Những điều kiện đảm bảo

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, nhận định việc học trực tuyến nếu được đảm bảo sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt, nhất là ở những địa phương vùng sâu vùng xa.

Điều kiện đảm bảo mà ông Thành đề cập tới ở đây chính là cơ sở vật chất phải có và đồng bộ, khi đó mới có thể triển khai rộng rãi.

Do đó, cần phải huy động nhiều nguồn lực để học sinh vùng khó khăn có phương tiện máy tính, điện thoại thì mới có thể học tập được.

{keywords}
Học sinh Hoàng Minh Đức, lớp C4 K45 Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, vừa chăn trâu vừa học trực tuyến trong đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm

“Trong thời gian qua, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến ở Nghệ An chiếm khoảng 80%. Đối với 20% còn lại chủ yếu là những học sinh thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng Internet chưa đến được và học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Hướng giải quyết của Nghệ An là đẩy mạnh học tập thông qua truyền hình. Ngoài ra, ngành giáo dục tỉnh cũng có gắng huy động nguồn lực xã hội hóa, trang bị những chiếc điện thoại cũ nhưng có khả năng kết nối Internet để tặng miễn phí để học sinh dùng.

Bên cạnh đó, VNPT và Viettel vẫn đang nỗ lực đưa đường truyền mạng đến tận các thôn bản để mọi học sinh có thể tiếp cận với việc học trực tuyến” – ông Thành cho biết.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cũng chia sẻ quan điểm của ông Thành về việc tổ chức được một hoạt động dạy học trực tuyến có hiệu quả.

“Chúng ta phải có những điều kiện đảm bảo. Những điều kiện đảm bảo đó gồm hạ tầng công nghệ thông tin, các trang thiết bị đầu cuối để có thể dạy học trực tuyến, giáo viên và học sinh phải có máy tính hoặc các thiết bị kết nối mạng...

Cùng đó, giáo viên cũng phải được huấn luyện sử dụng phương pháp dạy học thành thạo trong môi trường trực tuyến. Học sinh cũng phải được hướng dẫn các cách thức tham gia, các tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến của nhà trường.

Ngoài ra, còn phải được hướng dẫn quy trình tổ chức dạy học, kiếm tra đánh giá và công nhận kết quả dạy học trực tuyến ra sao.

Những điều kiện đảm bảo cần có này phải được thực hiện đồng bộ thì công tác dạy học trực tuyến mới có hiệu quả”.

Ông Hải cho biết trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi, huy động các tập đoàn, doanh nghiệp về công nghệ thông tin cả trong và ngoài nước chung tay với ngành giáo dục, hỗ trợ, tài trợ về hạ tầng công nghệ, phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến, đường truyền internet.

Nhờ những hỗ trợ đó mà ngành giáo dục đã triển khai các hoạt động dạy học trực tuyến có hiệu quả hơn. Trong thời gian vừa qua, đã có khoảng hơn 80% các trường triển khai dạy học trực tuyến với nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, đường truyền internet ở địa phương.

{keywords}
Trong thời gian không đến trường vì dịch Covid-19, có 2-3% học sinh Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương không có điện thoại thông minh, ở vùng không có internet và điện lưới quốc gia. Vì vậy mà hàng ngày, đúng 8h sáng, sau khi đến được chỗ có sóng liên lạc, học sinh sẽ gọi điện cho thầy cô để trao đổi bài.

Thời gian tới, để giải quyết vấn đề, những điều kiện đảm bảo liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đối với học sinh vùng khó, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện chính sách để tổ chức quản lý dạy học trực tuyến. Điều đó làm hành lang pháp lý cho các nhà trường tăng cường áp dụng, ngoài ra huy động được các nguồn lực từ xã hội.

“Hiện nay cũng đã có một số tổ chức đã có đề nghị về việc này và Bộ GD-ĐT đang tiếp tục làm việc. Tôi tin rằng khi chúng ta có chính sách và nhu cầu chính đáng thì xã hội sẽ chung tay” – ông Hải nói.

Cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số

Cách đây hơn 2 tháng, tại Diễn đàn chính sách trực tuyến Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á với chủ đề “Giáo dục trong thế giới hậu Covid-19” ngày 18/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT đang tập hợp các video clip được thực hiện bởi giáo viên trong thời gian qua để tạo thành một kho tài liệu số trực tuyến.

Ông Nhạ cũng cho rằng đại dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục.

Nói thêm về nội dung này, ông Nguyễn Sơn Hải khẳng định ngành giáo dục đào tạo xác định sẽ biến nguy cơ từ dịch Covid-19 thành các cơ hội. Cơ hội ở đây là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện tiến trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục đào tạo nhanh chóng và quyết liệt hơn.

Sở dĩ ngành giáo dục coi đây là “cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục” bởi trước khi có dịch Covid-19, ngành cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, kiểm tra, đánh giá, trong đó có dạy học trực tuyến.

Ở bậc giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Cụ thể là, hướng dẫn các điều kiện để triển khai, đào tạo bằng hình thức trực tuyến nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong giáo dục phổ thông, Bộ cũng đã đẩy mạnh phong trào xây dựng bài giảng e-learning thông qua các cuộc thi. Đến nay đã có 4 cuộc thi quốc gia về thiết kế bài giảng e-learning và có hàng chục nghìn lượt giáo viên đã tham gia xây dựng bài giảng và đóng góp hơn 5.000 bài giảng có chất lượng để làm kho dữ liệu chia sẻ trực tuyến...

Vì vậy, tới giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, ngành giáo dục đã có thể nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình dạy học trực tiếp trên lớp sang ứng dụng công nghệ, đặc biệt là dạy học trực tuyến.

{keywords}
Giảng viên Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong một buổi tập huấn về dạy-học trực tuyến

“Qua chiến dịch dạy học trực tuyến vừa rồi, ngành đã tập hợp được hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình. Bộ GD-ĐT đang kết hợp với hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ sẽ tập trung xây dựng một kho học liệu trực tuyến. Qua đó, thu thập các học liệu được giáo viên, nhà trường xây dựng, sử dụng trong thời gian vừa qua thành một kho học liệu số quốc gia để phục vụ giáo viên, học sinh trong các hoạt động dạy học trực tuyến...”.

Khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong giáo dục, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ nhà trường đã chủ động thay đổi hình thức dạy và học, kết hợp giữa hình thức Online và cả hình thức Blended learning. Trường cũng đã đưa học phần “Năng lực số” - “Digital Literacy” vào chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản lý thông tin.

Ngân Anh – Thanh Hùng - Thúy Nga

Không chỉ vì Covid, dạy học online là ‘thứ’ không thể cưỡng lại

Không chỉ vì Covid, dạy học online là ‘thứ’ không thể cưỡng lại

Sau hơn nửa năm, vì dịch Covid-19, các trường phổ thông và đại học phải triển khai dạy học online. Hầu hết giảng viên và người học đã thừa nhận đây là xu thế không ai còn có thế cưỡng lại.