Cô Đỗ Thuỳ Quyên (giáo viên Trường Mầm non Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đọc sách 3D cho học sinh người Mông. Ảnh: NVCC |
Tới nay, trong 14 năm đứng lớp thì có 6 năm, cô Đỗ Thuỳ Quyên gắn bó với những đứa trẻ người Mông ở Trường Mầm non Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Suối Giàng là một trong những trường thuộc vùng 135 – khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Lớp học của cô Quyên là điểm lẻ của trường – cách trường trung tâm 12km. Những hôm thời tiết xấu, con đường đất trở nên lầy lội khó đi.
Có 29 đứa trẻ ở 3 độ tuổi khác nhau nhưng phải ngồi chung một lớp vì là lớp ghép. Học sinh 100% là người Mông, rất khó khăn trong việc giao tiếp với cô giáo.
“Học sinh vùng cao cũng rất nhút nhát, nên khoảng cách giữa cô trò là khá lớn. Chính vì thế, việc dạy học trở nên thách thức hơn” – cô Quyên chia sẻ.
Trăn trở với điều đó, cô Quyên tìm mọi cách để những đứa trẻ của mình thích thú với việc đến trường, gần gũi với các cô.
Sau một lần tình cờ nhìn thấy tấm thiệp 3D do Trung Quốc sản xuất, cô Quyên nảy ra ý tưởng làm những cuốn sách 3D cho học sinh của mình. Những ngày đầu tiên, cô Quyên tự mày mò, thử nghiệm với các loại giấy bìa, và cho ra đời cuốn sách đầu tiên.
Sự hào hứng của bọn trẻ với món đồ dùng mới giúp cô có động lực tiếp tục tìm hiểu để “nâng cấp” sản phẩm của mình. Những cuốn sách 3D sau đó không chỉ có hình ảnh nổi mà còn có các chi tiết có khả năng chuyển động.
|
Hình ảnh những cuốn sách 3D do cô Quyên tự tay làm. Ảnh: Nguyễn Thảo |
“Nguyên liệu mình phải đặt trên mạng từ Hà Nội chuyển về. Ban đầu gặp khó khăn trong việc tìm bìa cứng, vì bìa phải đủ cứng thì nhân vật mới đứng được. Sau đó, mình nghĩ là cách làm một lớp xốp mỏng ở giữa 2 mặt giấy”.
Toàn bộ quá trình cắt dán được cô Quyên làm thủ công bằng tay. Đến nay, cô đã làm được hơn một chục đầu sách, có cuốn làm được 2-3 bản để phục vụ hoạt động góc. Những câu chuyện được cô chọn từ chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT.
Cô giáo vùng cao chia sẻ làm sách 3D mất khá nhiều thời gian. Nhưng vì mục đích giúp trẻ hiểu câu chuyện hơn, thu hút sự chú ý của các con hơn mà cô vẫn quyết tâm và sẽ còn tiếp tục làm những cuốn sách mới trong tương lai.
Những cuốn sách 3D giúp những đứa trẻ Mông vốn nhút nhát trở nên hứng thú với bài học. Ảnh: NVCC |
Với tinh thần luôn cầu thị và tìm tòi, học hỏi những cái mới, cái hay cho những đứa trẻ H’Mông, tháng 4/2018, cô Quyên tìm đến với Cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft. Ở đây, cô giáo vùng cao được chia sẻ, giao lưu, học hỏi những kỹ năng mới phục vụ cho công việc của mình.
“Trước đây, là một giáo viên mầm non ở vùng cao, mình chẳng biết gì ngoài phần mềm Powerpoint để thiết kế bài giảng”.
Còn bây giờ, cô Quyên đã biết kết nối lớp học của mình với lớp học của các đồng nghiệp trong và ngoài nước thông qua công cụ Skype.
“Mình không biết nhiều tiếng Anh, vẫn còn phải dùng phần mềm dịch để trao đổi với giáo viên nước ngoài về nội dung tiết học”.
Sản phẩm sách 3D của cô Quyên được chọn là 1 trong 50 sáng kiến lọt vào vòng chung kết cuộc thi Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT 2019. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Cô Quyên kể, đường truyền mạng ở thôn không ổn định, nên buổi kết nối đầu tiên chính là lần thử xem có được hay không. Rất may trời đẹp, cuộc kết nối diễn ra rất thành công, trẻ rất thích.
“Hôm đó, mình kết nối với một giáo viên tiểu học ở Hà Nội. Chị cho trẻ đi tham quan Hồ Gươm rất trực quan và sinh động. Nhờ đó mà trẻ nhớ được Hồ Gươm trông ra sao, vì sao lại đặt tên là Hồ Gươm. Đến khi mình đọc truyện sự tích Hồ Gươm, các con vẫn nhớ những nội dung được giới thiệu trong buổi kết nối đó – một điều mà bình thường trẻ rất khó nhớ”.
Cô giáo cũng kể về một lần khác lớp học H’Mông được kết nối với một lớp học ở Ấn Độ, được cô giáo Ấn Độ dạy số đếm, chào hỏi bằng tiếng Anh. “Các con thích thú vô cùng, vì trẻ trên này hiếm khi đi đâu ra khỏi khu vực”.
Từ những nỗ lực đổi mới sáng tạo của cô Quyên, những đứa trẻ vùng cao trở nên tự tin hơn, gần gũi với cô giáo hơn. Đó là niềm vui lớn nhất của cô Quyên.
Nguyễn Thảo
Giáo dục 4.0 đã lên vùng cao như thế nào?
Nói đến công nghệ 4.0 nhiều người nghĩ đến các quốc gia phát triển, các vùng đô thị. Nhưng ở những ngôi trường miền núi phía Bắc, sự thay đổi trong tư duy đã tạo nên sự đột phá không ngờ về chất lượng.