"Qua bầu Bí thư thông qua Ban chấp hành, thông qua Thường vụ thì vẫn hạn chế, có thể ở nơi này nơi khác người ta có thể vì quan hệ tình cảm, quan hệ dòng họ, quan hệ lợi ích dễ có thể đồng tình với nhau để bầu ông A, ông B lên làm Bí thư".

Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến thời điểm này, đại hội đảng cấp cơ sở đã cơ bản hoàn thành. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã trao đổi với ĐĐK về vấn đề mở rộng dân chủ trong bầu cử.

{keywords}
Ông Nguyễn Túc. Ảnh: ĐĐK

PV: Thưa ông, chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; chủ trương bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội cấp cơ sở và trên cở sở đã được đặt ra. Vậy làm sao để mở rộng dân chủ hiệu quả?

Ông Nguyễn Túc: Bộ Chính trị có Chỉ thị số 36-CT/TW về đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Theo tôi đây là một bước để phát huy dân chủ trong Đảng. Trước đây qua tổng kết thấy một số nơi khi bầu Thường vụ, bầu Ban chấp hành từ đó bầu ra Bí thư và phó Bí thư thì tinh thần cả nể trong ta còn tương đối nặng.

Qua bầu Bí thư thông qua Ban chấp hành, thông qua Thường vụ thì vẫn hạn chế, có thể ở nơi này nơi khác người ta có thể vì quan hệ tình cảm, quan hệ dòng họ, quan hệ lợi ích dễ có thể đồng tình với nhau để bầu ông A, ông B lên làm Bí thư.

Để tránh tình trạng đó, kỳ này qua Chỉ thị 36 Đảng muốn hạn chế tiêu cực đó, phát huy dân chủ tốt hơn. Cả một đại hội khi bầu chắc chắn người ta nhìn nói chung sáng suốt hơn một số người trong Ban chấp hành, trong thường vụ. Lý do thứ hai, việc triển khai này sẽ dần dần mở rộng ra và tôi nghĩ rằng đến một giai đoạn này đó ngay cả Đại hội đại biểu toàn quốc cũng sẽ khác. Vấn đề chính là phụ thuộc vào thời gian mà thôi. 

Hiện có việc cán bộ Trung ương được điều động về địa phương nhưng tại một số địa phương có biểu hiện vận động không bầu. Vậy làm sao để việc bầu được khách quan, khi ở địa phương chưa chắc đã nắm được năng lực của cán bộ đó, chưa kể họ không phải là người của địa phương nên ít nhiều tình cảm không bằng cán bộ tại địa phương?

- Hiện nay có một số cán bộ Trung ương điều về địa phương để thử thách. Thường thường đi từ 2-3 năm, như vậy qua thực tiễn họ sẽ có bước khẳng định mình. Tất nhiên so với đồng chí ở địa phương thì người dân hay đảng viên hiểu chưa nhiều về họ. Nhưng chính họ không phải là người địa phương thì không bị ràng buộc bởi mối quan hệ họ hàng, thân thích, lợi ích.

Qua một số địa phương cho thấy chính những anh em về đó với tâm sáng, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân thì phiếu lại rất cao. Lúc đầu chúng ta sợ họ về địa phương, thời gian ít thì đảng viên không nhận xét được ngay. Đến bây giờ qua thực tế nhiều nơi thấy họ về với tâm sáng làm việc toàn ý phục vụ Đảng và dân nên họ ủng hộ rất nhiều. Và cái này có thể là cách chúng ta học tập ông cha ta nhiều hơn và nâng nó lên cao hơn. 

Thời xưa tri phủ, tri huyện hay tổng đốc không bao giờ là người của địa phương cả. Đã được đề bạt thì phải đi tỉnh khác chứ không phải tỉnh nhà. Kỳ này Trung ương cũng quy định một tỷ lệ nhất định, và tỷ lệ khá cao là những đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở địa phương không phải là người của địa phương. Tôi cho rằng đấy là cách làm rất tốt.

Vừa rồi chúng ta thấy một số đồng chí bị phạm sai lầm chính là bị cục bộ địa phương, thông qua cục bộ địa phương mà tạo ra lợi ích nhóm. Cách đó là không tốt. Đảng ta bây giờ đổi mới tư duy để thực hiện làm sao tránh tiêu cực trong nội bộ Đảng. Tôi nghĩ rằng đây là một giải pháp để bớt thoái hóa biến chất trong Đảng ta.

Một vấn đề được nhiều người dân quan tâm là  làm sao tổ chức Đại hội nhưng kinh phí tiết kiệm, tránh lợi dụng việc này để tiêu tiền lãng phí?

-Tôi đã từng phát biểu khi ông Phan Văn Khải đang làm Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ rằng khi bước sang đổi mới thì có “đặc biệt” là: Trung ương xuống tỉnh thì tỉnh đưa đi khách sạn; tỉnh lên Trung ương thì Trung ương hỏi các ông loạng quạng đi đâu? Tỉnh xuống huyện thì huyện mổ trâu; huyện lên tỉnh tỉnh hỏi các cậu đi đâu thế này? Huyện xuống xã thì xã làm thịt cầy; xã lên huyện huyện bảo chúng mày về nhà mà ăn; Xã xuống dân thì dân bẩm dân thưa; dân lên xã thì xã hay chửi mưa chửi càn.

Khi tôi phát biểu điều đó, Thủ tướng Phan Văn Khải bảo đúng là đồng chí làm công tác Mặt trận nên biết được ngõ ngách của những vấn đề. Tiền chiêu đãi cấp trên thì cấp dưới hỏi ở đâu? Chính là tiền của dân hoặc của nhà doanh nghiệp đóng góp vào. Doanh nghiệp chi ra tất nhiên phải có lợi gì cho doanh nghiệp. Đó cũng chính là một hình thức móc ngoặc giữa người quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. 

Có đi có lại mới toại lòng nhau. Chính những cái đó mới phá vỡ đi  kỷ cương phép nước mà ta đặt ra. Đây là một hình thức mà chúng ta cần, nên lên án và đấu tranh. Thời xưa khổ là khổ đều chứ bây giờ cơ chế thị trường định hướng XHCN thì có người khổ, có người lợi dụng cơ chế đó để mà làm điều có lợi cho bản thân mình, đó là cái mà chúng ta cần suy nghĩ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo H.Vũ/ Đại đoàn kết

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt