Trong quy định cũng bắt buộc các DN lớn phải có người phụ trách về an toàn lao động nhưng cũng không ràng buộc trách nhiệm của chính họ nếu có tai nạn lao động xảy ra. Do vậy, những người này nhiều khi chỉ là chức danh ngồi cho “đủ mâm đủ bát”.
Còn nhớ hôm 10/3, tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động tỉnh Hà Tĩnh được phát động ở KCN Vũng Áng. Cũng như các tỉnh thành khác, Hà Tĩnh đã hưởng ứng tuần lễ này với nhiều khẩu hiệu rầm rộ.
Nhưng ngay khi những sự kiện này vừa chấm dứt thì tại KCN Formosa- điểm nóng xây dựng của Hà Tĩnh, 13 công nhân đã thiệt mạng, gần 30 người bị thương vì sập giàn giáo. Cũng chỉ trước đó không lâu, ngay tại công trường này đã xảy ra ít nhất 2 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3 người thiệt mạng, 4 người bị thương nặng.
Thực tế cho thấy, những khẩu hiệu, những “quyết tâm”, lời cam kết của các nhà lãnh đạo được đọc sang sảng tại các buổi mít tinh đã không hề “ngấm” vào hành động ở những nơi có nguy cơ cao về tai nạn lao động, ví dụ như ở Formosa.
Có vẻ như, những cam kết giảm thiểu TNLĐ trên các lễ đài trang trọng đã không ăn nhập gì với thực tế đầy bất trắc, hiểm nguy mà những công nhân làm việc tại hiện trường đang đối mặt.
Ảnh minh họa. |
Ngành xây dựng luôn là “điểm nóng” đứng đầu về số vụ TNLĐ diễn ra cũng như số nạn nhân thiệt mạng.
Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), năm 2014, lĩnh vực xây dựng chiếm 33,1% tổng số vụ tai nạn và 33,9% tổng số người chết, đứng đầu trong các lĩnh vực có số vụ TNLĐ xảy ra. Năm 2013, số vụ TNLĐ xảy ra trong lĩnh vực này chiếm 28,6% tổng số vụ tai nạn và 26,5% tổng số người chết, đứng đầu trong số các lĩnh vực xảy ra TNLĐ.
Câu hỏi đặt ra là, vậy tại sao chưa có một quyết tâm hay giải pháp nào đủ mạnh và quyết liệt để làm giảm số vụ TNLĐ trong ngành? Hay người ta đã mặc nhiên thừa nhận nó như một tất yếu của quá trình phát triển và tảng lờ, thỏa hiệp với nó?
Nguyên nhân mất an toàn lao luôn được liệt kê đầy đủ trong các bản báo cáo, thậm chí, còn được dự tính chi tiết trong từng lĩnh vực. Nhưng báo cáo và trách nhiệm đề xuất giải pháp cụ thể vẫn chưa tìm được tiếng nói chung . Vì sự thật là các vụ TNLĐ vẫn có xu hướng tăng cao cả về số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trung bình giai đoạn 1992 – 2000, mỗi năm xảy ra 3.000 vụ TNLĐ làm chết 350 người, giai đoạn 2001 – 2013 bình quân mỗi năm xảy ra gần 6.000 vụ TNLĐ làm gần 600 người chết. Tuy nhiên, số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do tai nạn lao động thường nhiều gấp hơn 20 lần số liệu được báo cáo về bộ này.
Còn thống kê từ các bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng cũng cho thấy mỗi năm khoảng 160.000-170.000 người bị tai nạn lao động phải đến điều trị tại cơ sở y tế và có khoảng 1.700 người chết.
Cho dù kinh tế đã phát triển hơn, đời sống DN đã khác đi rất nhiều, các nguy cơ TNLĐ cũng nhiều hơn nhưng những chính sách nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa rủi ro TNLĐ thì vẫn không bắt kịp thực tiễn. Các chính sách vẫn được "xào" đi "xào" lại năm này qua năm khác, chủ yếu chỉ là “nhắc nhở” chứ chưa đầu tư cho giải pháp thực tế có tính khả thi.
Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật về an toàn lao động chủ yếu dựa vào đội ngũ thanh tra với năng lực hạn chế cả về trình độ và số lượng, hàng năm chỉ thanh tra được khoảng 3,4% số DN trên địa bàn. Trong quy định cũng bắt buộc các DN lớn phải có người phụ trách về an toàn lao động nhưng cũng không ràng buộc trách nhiệm của chính họ nếu có TNLĐ xảy ra. Do vậy, những người này nhiều khi chỉ là chức danh ngồi cho “đủ mâm đủ bát”.
Hiện trường đổ nát vụ sập giàn giáo kinh hoàng ở Formosa. |
Pháp luật về an toàn lao động cũng quy định, sau các vụ TNLĐ nghiêm trọng, thanh tra về an toàn lao động cùng với cơ quan công an sẽ vào cuộc để điều tra nguyên nhân. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ chuyển các vụ TNLĐ này sang hình sự và đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân khởi tố. Tuy nhiên trong thực tế số vụ TNLĐ khởi tố chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Chính bởi không quy được trách nhiệm rõ ràng khi xảy ra TNLĐ nên tình trạng thờ ở với các quy định về an toàn lao động là phổ biến.
Trở lại câu chuyện sập giàn giáo tại KCN Formosa, hôm 27/3, trong buổi họp báo vụ sập giàn giáo do tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết trước khi tai nạn xảy ra, Sở đã tiến hành xử phạt hơn 1 tỷ đồng vi phạm an toàn lao động tại KCN này. Như vậy, việc vi phạm đã không phải là lần đầu tiên và sau khi xử phạt, vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra mang tới cái chết thương tâm cho 13 công nhân.
Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý về an toàn lao động tại các địa phương: nếu việc quản lý về an toàn lao động chỉ dừng lại ở kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt và coi như đó là hết trách nhiệm thì chắc chắn những cam kết giảm thiểu TNLĐ chỉ là những lời báo cáo đẹp, lời nói hay.
Tai nạn đáng tiếc vừa xảy ra ở Formosa là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ có thực đòi hỏi chính quyền địa phương, chủ sử dụng lao động và bản thân người lao động phải cấp tập đầu tư cho yêu cầu an toàn vệ sinh lao động thay vì chỉ hô khẩu hiệu "quyết tâm" suông.
An Khuê