với số lượng hạn chế. Đến đây, mọi người có thể trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch nấm. Bên cạnh trồng nấm, chị Xuân cũng đang trồng rau thủy canh cho thu nhập khá ổn.