“Lép vế”trên sân nhà
Theo thống kê của cơ quan quản lý, đến hết quý II/2022, thị trường truyền hình trả tiền có mức tăng trưởng về doanh thu xấp xỉ 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ OTT TV tăng trưởng 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, thị trường truyền hình trả tiền trong nước đang có sự tham gia của một số công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới như: Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI… Các nền tảng chủ yếu cung cấp nội dung theo yêu cầu (VOD) là những thể loại phim điện ảnh, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim truyền hình. Ngoài ra, cũng có chương trình truyền hình thực tế, trò chơi truyền hình (gameshows,…).
Là một thị trường nhiều dư địa phát triển nhưng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam lại “lép vế” trên chính sân nhà khi phần lớn thị phần nằm trong tay nền tảng xuyên biên giới. Theo Hiệp hội truyền hình trả tiền, các nền tảng xuyên biên giới chiếm tới 80% thị phần.
Số liệu của các cơ quan quản lý cho thấy, năm 2021, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao với doanh thu ước tính gần 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới hoạt động không qua cấp phép và chưa có cơ chế kiểm duyệt nội dung.
“Lĩnh vực truyền hình phải đối mặt với thách thức và cạnh tranh gay gắt với các Big Tech giống như thách thức mà các doanh nghiệp viễn thông gặp phải cách đây nhiều năm, khi doanh thu viễn thông bị “ăn mòn” bởi các nền tảng OTT nước ngoài”, đại diện một doanh nghiệp bình luận.
Vấn đề cạnh tranh bất bình đẳng liên tục được các doanh nghiệp Việt Nam đề cập. Hiệp hội Truyền hình trả tiền cũng nhiều lần gửi văn bản kiến nghị cơ quan quản lý siết chặt hoạt động với nền tảng xuyên biên giới và đưa các doanh nghiệp nội - ngoại cạnh tranh trên cùng mặt bằng.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt vươn lên cạnh tranh
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 (năm 2016) về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Theo Cục PTTH và TTĐT, Nghị định 71 khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV VOD, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam. Cụ thể là các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép.
Với loại hình dịch vụ OTT TV, doanh nghiệp có thể lựa chọn 2 mô hình cung cấp dịch vụ OTT TV có cả kênh trực tuyến và nội dung theo yêu cầu (VOD) và dịch vụ OTT TV chỉ cung cấp VOD.
Đối với dịch vụ OTT TV VOD, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện kê khai theo mẫu của Bộ TT&TT, thay vì phải lập Đề án. Quy định tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước có điều kiện về kỹ thuật tương đương như doanh nghiệp nước ngoài, được tham gia cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường phải thực hiện thủ tục như doanh nghiệp nội.
Cũng theo Cục PTTH&TTĐT, điểm quan trọng tiếp theo của Nghị định mới là việc nới lỏng quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung VOD cho doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, nội dung VOD được phân thành 3 nhóm và tuân thủ theo những quy định cụ thể. Chẳng hạn, với loại hình phim, doanh nghiệp sẽ có quyền chủ động phân loại phim theo tiêu chí của Bộ VH-TT&DL và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại; hoặc có thể ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.
Cục PTTH&TTĐT đánh giá, quy định này đã nới lỏng hơn khi doanh nghiệp được chủ động biên tập, phân loại đối với các loại nội dung VOD là phim, chương trình thể thao, giải trí khi đáp ứng điều kiện, tiêu chí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Trước đây, theo quy định tại Nghị định 06 tất cả nội dung VOD đều phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.
Đối với hoạt động biên dịch các phim, chương trình nước ngoài không bắt buộc, trong trường hợp thực hiện biên dịch, phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, không vi phạm điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam. Quy định cũng áp dụng đối với việc biên dịch kênh chương trình nước ngoài.
Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước kinh doanh dịch vụ trên cùng mặt bằng pháp lý, bảo đảm sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước giữa bối cảnh phần lớn thị phần OTT TV trong nước nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới.
Duy Vũ