Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới ước đạt 11,1 tỷ USD

Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua TMĐT tại Việt Nam” Amazon vừa phát hành, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh trong ứng dụng TMĐT. Theo ước tính, tổng giá trị giao dịch TMĐT Việt Nam tăng trưởng 34% mỗi năm kể từ 2020 và đạt 29 tỷ USD vào năm 2025.

TMĐT xuyên biên giới chiếm 36% tổng doanh thu TMĐT của Việt Nam và dự kiến tiếp tục tăng. Theo đánh giá, TMĐT xuyên biên giới là cơ hội quan trọng đối với người bán.

{keywords}
TMĐT đang trở thành kênh xuất khẩu quan trọng của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Internet)

Năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (3,3 tỷ USD). Dự kiến doanh thu năm 2026 có thể lên tới 256,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 11,1 tỷ USD).

“Nếu coi TMĐT B2C (doanh nghiệp với khách hàng) như là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới”, Báo cáo nhận định.

TMĐT là một kênh quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Theo kết quả khảo sát của Amazon, 88% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho rằng TMĐT rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của mình. 72% doanh nghiệp xuất khẩu thông qua TMĐT có hơn một nửa doanh số hoạt động bán hàng trực tuyến ra nước ngoài. Các doanh nghiệp nhận định doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới sẽ cao hơn doanh số bán lẻ trực tuyến trong nước.

Các doanh nghiệp dự đoán, triển vọng tăng trưởng doanh số bán hàng ra nước ngoài sẽ cao hơn trong nước. Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến của TMĐT B2C ra thị trường nước ngoài vào khoảng 42%, còn ở thị trường nội địa xấp xỉ mức 11%.

Còn nhiều rào cản

Bên cạnh cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào TMĐT xuyên biên giới, Báo cáo cũng nêu ra những bất cập đối với doanh nghiệp Việt Nam như rào cản về thông tin, chi phí, các quy định cũng như năng lực của doanh nghiệp.

Theo đó, 80% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng họ thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài. 85% gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Bên cạnh đó, 81% doanh nghiệp thừa nhận chưa được chuẩn bị để đáp ứng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.

Báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua TMĐT tại Việt Nam” được phát hành với mục tiêu cung cấp góc nhìn thiết thực cho các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong ngành đưa ra những giải pháp hỗ trợ toàn diện cho các nhà xuất khẩu qua TMĐT.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling Việt Nam đã ký kết ghi nhớ hợp tác và công bố cùng triển khai sáng kiến “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”. Chương trình hướng tới đào tạo nhân lực về TMĐT xuyên biên giới cho 10.000 doanh nghiệp Việt Nam từ nay đến 2026.

Thông qua chương trình, các doanh nghiệp được trang bị kiến ​​thức chuyên ngành về xuất nhập khẩu, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở cầu nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu.

Duy Vũ