Những ngày đầu tháng 3/2024, Ngân Hà đang có chuyến hành trình săn cực quang tại Iceland. Đây là quốc gia thứ 51 cô gái Việt đặt chân tới trong 3 năm qua.
"Làm việc trong môi trường đa quốc gia, những kinh nghiệm, hiểu biết từ hành trình du lịch như chìa khóa giúp mình mở cánh cửa kết nối với đồng nghiệp. Cuộc sống của mình trở nên sôi động, nhiều màu sắc và giàu trải nghiệm”, Ngân Hà (26 tuổi, quê Bà Rịa Vũng Tàu) chia sẻ.
Cô gái Việt sang Đức du học thạc sĩ từ tháng 8/2020 rồi ở lại làm việc, định cư. Cũng trong thời gian là du học sinh, Hà bén duyên với những chuyến du lịch tự túc.
"Từ nhỏ, bố mẹ đã hay đưa mình đi du lịch trong các dịp cuối tuần, nghỉ hè. Có nhiều chuyến đi kéo dài 2-3 tuần để mình khám phá đất nước”, Ngân Hà kể. Sau này khi lên đại học, nhờ các chương trình trao đổi sinh viên, học bổng, Hà có cơ hội đến một số quốc gia Đông Nam Á và châu Á.
"Những chuyến đi đó hầu hết mình đều được bố mẹ lên kế hoạch hoặc mình đi theo tour, theo lịch trình của đoàn tổ chức. Phải tới cuối năm 2020, mình mới có chuyến du lịch đúng nghĩa đầu tiên - tự tìm hiểu, tự lên kế hoạch chi tiết. Chuyến đi này cũng mở ra một trang mới cho cuộc đời mình”, Ngân Hà tâm sự.
Cô sinh viên Việt “sơ hở là du lịch”, bỏ túi nhiều bí quyết du lịch giá rẻ
"Mình tới Đức vào thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc du lịch cần tìm hiểu thông tin rất chi tiết. Tuy nhiên, đây là thời điểm du lịch châu Âu có chi phí rẻ, nhiều ưu đãi, vắng khách”, Ngân Hà cho hay. Đó là lí do khiến cô gái Việt quyết định “chớp cơ hội” tới quốc gia đắt đỏ bậc nhất thế giới - Thụy Sĩ vào tháng 10/2020.
"Mình không có nhiều kinh phí nên chọn di chuyển bằng tàu hỏa và mang theođồ ăn, nước uống từ Đức qua Thụy Sĩ”, Hà cho biết. Trong 6h di chuyển, nữ du khách Việt vỡ òa trước vẻ đẹp thiên nhiên của quốc gia này, nơi có những hồ nước trong xanh như ngọc, những ngôi làng nhỏ cổ kính, bình yên, lấp ló bên đồi. Trong 3 ngày tại đây, Hà đến thị trấn Interlaken, ngắm nhìn hồ Thoune và Brienz.
Chuyến đi đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm, Hà không thích ứng kịp với thời tiết. Khi leo núi, cô chỉ mặc váy cùng hai lớp áo, trong khi nhiệt độ giảm sâu, chỉ 2-3 độ C. Sau chuyến đi, Hà bị ốm một tuần. Đây trở thành sự cố nhớ đời của cô.
"Sau chuyến khám phá Thụy Sĩ, mình bắt đầu nghiện du lịch. Mình liên tục tìm hiểu thông tin, lên kế hoạch hành trình, tìm bạn đồng hành để tới các quốc gia khác nhau”, Hà nói.
Nhiều đất nước như Italy, Ngân Hà đã tới 4,5 lần, mỗi lần khám phá những địa điểm khác nhau trải dài khắp bắc nam. Trong cảm nhận của Hà, quốc gia có phong cảnh đẹp nhất, đa dạng nhất là Indonesia, nơi nhiều hoạt động thú vị nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi du lịch rẻ nhất là Thái Lan, nơi có bãi biển đẹp nhất là Malta - đất nước nằm ngay phía nam của Italy và trên Tunisia trong vùng biển Địa Trung Hải. Ẩm thực hấp dẫn cô gái Việt là ẩm thực Nhật Bản.
Để tiết kiệm chi phí khi du lịch, Ngân Hà áp dụng 3 quy tắc
Thông thường, chi phí đi lại là khoản tốn nhiều nhất trong mỗi hành trình. Do đó, nếu tới một điểm đến mà thời gian đi tàu dưới 6-7 tiếng, Hà ưu tiên đi tàu thay vì máy bay. "Đi máy bay thì ngoài 2-3 giờ bay còn cần thời gian có mặt check-in, chờ đợi. Sân bay thường sẽ xa trung tâm thành phố nên mất thời gian và chi phí di chuyển hai chiều”, Hà cho hay. Với các chặng tàu, bus đường dài, Hà chọn chặng đêm để ngủ trên tàu. Cách này giúp tiết kiệm thời gian di chuyển và đỡ tiền nghỉ đêm ở khách sạn.
Ngân Hà cũng bỏ túi nhiều bí kíp để săn vé máy bay “giá rẻ hơn ổ bánh mì tại Đức”. Hà từng bay Đức - Croatia với giá khoảng 200.000 đồng/chiều, Đức - Ý khoảng 400.000 đồng/chiều, Đức - Bồ Đào Nha khoảng 125.000 đồng/chiều.
"Thứ nhất, mình ưu tiên giá vé trước chứ không giới hạn bản thân vào địa điểm. Mình còn trẻ, chỗ nào rẻ thì mình ưu tiên. Hàng ngày mình sẽ lên các trang tìm vé và kiểm tra nơi nào rẻ nhất thì mình lên kế hoạch khám phá”, Hà cho biết.
Cô thường sử dụng hai ứng dụng săn vé là Google Flights và Ryanair. Google Flights cho phép Hà nhanh chóng tìm kiếm giá vé máy bay của tất cả các hãng, so sánh giờ bay và giá. Sau khi tìm được chuyến bay vừa ý, Hà sẽ mua vé từ chính hãng bay để được cập nhật nhanh nhất về chuyến bay qua email hay số điện thoại trong trường hợp máy bay trễ, hủy chuyến… Và nếu có hủy chuyến thì thủ tục hoàn tiền cũng nhanh gọn hơn. Còn Ryanair là hãng máy bay giá rẻ của châu Âu nên Hà hay sử dụng, dù có những hạn chế.
Về phần ngủ nghỉ, tiêu chí của Hà khá đơn giản: sạch sẽ và gần trung tâm/bến phương tiện công cộng. Cô thường sử dụng ứng dụng đặt phòng trực tuyến để so sánh giá và chọn lựa. Hà ưu tiên các phòng nghỉ có bếp để tự túc nấu ăn.
Điều thú vị, ở châu Âu có rất nhiều địa điểm miễn phí dành cho người trẻ dưới 27 tuổi. Hà ưu tiên chọn các điểm đến này để tiết kiệm chi phí. “Nếu bạn là sinh viên thì đừng quên mang theo thẻ để tiết kiệm khá nhiều chi phí”, Hà cho hay.
Một quy tắc du lịch tiết kiệm khác của Hà là ưu tiên trải nghiệm “sang chảnh” (ăn nhà hàng sao Michelin, ở khách sạn 5 sao) khi tới các quốc gia có mức sống rẻ (như Đông Âu) và chọn tự nấu ăn tại phòng khi tới các quốc gia đắt đỏ ở Bắc Âu.
Hà cũng ưu tiên du lịch vào mùa thấp điểm để giá cả hợp lý, vắng vẻ du khách.
Làm thêm giờ, tận dụng thời gian nghỉ phép để du lịch
Ngân Hà hiện làm việc tại một công ty tài chính lớn của Đức. Hà có chế độ 30 ngày nghỉ phép/năm. Đầu năm, cô thường kiểm tra thời gian những kỳ nghỉ lễ lớn nhằm lên kế hoạch du lịch.
Hà cũng tận dụng chế độ làm việc tăng ca, tích góp giờ dư để quy đổi thành ngày nghỉ tương ứng. Cứ mỗi 8 tiếng làm thêm giờ, cô được đổi 1 ngày nghỉ. Tính tổng cộng ngày nghỉ phép, nghỉ lễ và nghỉ bù tăng ca, cô có khoảng 50 ngày để du lịch.
“Với những trải nghiệm có được trong các chuyến đi, mình dễ dàng làm quen với đồng nghiệp đến từ hơn 100 quốc gia khắp thế giới. Khi mình biết về đất nước, văn hóa của họ, họ sẽ cởi mở, quý mến mình hơn”, Hà chia sẻ.
Ngân Hà có một nguyên tắc là không đi du lịch một mình. Cô luôn có bạn trai, bạn bè đồng hành. Đôi khi Hà tìm những người bạn mới trong các nhóm mê du lịch, cộng đồng du học sinh Việt tại Đức… "Đi du lịch theo nhóm an toàn hơn, không cô đơn và chi phí cũng tiết kiệm hơn. Chúng mình đều là những người trẻ yêu thích khám phá nên dễ dàng gắn kết, thân thiết với nhau”, Ngân Hà chia sẻ.
Tất nhiên, trong hơn 3 năm du lịch, Hà cũng từng đối mặt những sự cố.
Tháng 7/2021, khi từ Italy về Đức, Ngân Hà bị mắc kẹt tại chuyến bay quá cảnh ở Tây Ban Nha do nhân viên tại đây đình công. 12h đêm, khi nhận được thông báo sân bay đình công, Hà bất đắc dĩ phải ở lại Tây Ban Nha du lịch. Sau 1,5 tháng vi vu Pháp, Italy và Bồ Đào Nha, Hà đã quá mệt mỏi và thực sự muốn về nhà.
Một lần khác, vào tháng 11/2022, chuyến tàu từ Áo đến Hungary bị đình công. Lần này, cô nàng không hề được thông báo trước, đến nơi tàu chạy mới biết tin. “Sau những sự cố mình học được cách thích nghi và ứng biến. Đôi khi điều đó lại trở thành điểm nhấn cho cuộc hành trình”, Ngân Hà cho biết.
Vài tháng nay, Hà bắt đầu sáng tạo nội dung du lịch, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với những bạn trẻ chung đam mê. Sắp tới, Hà có dự định sẽ tới khám phá các quốc gia châu Phi, châu Mỹ. “Du lịch làm cuộc sống của mình ý nghĩa hơn và có thêm động lực để làm việc, cống hiến”, Ngân Hà tâm sự.