Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hợp tác quốc tế hiện nay, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Đây cũng là nội dung được chú trọng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt được thể hiện đậm nét, đồng bộ, xuyên suốt trong tất cả các phần, từ chủ đề, quan điểm phát triển, mục tiêu chiến lược, các đột phá chiến lược đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (gọi tắt là Chiến lược).

Chiến lược xác định quan điểm, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới.

Chiến lược xác định khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ. Phát triển mạnh mẽ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Ảnh minh họa

Chiến lược cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trước yêu cầu của thời kỳ mới, cụ thể là: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động nghiên cứu, quản lý khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số; tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực then chốt. Cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả các cơ sở nghiên cứu; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ trong các doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu thị trường. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh thị trường khoa học - công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ; tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; mở rộng và nâng cao hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ...

Những nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực khoa học - công nghệ cần được tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung đột phá chiến lược về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thực hiện tốt vai trò điều phối của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và đặc biệt là trong doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án khoa học - công nghệ cụ thể hoặc một số nhóm đối tượng đặc thù, như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, viện nghiên cứu, trường đại học...

Bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách nhà nước tối thiểu 2%, phân bổ và sử dụng có hiệu quả và trọng tâm nguồn lực ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích nhiều doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ phát triển khoa học - công nghệ, sử dụng quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Triển khai các giải pháp để thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các cơ sở giáo dục đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh.

Đối với doanh nghiệp: Rà soát, sửa đổi các quy định về xét duyệt nhiệm vụ khoa học - công nghệ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục triển khai các chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trước mắt là tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Có chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân, cá nhân và các doanh nghiệp lớn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và làm chủ công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, khai thác sáng chế và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thông tin về khoa học - công nghệ.

Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học: Có chính sách khuyến khích chuyển dịch, liên thông nguồn nhân lực trình độ cao giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và khu vực doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng các quy định phù hợp để giảng viên, cán bộ nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học dành thời gian nhất định trong năm thực hiện công tác nghiên cứu, cải tiến, đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế ưu tiên tăng cường tiềm lực, hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu mạnh tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tham gia thực hiện nhiệm vụ trong các chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia, tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế, công bố quốc tế. Xây dựng và thực hiện chương trình phát hiện và bồi dưỡng các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Xây dựng các chuẩn mực về đạo đức trong nghiên cứu khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, tập trung xây dựng năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất, chất lượng, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Triển khai hiệu quả và đồng bộ, có trọng điểm các chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia, cơ cấu lại các chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng, tổ chức thực hiện 1 - 2 chương trình, dự án phát triển công nghệ lớn, có tầm vóc, với sự tham gia của cả khu vực công và tư, có cơ chế thu hút đa dạng nguồn lực (vốn đầu tư phát triển, sự nghiệp khoa học - công nghệ, sự nghiệp kinh tế, nguồn lực từ doanh nghiệp,...) để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện chiến lược về trí tuệ nhân tạo (AI), chiến lược vũ trụ. Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, gắn kết với hoạt động của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) để nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển công nghệ tiên tiến.

Thứ tư, sửa đổi, hoàn thiện chính sách tài chính, quy định quản lý nhiệm vụ khoa học - công nghệ để thúc đẩy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục tháo gỡ rào cản, vướng mắc từ quy định sử dụng quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động đổi mới, ứng dụng, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo. Rà soát, hoàn thiện chính sách về đầu tư công để khuyến khích hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí phù hợp với đặc điểm của hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tính rủi ro, để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao tài sản hình thành trong nhiệm vụ khoa học - công nghệ sử dụng vốn nhà nước, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào đời sống. Sửa đổi đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về thuế và quy định pháp luật về khoa học - công nghệ để triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Xây dựng cơ chế ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Sửa đổi các chính sách về mua sắm công nhằm khuyến khích việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới, phát triển công nghệ của doanh nghiệp.

Thứ năm, chuyển đổi số và hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chuyển đổi số công tác quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ: Số hóa nhiệm vụ khoa học - công nghệ các cấp để công khai, minh bạch, bảo đảm xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về nhiệm vụ khoa học - công nghệ, phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu tra cứu của nhà khoa học và công dân. Phát triển cơ sở dữ liệu về tiềm lực khoa học - công nghệ (tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, thông tin), bảo đảm được cập nhật theo thời gian. Số hóa toàn bộ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản lý hồ sơ, công việc của Bộ Khoa học và Công nghệ, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng được kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu.

Thực hiện công tác cải cách hành chính, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Khoa học và Công nghệ: Tập trung thực hiện hiệu quả 6 giải pháp trong chương trình cải cách hành chính của Chính phủ. Sử dụng công nghệ số để kết nối, hỗ trợ mạng lưới các nhà quản lý, nhà khoa học, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương. Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành; lấy người dân và nhà khoa học làm trung tâm phục vụ; hướng tới cắt giảm thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính một cách thực chất. Cung cấp thông tin minh bạch, hỗ trợ cho các nhà khoa học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ.

Duy Linh (lược ghi), Ngọc Ánh, Phạm Linh