- “Trong những năm tháng gắn bó với ngành giáo dục, tôi luôn lưu giữ cho mình những kỷ niệm đẹp đẽ về mỗi lứa học trò. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc vô bờ mà chỉ những người làm thầy mới có được”.
Vào một buổi sáng đón trẻ đến trường, cô giáo Hồ Thị Thu Hà (Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long, Hà Nội) bắt gặp bé gái lớp 1 nước mắt nhạt nhòa, nhất định không chịu vào lớp. Cô nhẹ nhàng đến bên hỏi han rồi dắt em vào phòng làm việc của mình để dỗ dành. Cô khen: “Con gái rất xinh và đáng yêu. Nhưng khóc nhè thế này thì hết xinh rồi”.
Cô Hà cùng các học sinh |
Đứa trẻ nghe vậy cũng dần thôi khóc. Thế nhưng ánh mắt của em vẫn không giấu nổi sự rụt rè, sợ sệt. Qua vài câu hỏi, cô biết em không ở với mẹ. Cô giáo Hà ân cần nói: “Con rất đáng yêu, nhưng cô chỉ muốn con cười thật xinh. Giờ con hãy nín đi để cùng cô lên lớp nhé! Từ mai mỗi sáng đến trường, con hãy ghé qua phòng chào cô và cười thật tươi để cô biết con vui. Con hứa với cô không?”
Sự dịu dàng, gần gũi với học sinh là điểm dễ thấy ở cô giáo Hà. Dù không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng cô vẫn luôn tìm cách tiếp xúc với học sinh: khi là đón trẻ ở cổng trường mỗi sáng hay trong những lần trao đổi với đồng nghiệp và phụ huynh.
Cô giáo Hà nhớ lại, đó là những hình ảnh không hiếm gặp của các em học sinh lớp 1 trong những ngày đầu đến trường. Vai trò của người thầy lúc này là làm bạn với trẻ. Những cuộc trò chuyện thân mật sẽ khiến đứa trẻ dần trở nên thoải mái hơn.
Những ngày sau đó, cô học trò nhỏ vẫn bẽn lẽn đi qua vẫy chào cô giáo rồi mới lên lớp. Cứ thế khoảng hơn một tuần, khi thấy học trò đã quen môi trường mới, cô Hà mở lời: “Giờ thì cô thấy con đã vui rồi. Con không cần qua chào cô nữa. Con cứ đi thẳng lên lớp. Nhưng qua camera cô vẫn dõi theo con. Khi nào thấy nhớ cô thì lại xuống chơi với cô nhé!”
“Luôn tạo sự gần gũi và thân mật với trẻ” là cách cô Thu Hà thường áp dụng đối với các học sinh của mình. Sau 29 năm công tác trong nghề, biết bao học sinh đã gọi cô bằng cái tên thân thương: Mẹ Hà!
Thấu hiểu trẻ, cô giáo Hà cho rằng, chỉ có tình yêu thương mới giúp học sinh ngoan ngoãn và nỗ lực học tập. Khi người thầy xem trò là con cháu mình và dạy bằng cái tâm thực sự thì mới có thể dạy trẻ thành công.
Do vậy, bắt đầu vào nghề từ năm 1990, ngôi trường Tiểu học Thăng Long đã trở thành “ngôi nhà” mà cô giáo Hà gắn bó. Cô luôn cho đó là một sự may mắn lớn, bởi đây là nơi cô dành bao tâm huyết và cả tình yêu thương với các thế hệ học trò.
Nhờ sự thân tình của “mẹ Hà”, không ít những học sinh “cá biệt” đã dần thay đổi. Cô giáo Hà tâm niệm: “Học sinh “cá biệt” là bởi thầy cô và phụ huynh chưa hiểu tâm tư, tình cảm và những vấn đề gặp phải của học sinh. Thay vì bực tức, người thầy nên gần gũi và tâm sự nhiều hơn với học trò”.
Cô Hà nhớ lại câu chuyện về một cậu học sinh lớp 3H của 6 năm về trước. Cậu bé khi đó đặc biệt hay quậy phá và rất thích chơi điện tử. Trong lớp không có ai muốn chơi cùng cậu. Cậu bé đâm chán nản và nhất định đòi chuyển lớp khác.
Cô trò trường tiểu học Thăng Long trong lễ tổng kết năm học 2017 - 2018 |
Khi ấy cô Hà nhẹ nhàng gợi chuyện và lắng nghe học trò nói. Vẫn cử chỉ thân mật, cô khuyên nhủ học trò: “Cô không có con trai. Do vậy cô vẫn mơ ước có một cậu con trai như con và mong được tự hào về người con trai của mình. Nhưng nếu con cứ như thế này thì cô không thể đi khoe với mọi người rằng tôi có một cậu con trai rất ngoan và học giỏi. Con coi cô như mẹ của con. Con hãy nói cô nghe vì sao con lại như thế?”
Từ việc phân tích cho trẻ hiểu, sau đó cô đổi cách xưng hô: “Theo mẹ, con nên thay đổi”. Sự giao tiếp khéo léo và gần gũi của cô khiến đứa trẻ dần vỡ lẽ. 6 năm trôi qua, cô Hà hạnh phúc kể về "người con trai" của mình:
“Bây giờ con đã chuẩn bị lên cấp 3 và sống rất tình cảm. Từ một cậu bé cá biệt, hiện tại con luôn báo cáo với mẹ Hà về những nỗ lực cố gắng trong học tập. Có những hôm đêm khuya, con vẫn nhắn tin chúc mẹ ngủ ngon”.
Cô Hà cho rằng, đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người thầy. “Tôi thấy mình may mắn vì được tiếp xúc với nhiều thế hệ học trò. Còn gì vui hơn khi thấy các con của mình ngày một trưởng thành. Đó cũng là nguồn động lực khiến tôi luôn tin rằng lựa chọn của mình là đúng đắn”.
Vì yêu và gắn bó với học trò, cô Hà không khỏi lưu luyến, nhớ nhung trong mỗi “mùa chia tay”. “Lại một lứa hoc trò nữa sắp phải rời xa mái trường. 5 năm đón các con từ những bước đi đầu tiên trong trường tiểu học, từ nét chữ, con số đầu tiên cũng do thầy cô uốn nắn. Sẽ nhớ lắm hình ảnh những trò nhỏ nước mắt nhạt nhòa trong ngày đầu đến lớp.
"Đó là những kỷ niệm thực sự đáng yêu và cũng là hạnh phúc lớn lao của người làm giáo dục. Giờ đây khi chia tay các con tôi thật sự rất nhớ. Ai đó từng ví thầy cô giáo như những người lái đò. Khi một chuyến đò cập bến để lại những kỷ niệm thật khó phai”.
Thúy Nga
Những khoảnh khắc đáng yêu phút chia tay trường tiểu học
Giây phút chia tay cấp tiểu học đánh dấu sự trưởng thành của những cô bé cậu bé mới ngày nào còn chập chững đến trường trong vô vàn nỗi lo toan, thấp thỏm của các ông bố, bà mẹ.
"Con hãy là người bình thường, tử tế"
Bức thư nhắn nhủ học trò trước ngày ra trường của cô giáo Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM rất đáng suy ngẫm.
Một thầy giáo chết đuối tại biển Thiên Cầm
Khi đi tắm tại biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh), 1 thầy giáo là chuyên viên phòng giáo dục bị đuối nước dẫn đến tử vong.
Bức thư xúc động của cô giáo gửi học trò trong lễ trưởng thành
Dưới đây là toàn văn bức thư cô giáo Nguyễn Minh Ngọc (giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM) gửi học sinh lớp 12 nhân ngày lễ tri ân và trưởng thành.
Nam sinh Thái Bình hôn bạn gái giữa sân trường trong lễ bế giảng
Clip nam sinh Thái Bình hôn bạn gái giữa sân trường đang là một trong những khoảnh khắc “nóng” nhất mạng xã hội mùa bế giảng năm nay.