- Mô hình đào tạo vừa học vừa làm của các trường y (kết hợp đào tạo tại trường và qua thực tế khám chữa bệnh tại bệnh viện) là một gợi ý tốt để đổi mới mô hình đào tạo sư phạm.

GS Nguyễn Minh Thuyết nêu vấn đề này ra khi bàn về cách đào tạo giáo viên ở trường sư phạm làm sao cho hiệu quả tại hội thảo quốc gia Đổi mới đào tạo giáo viên Giáo dục công dân đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 22/12.

Nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên chỉ dừng lại ở việc “điểm danh, ghi tên”

Những lời gan ruột của người thầy tại "hội nghị Bình Than"

Gần 93% học sinh muốn thầy cô cười nhiều hơn

Nhiều bất cập ở đội ngũ giáo viên dạy Giáo dục công dân

Chia sẻ tại hội thảo, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẳng thắn nói việc đào tạo giáo viên Giáo dục công dân hiện đang bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải đổi mới, đặc biệt là mục tiêu, nội dung chương trình và phương thức, mô hình đào tạo. 

{keywords}
GS Nguyễn Văn Minh: "Cần đổi mới ở nhiều khâu". Ảnh: T.H

Thực tế cũng được minh chứng qua trải nghiệm của ThS. Nguyễn Quang Thuận (giảng viên khoa Giáo dục chính trị, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2):

Trong quá trình tôi đi công tác, một năm 2 kỳ về các trường phổ thông để sinh hoạt chuyên môn thì thấy ở nhiều địa phương hiện các thầy cô khi soạn giáo án môn Giáo dục công dân dù xác định đến bước năng lực hướng tới để hình thành cho học sinh, tuy nhiên lại có tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Tức là rất nhiều thầy cô xác định năng lực hướng tới hình thành phát triển cho học sinh rất oách nhưng trong giáo án, phần hoạt động của giáo viên và học sinh lại không thấy có hoạt động nào thể thực hiện điều đó”.

Với kinh nghiệm 20 năm công tác, thầy Nguyễn Hồng Sơn (giáo viên Trường THPT Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ thực tế trong những năm qua khi hướng dẫn sinh viên thực tập, nhận thấy các em không chỉ hạn chế về kiến thức chuyên môn mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc vận dụng linh hoạt các phương thức dạy học vào từng bài, tiết học.

Trong nhiều giờ dạy, các em vẫn chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình hoặc đám phán. Những phương pháp, kỹ thuật dạy học mới mẻ, hiện đại có thể làm cho giờ học sôi nổi, thành công cao thì các em lại chưa sử dụng được, hoặc có làm thì chỉ mang tính hình thức”.

Dạy "đức" cho trẻ, không chỉ cần một đầu toàn lý thuyết

PGS.TS Đào Đức Doãn, Chủ biên chương trình Giáo dục công dân - chương trình phổ thông mới cho rằng để đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới, thì việc đào tạo giáo viên Giáo dục công dân ở các cơ sở cũng phải thay đổi.

{keywords}
PGS Đào Đức Doãn. Ảnh: Thanh Hùng

Giáo viên Giáo dục công dân trước hết phải đáp ứng được những yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo nhưng đồng thời cũng phải có những phẩm chất đặc thù. Tức để đào tạo được học sinh có những phẩm chất tốt thì người giáo viên cũng phải là những công dân tiêu biểu về những phẩm chất đấy”.

Ông Doãn cho rằng chương trình cũ ở các cơ sở đào tạo giáo viên quá hàn lâm.

Những mạch nội dung phải khắc phục tích chất hàn lâm, lý thuyết. Phải đưa vào chương trình đào tạo giáo viên những nội dung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kinh tế và pháp luật, phải là những nội dung thiết thực, gần gũi và hướng đến mục tiêu trang bị cho học sinh hòa nhập với cộng đồng xã hội”.

Mặt khác, cần chấm dứt ngay việc đồng nhất giữa Giáo dục công dân và Giáo dục chính trị hay đào tạo giáo viên Giáo dục chính trị để ra dạy Giáo dục công dân.

“Bởi Giáo dục chính trị là đào tạo giảng viên các môn Lý luận chính trị cho các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ và ĐH. Còn đào tạo giáo viên Giáo dục công dân có nhiệm vụ cung cấp giáo viên dạy ở các trường phổ thông. Hai mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra khác nhau do đó chương trình đào tạo phải khác nhau”.

Theo ông Doãn, với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để phát triển chương trình và tiến hành thường xuyên, do đó phải có kỹ năng phát triển chương trình. Song điều này lại chưa được chú trọng trong các cơ sở đào tạo, nội dung có thể nói là hầu như chưa có: Các chương trình đào tạo giáo viên của chúng ta đều chưa có nội dung dạy học viên về phát triển chương trình”.

Giáo sinh phải được trải nghiệm thì giáo viên mới dạy được trải nghiệm

Đại diện Trường ĐH Sư phạm Huế cho rằng, giáo viên chỉ có thể tổ chức tốt cho học sinh khi mà chính họ phải được thụ hưởng những điều đó qua quá trình đào tạo.

“Để người giáo viên có năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm thì khi là sinh viên sư phạm họ phải được thụ hưởng, từ đó tổ chức lại cho các học sinh”.

{keywords}
Đại biểu tham dự hội thảo

Đồng quan điểm, đại diện một trường THCS ở Khánh Hòa chia sẻ:

“Kinh nghiệm từ chính bản thân tôi khi còn là sinh viên sư phạm, nhiều khi một giáo án như thế nhưng khi xuống trường phổ thông thì hoàn toàn khác lạ, không biết phải thực hiện ra sao. Do đó cần tăng tính thực tế cho sinh viên sư phạm bằng cách đưa các em vào các trường phổ thông nhiều hơn".

ThS Đào Thị Hà cho rằng cần phát triển năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho sinh viên ngành Giáo dục công dân và giải pháp là đưa nội dung giáo dục tổ chức hoạt động trải nghiệm làm môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo.

“Hiện theo khảo cứu của tôi thì hoạt động này chưa phải là một môn học bắt buộc. Các giảng viên bộ môn phương pháp dạy học như chúng tôi thì đưa nó vào đâu đó trong những nội dung của các môn, các học phần. Tôi nghĩ cần đưa học phần này vào trang bị cho sinh viên một hệ thống về hoạt động trải nghiệm là như thế nào, hình thức tổ chức, phương pháp, quy trình thực hiện ra sao,...”.

Mô hình đào tạo ngành y là gợi ý tốt để đổi mới đào tạo sư phạm

Bàn về giải pháp, thầy Nguyễn Hồng Sơn (giáo viên Trường THPT Mê Linh, Hà Nội) cũng cho rằng cái gốc vẫn là việc đổi mới phương pháp dạy học trong đào tạo giáo viên Giáo dục công dân ở các trường sư phạm.

Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Giáo dục công dân phải bắt đầu từ chính người thầy. Người thầy phải có nhận thức đẩy đủ về việc đổi mới phương pháp dạy học, coi đó là yếu cầu bắt buộc. Giảng viên phải gương mẫu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong từng giờ dạy, xây dựng hình ảnh tích cực về sự đổi mới phương pháp trong mắt sinh viên như không ngại khó để kiến tạo, tìm tòi các phương pháp hay, phù hợp với từng bài giảng”.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng các trường sư phạm cần bổ sung vào chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các môn học một số nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục nghiệp vụ.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Thanh Hùng

Ngoài ra, cần đổi mới mô hình, phương thức đào tạo. Hiện nay các trường sư phạm tuyển sinh theo kết quả trên giấy, thay vì có thể cần phải phỏng vấn xem liệu rằng thí sinh có thích hợp.

Trong khi mô hình đào tạo truyền thống chủ yếu cung cấp kiến thức khoa học cơ bản, bổ sung một số kiến thức khoa học sư phạm, tổ chức thực tập trong thời gian ngắn (1 tháng ở năm thứ 3; 2 tháng ở năm thứ 4), chưa đảm bảo giáo sinh ra trường có đủ hiểu biết về hoạt động dạy học, kỹ năng nghiệp vụ và xử lý các tình huống sư phạm.

“Gần như 90% thời gian đào tạo là ở khoa, trường. Chúng ta cần thay đổi, tức học ở trường khoảng 50%, còn lại cần để sinh viên tiếp cận, trực tiếp làm các công việc thực tế ở trường phổ thông thì mới có thể vững vàng khi vào nghề”, GS Thuyết nói.

Theo GS Thuyết, mô hình đào tạo vừa học vừa làm của các trường y (kết hợp đào tạo tại trường và qua thực tế khám chữa bệnh tại bệnh viện) là một gợi ý tốt để đổi mới mô hình đào tạo sư phạm.

Thanh Hùng