Đà Lạt (Lâm Đồng) nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, được các dãy núi cùng quần thể thực vật rừng, đặc biệt là rừng thông bao quanh nên thành phố có khí hậu miền núi ôn hòa, mát dịu quanh năm. Ngay từ đầu và xuyên suốt, Đà Lạt được xác định là một thành phố phục vụ nghỉ mát, nghỉ dưỡng. Người Pháp cũng muốn và đã tạo nên một phố thị mang dáng dấp châu Âu giữa vùng Á Đông.

Điều đó đã quyết định hình thái cấu trúc không gian, thể loại và kiến trúc đô thị. 

bietthu.png
Một góc kiến trúc Pháp giữa rừng thông Đà Lạt

Trong các kho lưu trữ tại Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những bản đồ án cùng các hoạt động quy hoạch, chỉnh trang đô thị Đà Lạt của các kiến trúc sư người Pháp như Paul Champoudry năm 1906, Ernest Hébrard năm 1923, Pineau năm 1933, Mondet năm 1940 và J.Lagisquet năm 1942. Các bản quy hoạch trước đây vừa có tính kế thừa vừa rất sáng tạo, theo bố cục tự do, hạn chế can thiệp vào địa hình, tôn trọng tối đa vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, các con phố uốn lượn theo đồi núi và thung lũng, các phân khu chức năng bố trí linh hoạt, điều này giúp bộ mặt đô thị Đà Lạt ngay từ khi ra đời đã có dáng vẻ khác biệt, rất hiện đại nhưng cũng giàu bản sắc.

Ngày nay, Đà Lạt được nhận định là đô thị di sản. Linh hồn của thành phố chính là các di sản kiến trúc khác biệt!

Kiến trúc Đà Lạt chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc châu Âu, là “nghệ thuật kiến trúc kết hợp với cảnh quan”, góp phần làm phong phú nền kiến trúc Việt Nam và được xem như tài nguyên nhân văn quốc gia. Mỗi công trình, cụm công trình được sắp đặt khéo léo nhằm khai thác triệt để địa hình và cảnh quan thiên nhiên. Với quỹ không gian di sản với khoảng 1.500 công trình kiến trúc độc đáo bao gồm biệt thự, dinh thự, công sở, trường học, thánh đường, nhà ga... có thể coi TP Đà Lạt hiện nay là “bảo tàng kiến trúc” khổng lồ.

Bảo tồn, gìn giữ những nét đặc trưng riêng nổi tiếng

Năm ngoái, tại Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung (QHC) TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nhấn mạnh tinh thần kế thừa, tiếp tục triển khai thực hiện các định hướng cơ bản, các quy hoạch chung hiện hành vẫn còn phù hợp, khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của TP nhằm bảo tồn và phát triển Đà Lạt trở thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và cảnh quan tự nhiên. Qua đó, góp phần xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế.

Cụ thể, với các dự án phát triển giao thông kết nối vùng TP Đà Lạt với 6 đô thị vệ tinh để tạo động lực phát triển đô thị, khu chức năng và vùng nông thôn. Đồng thời, các dự án an toàn cấp nước như, hồ chứa thượng nguồn Đan Kia, hồ Ta Hoét…

Mặt khác, xây dựng các ý tưởng khoa học hiện đại nhằm phát triển, mở rộng phạm vị không gian đô thị, nâng cao giá trị hiệu quả sử dụng đất.

Cụ thể, với các dự án phát triển giao thông kết nối vùng TP Đà Lạt với 6 đô thị vệ tinh để tạo động lực phát triển đô thị, khu chức năng và vùng nông thôn. Đồng thời, các dự án an toàn cấp nước như, hồ chứa thượng nguồn Đan Kia, hồ Ta Hoét…

Kết luận hội nghị thẩm định quy hoạch chung TP Đà Lạt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: cần bảo tồn, gìn giữ những nét đặc trưng riêng nổi tiếng được nhiều người biết đến của TP Đà Lạt: như bản sắc văn hóa, công trình kiến trúc cổ, cảnh quan tự nhiên, môi trường, địa hình sinh thái, khí hậu thời tiết và sự đa dạng sinh học.

"Đây là một điểm quan trọng trong nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh .

Lương Bằng và nhóm PV, BTV