- Cha mẹ tôi sinh được 5 người con, 4 gái 1 trai. Chúng tôi hiện đã lập gia đình. Cách đây 14 năm, cha mẹ tôi ly dị. 2 chị gái và anh trai tôi với mẹ có tên trong cùng một sổ hộ khẩu, nhà ở thị trấn.
Tôi, em gái và ba tôi có tên trong cùng sổ hộ khẩu ở một xã xa xôi trong huyện. Nay ba tôi muốn bán mảnh đất mà chúng tôi đang ở (mảnh đất đứng tên ba tôi) nhưng tôi không đồng ý mà em gái tôi lại đồng ý. Kính mong luật sư trả lời rằng: Nếu tôi không kí tên bán đất thì ba tôi có được quyền được bán đất hay không?
Trường hợp ba tôi không bán được đất vì tôi không kí tên thì ba sẽ chuyển nhượng đất cho anh trai tôi, sau đó nhờ anh trai tôi đứng ra bán đất có được không?
Tôi có tên trong sổ hộ khẩu thì có được quyền ngăn cha bán đất? (Ảnh minh họa) |
Do thông tin bạn nêu không rõ quyền sử dụng đất đứng tên bố bạn hay ghi tên hộ gia đình mà bố bạn là người đại diện nên có các trường hợp như sau. Theo Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100, Điều 101 Luật Đất đai 2013 thì đối tượng được cấp giấy chứng nhận cũng là hộ gia đình và cá nhân .
Trường hợp 1: Mảnh đất đứng tên bố bạn và là tài sản riêng của bố bạn.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì bố bạn có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà không cần có sự đồng ý của con.
Trường hợp 2: Mảnh đất đứng tên bố bạn nhưng là tài sản chung cấp cho hộ gia đình.
Theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 3 Thông tư Số: 23/2014/TT-BTNMT quy định về GCNQSDĐ cấp cho hộ gia đình có hướng dẫn:
“Điều 5. Thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận
1. Ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo quy định sau:
c) Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó;”
Đối với đất được cấp cho hộ gia đình thì đất đó trở thành tài sản chung của hộ. Khi đó việc định đoạt phải theo sự thỏa thuận của người đồng sở hữu trong hộ gia đình tại thời điểm đó theo quy định tại điều 109 Bộ luật dân sự 2005:
“1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.
2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý”.
Nếu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện tại ghi là “hộ gia đình” thì đất đó không phải là tài sản riêng của bố bạn và muốn chuyển nhượng mảnh đất này cần phải có sự đồng ý của các thành viên hộ gia đình.