Vâng, quan điểm của độc giả lớn tuổi này khá đúng và trong phần cuối bài viết trên cũng đã có đoạn: Dù nước ta có tới 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm đến 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên. Đáng chú ý, trong số người dùng mạng xã hội phần lớn người dùng ở độ tuổi 18-34, nhưng chỉ khoảng 12% người cao tuổi nước ta sở hữu điện thoại thông minh và khoảng 6% trong số đó sử dụng máy tính cá nhân. Như vậy, những người sở hữu smartphone và có khả năng tương tác trên nền tảng Internet như bài viết đề cập cũng chưa đại diện cho phần lớn người cao tuổi.

Chính vì vậy, giúp người cao tuổi vượt qua “rào cản” thời công nghệ 4.0 cũng chính là một trong những mục tiêu được Bộ TT&TT đề ra trong tiến trình chuyển đổi số hiện nay. Việc thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng: Đẩy mạnh đề án Giảm nghèo thông tin: Xóa vùng lõm sóng, tắt sóng 2G: Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số… đang được Bộ TT&TT phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh thực hiện, trong đó 2 nhóm đối tượng trẻ em và người cao tuổi cũng là nhóm được ưu tiên hỗ trợ.

Quay lại phản ánh của độc giả Đỗ Văn Tâm (65 tuổi, trú tại Kim Động, Hưng Yên) cho biết: Quê tôi giờ kinh tế đi lên, nhà cừa xây san sát, 3-4 tầng đã phổ biến. Tivi, điều hòa, máy giặt hầu như nhà nào cũng có; điện thoại thông minh thì hầu như nhà nào cũng vài cái nhưng sử dụng được đa phần là các cháu thiếu nhi hoặc bố mẹ chúng. Đa phần người cao tuổi chúng tôi mù tịt công nghệ, mắt mùi tèm nhem nhìn màn hình có nhiều cái hay cũng thích lắm nhưng không biết sử dụng ra sao…

21 dien thoai.jpg
Người cao tuổi gặp khó khăn trong việc thích ứng với các công nghệ mới. 

“Con gái tôi nó mua cho chiếc smartphone rồi hướng dẫn sử dụng. Ngay từ việc máy tự động khóa màn hình, mỗi khi phải nhập mật khẩu hay dấu vân tay là đã “gây khó” rồi. Việc cài mật khẩu màn hình là để các cháu nhỏ không mượn máy chơi game mất kiểm soát. Nhưng mỗi lần nhập mật khẩu là phải nhớ đến mệt, trong khi ngón tay chai sạn giờ ấn dấu vân tay nhiều khi nó chả cho đăng nhập cũng phiền. Bản thân tôi vốn tò mò nên cũng cố sử dụng cho đỡ lạc hậu, chứ như vợ tôi thì… chịu chết vì bà ấy cứ nhìn màn hình điện thoại là lại chảy nước mắt”, ông Tâm thẳng thắn nêu vấn đề.

Cùng chung quan điểm với bác Tâm, bác Đồng Văn Thân (73 tuổi, quê Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết: Đời sống đi lên, việc mua một chiếc điện thoại thông minh không khó, nhưng để sử dụng được hết các tính năng của nó và đặc biệt là không bị lừa đảo trên mạng khi truy cập Internet thì lại là câu chuyện khác. “Hôm trước bà hàng xóm bị bọn lừa đảo giả danh báo tin con bà bị tai nạn, rồi yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục nhập viện cho con. Thế là ma xui quỷ khiến thế nào, thay vì gọi cho con gái thì bà ấy cứ thế làm theo chuyển tiền để rồi mất cả trăm triệu chỉ trong có 30 phút. Đúng là lợi bất cập hại”, ông Thân cho biết.

Thực tế, câu chuyện của bác Thân cũng chính là nỗi bức xúc lớn nhất của người dùng Internet hiện nay trước tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng và đặc biệt các nhóm đối tượng bọn lừa đảo hướng tới chính là những người cao tuổi ít am hiểu về công nghệ hoặc cả tin. Ở đâu đó, sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ thông tin thay vì xóa nhòa mọi khoảng cách thì lại sinh ra rào cản với người cao tuổi khi kết nối và hòa nhập với xã hội. Đơn cử, trong nhà ai cũng ôm máy điện thoại nên sự giao tiếp trực tiếp ít đi cũng khiến tình cảm gia đình vì thế ảnh hưởng.

Trong khi đó, một nghiên cứu không chính thức của một nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa mới đây chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 20% người cao tuổi cảm thấy tự tin và thoải mái trong việc tìm hiểu và sử dụng các ứng dụng trực tuyến, số còn lại nói rằng họ gặp khó khăn trong việc chấp nhận và thích ứng với công nghệ mới. Như vậy, trong mỗi gia đình, việc được người thân động viên người cao tuổi sử dụng công nghệ sẽ giúp họ có thêm động lực để tìm hiểu và học hỏi thêm. Về phía cộng đồng, các Tổ công nghệ số cộng đồng hiện nay cũng là mô hình hay trong việc phố biến kiến thức về chuyển đổi số cho người dân nói chung, giúp người cao tuổi nói riêng có động lực học hỏi và tận hưởng lợi ích của công nghệ thông tin cũng như tri thức từ mạng Internet đem lại.

Lê Giáp Việt Hoàng, Bạch Thị Hân, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thị Phương Thúy, Vũ Việt Bảo Phùng