- Có lần, một anh bạn chở theo cô con gái học lớp 9 đến nhờ tôi thẩm định lại giúp một bài làm văn mà cháu cảm thấy rất tâm đắc nhưng số điểm đạt được lại không tương xứng.


Đó là bài luận về một vấn đề xã hội được viết rất sáng tạo và  sâu sắc dưới dạng một bức thư gửi Thượng Đế. Tôi đánh giá cao bài viết ấy bởi một lối hành văn trong sáng, hồn nhiên; bởi một lối suy nghĩ rất riêng, đầy cá tính. 

{keywords}

Dạy văn cần tôn trọng sự sáng tạo và cảm xúc cá nhân của từng học sinh

Ngược lại, cô giáo dạy văn của cháu thì lại đánh giá thấp qua lời phê “Không đúng phương pháp làm bài nghị luận xã hội mà cô đã dạy”. Tôi hỏi: “Thế phương pháp làm bài mà cô giáo của cháu dạy là gì?”. Cháu bé hồn nhiên trả lời: “Cô đưa ra một công thức chung, chỉ rõ phần mở bài phải thể hiện ý gì, phần thần bài phải thể hiện ý gì, phần kết bài phải thể hiện ý gì, rồi lấy dẫn chứng ra sao, liên hệ thực tế thế nào… và yêu cầu học sinh phải thực hiện mô hình ấy trong tất cả các đề văn”.

Nghe cháu nói, tôi bất giác giật mình. Dạy trẻ như thế thì nguy hiểm quá! Mỗi con người là một tiểu vũ trụ, một bản thể chứa đựng những suy tư, khát vọng cũng như tiềm tàng những khả năng sáng tạo riêng, sao lại  có thể đóng đinh suy nghĩ, cảm xúc của con người vào những lối mòn định sẵn như thế? Nếu bài viết của học sinh nào cũng răm rắp tuân theo công thức mà cô giáo đề ra thì đó đâu phải là sản phẩm của từng em trong quá trình tư duy tích cực mà đơn thuần chỉ là sự sao chép lại một cách máy móc bài giảng của cô giáo mà thôi. 

Còn bao nhiêu thầy cô giáo dạy  theo kiểu ấy? Trong một nền giáo dục mà sách giáo khoa là “thánh thư”, lời của thầy là “thánh chỉ”, học sinh chỉ cần chệch ra ngoài khuôn khổ một tí là bị coi như “phạm húy” thì năng lực sáng tạo của các em sẽ không thể nào phát triển.

Có lần một cô bé học trò của tôi nói vui “Đề văn ra là trình bày suy nghĩ của em vậy mà thầy cô toàn chấm theo ý thầy cô hoặc theo ý đáp án”. Tưởng như đùa, vậy mà lại là thật, một sự thật đến chua chát. 

Yêu cầu bức thiết đặt ra là phải đổi mới cách ra đề văn theo hướng phát triển năng lực, tôn trọng tiếng nói cá nhân, truyền cảm hứng sáng tạo và khơi gợi sự độc lập tư duy cho học sinh. Đã có những đề văn vượt khỏi lối mòn, chệch ra ngoài khuôn khổ, đem đến cho học sinh cơ hội thể hiện năng lực như: “Nếu chỉ còn một ngày để sống”, “Nghĩ về những nếp nhăn trên trán mẹ”, “Nghĩ về điều kì diệu của tình thương” “ Vì sao tôi sống?”, “Văn học với việc bồi dưỡng tâm hồn bạn?, “Nếu bạn là nhà văn”…  

Với những đề văn như thế thì đáp án cũng phải hết sức linh hoạt. Không nên ràng buộc học sinh là phải thể hiện được ý này, ý nọ; trái lại phải tạo ra một môi trường thực sự thông thoáng để các em tha hồ suy tư và sáng tạo.  Bản thân người chấm cũng phải tránh một cái nhìn máy móc, định kiến; phải tôn trọng tiếng nói cá nhân của mỗi học sinh.

Từ câu chuyện nhỏ về một bài làm văn, tôi nghĩ rằng một nền giáo dục tiến bộ phải là một nền giáo dục tự do, khai phóng; phải tạo ra được một môi trường thực sự cởi mở cho tư duy. Trong nền giáo dục ấy, cá tính sáng tạo (tức là cái riêng, cái lạ) của học sinh được tôn trọng và đề cao. Chừng nào cô giáo còn không thích lạ, còn mãi “ lối cũ ta về” thì chừng đó  nền giáo dục của chúng  ta chưa thể gọi là tiến bộ. Chỉ còn biết trông chờ vào một cuộc cải cách giáo dục thực sự toàn diện và mạnh mẽ trong tương lai.          
 
  • Hồ Tấn Nguyên Minh (Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)