Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cù Lao Dung Phạm Trường Giang, từ khi thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg cho đến nay, đơn vị đã giải cho 15 gia đình vay vốn với tổng số tiền 1,120 tỷ đồng, riêng đầu năm 2024 đến nay đã giải ngân 7 trường hợp với tổng số tiền 670 triệu đồng. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với hội, đoàn thể các cấp thường xuyên xuống hộ vay kiểm tra, động viên hộ vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích.
Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cù Lao Dung tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ, bám sát chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội; tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tạo mọi nguồn lực để giúp đối tượng chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn chương trình, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Theo bà Trịnh Bích Tuyền, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng, ngay từ khi triển khai quyết định, chi nhánh phối hợp công an tỉnh, tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tập trung rà soát các đối tượng có nhu cầu, bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân kịp thời đến người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhu cầu, đủ điều kiện.
Bà Trịnh Bích Tuyền thông tin, từ khi triển khai đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân cho 138 gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền trên 8 tỷ đồng; trong đó, đầu năm 2024 đến nay, đã giải ngân cho 90 trường hợp được vay vốn với số tiền 5 tỷ 664 triệu đồng.
Thời điểm trước khi có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng cho 59 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù vay hơn 2 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng chính sách khác để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh cho hộ.
Cũng theo Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng, thời gian tới Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tuyên truyền rộng rãi chương trình tín dụng chính sách theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg; phối hợp Công an tỉnh triển khai thực hiện chương trình phối hợp và cùng các tổ chức chính trị-xã hội, các địa phương rà soát nhu cầu, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay đối với các trường hợp có nhu cầu, đủ điều kiện để học nghề, có nguồn vốn phát triển kinh tế.
Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 14/03/2024 chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện về tín dụng đối người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm chỉ đạo trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn, đặc biệt là tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ủy thác nguồn vốn ngân sách tỉnh cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có ủy thác trên 2 tỷ đồng để triển khai cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh.
Theo chính quyền địa phương tỉnh Sóc Trăng, đây là một chính sách nhân đạo, mang tính nhân văn sâu sắc đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, cơ sở pháp lý để việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn học nghề, sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống. Chính sách này đã được người dân tỉnh Sóc Trăng - nơi có đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đồng tình cao và từng bước đi vào đời sống xã hội.