Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta gặp muôn vàn khó khăn, thử thách phải đối phó. Đảng khi đó chỉ vỏn vẹn có 5 ngàn đảng viên, tất cả đều rất trung kiên và nhiệt huyết với cách mạng. Cũng chính vì thế mà Đảng có khối tài sản vô giá, đó là 5 ngàn “bó đuốc" rực sáng giúp toàn dân tìm ra con đường giành độc lập, tự do cho đất nước.

Lòng người là cơ bản, gần dân nên được dân chở che

Để "giải mã" được một vấn đề hệ trọng nói trên trong giai đoạn tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, chúng ta nghe lại phát biểu của cố Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám thành công.

{keywords}
Tháng 5/1941, tại Khuổi Nậm, Pắc Bó, Cao Bằng, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hội nghị Trung ương 8 đã bầu ông Trường Chinh làm Tổng bí thư. Đây cũng là lần đầu tiên ông được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ảnh tư liệu

Ông Hoàng Tùng đã đọc nó với đầy cảm xúc của một người từng làm Chánh Văn phòng Tổng bí thư tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Trường Chinh, năm 2007. Ông bày tỏ: 

"Trường Chinh là một lãnh tụ cách mạng của quần chúng, một con người đạo đức, nhân cách, cao thượng. Trước hết, ông là người cộng sản sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình, hoạt động ở ngay trong thành phố Hà Nội trong thời kỳ thống trị kép của Pháp và Nhật.

Mang án tử hình vắng mặt và ảnh của ông, chúng nó treo khắp cả các nơi Hà Nội, thế mà ông cứ len lỏi trên đất Hà Nội. Thân thế Trường Chinh lắm lúc gian nan và tế nhị, một người như Trường Chinh mà cũng vấp phải, chứ không phải thuận buồm xuôi gió như mọi người. Song, ông thản nhiên trước sóng to gió lớn, tình người cao cả, thảnh thơi chăm lo công việc cách mạng. Ông là một nhân cách lớn...". 

Như chúng ta đều biết, khi Trung ương Đảng cử ông Trường Chinh ra làm Bí thư Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940 là do Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ bị bắt. Ban Thường vụ Trung ương Đảng khi ấy chỉ còn có 4 ông là Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ và Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt). Đến năm 1941, ông Hoàng Văn Thụ lại bị bắt. Thật là nguy nan cho cách mạng vô cùng bởi những người đứng đầu trong Đảng đều bị bắt hoặc bị thủ tiêu quá nhiều.

Ông Trường Chinh đã nghĩ ngay đến việc phải xây dựng khu căn cứ địa Trung ương ngay ở vùng ven Hà Nội nếu Đảng không muốn bị tổn thất nặng nề thêm nữa. 

Từ 1930 đến 1942, chỉ có hơn chục năm mà cả 4 vị Tổng bí thư đều bị địch bắt và hy sinh: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ, không kể Tổng bí thư Trường Chinh bị tuyên bố tử hình vắng mặt. Nhiều cán bộ cấp Trung uỷ và Xứ uỷ khác cũng hy sinh. 

Có ý kiến khi đó cho rằng, chúng ta nên đặt An toàn khu (ATK) ở những nơi hiểm trở. Nhưng ông Trường Chinh lại nói: "Lòng người là cơ bản, khu an toàn phải là ở Hà Nội và gần đó vì chỉ khi tiện đường đi lại thì mới chỉ đạo được".

Vì thế, mục tiêu lấy ngoại thành Hà Nội làm ATK là điều ông Trường Chinh đặt ra. Điều này quả là vô cùng mạo hiểm, táo bạo nhưng cũng lại rất có lý.

Có được cách nhìn táo bạo ấy là bởi ông rất tin vào cơ sở của Đảng, ông đã vạch ra rất rõ, chỉ có xây dựng ATK ngay ngoại thành Hà Nội như vậy, bộ máy lãnh đạo Đảng mới có thể an toàn khi quyết định hoạt động ngay trong lòng địch. An toàn là bởi sự bất ngờ, rất gần dân nên sẽ được chính dân đùm bọc, chở che... 

{keywords}
Ông Trường Chinh (ngồi giữa) và 2 người bạn chiến đấu cùng thời - Phạm Văn Đồng (đứng) và Võ Nguyên Giáp (2/9/1945). Ảnh tư liệu

Vậy là, ở dọc hai bên bờ sông Hồng ngoại ô Hà Nội giáp các tỉnh khác và ngôi làng Vạn Phúc tỉnh Hà Đông, chúng ta đã gây dựng những cơ sở cách mạng đặc biệt tin tưởng. Và rõ ràng, nhiều khi ở chính nơi tưởng là nguy hiểm nhất với người đang hoạt động bí mật lại là nơi an toàn nhất!

Rừng cây chưa chắc kín đáo bằng rừng người 

Ông Trần Quốc Hương, thư ký của cố Tổng bí thư Trường Chinh (sau này trở thành Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương) khi viết hồi ký, còn nhớ rõ một câu nói rất tâm huyết của ông Trường Chinh: "Rừng cây chưa chắc đã kín đáo bằng rừng người. Núi đá chưa chắc đã vững chãi bằng núi người".

“Núi người”, phải chăng đó chính là hình ảnh của thế trận chiến tranh nhân dân của Đảng ta? Có dân và được dân tin là sẽ có tất cả? 

{keywords}
Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa phát lệnh khởi nghĩa vào lúc 11h đêm 13/8/1945

Và quả thật, ngay đến khi Tổng khởi nghĩa, giành được chính quyền, thêm một lần nữa Đảng ta đã có quyết định cực kỳ táo bạo khi một mực tin vào những người có tấm lòng yêu nước vô bờ để gửi gắm cả sinh mạng mình cho họ như câu chuyện tổ chức để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tập thể Ban Thường vụ Trung ương Đảng trở về Thủ đô, sống ngay tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang. 

Đây là một tiệm buôn vải lớn của vợ chồng nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ mà Đảng không sợ bị ai phản bội và cho dù mật thám Pháp giăng đầy phố phường...

Hành động bí mật, táo bạo đến bất ngờ mà Đảng đã tiến hành trong cuộc Cách mạng Tháng Tám đã mang lại thành công ngoài sức tưởng tượng!

Và hôm nay, trận chiến thứ 4 với Covid-19 suốt mấy tháng qua đặt đất nước vào tình trạng phải thích ứng an toàn với dịch bệnh để "sống chung", tìm ra hướng khắc phục, đối phó với dịch theo cách hoàn toàn khác. 

Với sự bình tĩnh, tự tin và quyết liệt của Đảng và Chính phủ, lại được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng và ủng hộ, hy vọng mọi việc rồi cũng sẽ qua.  

Bài học phải biết dựa vào dân, tin dân của Đảng trong giai đoạn tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 qua sách lược đối phó của Trung ương Đảng hồi đó thật là một bí quyết đầy ý nghĩa. Tư tưởng sáng tạo, tự tin và đầy táo bạo của Tổng bí thư Trường Chinh cho đến nay vẫn mang tính thời sự rất lớn.

Nhân 115 năm ngày sinh của ông, chúng ta tưởng nhớ ông và càng thấm thía tư tưởng đó của một Đảng tiên phong có truyền thống vẻ vang. Từ đó, chúng ta càng thêm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay. Cho dù có khó mấy rồi cũng sẽ đi đến thành công nếu chúng ta biết dựa vào dân và được dân tin tưởng. 

Quốc Phong

Có một thời chính khách mặc áo sờn, chung bộ vest khi ra nước ngoài

Có một thời chính khách mặc áo sờn, chung bộ vest khi ra nước ngoài

Vào những năm cuối 1960, rồi 1970-1980, tôi từng biết có câu chuyện, ngay đến cỡ như cố ủy viên Bộ Chính trị Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà cũng phải mặc áo sờn cổ, quần bạc màu.