Khoảng 11h30 ngày 11/1, lực lượng Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện Bùi Quang Thắng (35 tuổi, quê Hải Dương, là cơ trưởng một hãng bay) đang giao 120 chai nước hoa không có hoá đơn chứng từ cho Nguyễn Văn Dũng (SN 1960, ngụ quận Gò Vấp) nên mời về trụ sở làm việc vì nghi đây là hàng buôn lậu.

Lô hàng được xác định là 120 chai nước hoa các nhãn hiệu như Bleu De Channel Paris, Allure Home Sport, Channel Chance và 3 điện thoại, tổng giá trị khoảng gần 120 triệu đồng,

Bước đầu xác định, Thắng mua số hàng hoá tại khu vực miễn thuế ở 1 sân bay của Pháp với giá 3.047 Euro, với ý định bán lại giá hơn 4.000 Euro. Sau đó, Thắng chuyển hàng về Hà Nội trên chuyến bay VN 119, với tư cách là cơ trưởng. Rồi Thắng lại tiếp tục chuyển lô hàng về TP.HCM trong chuyến bay mang số hiệu VN 221, với tư cách thành viên tổ bay. Vừa đến TP.HCM, khi đang giao hàng cho người đã hẹn trước, Thắng bị lực lượng Công an sân bay kiểm tra, tạm giữ.

{keywords}
Cơ trưởng bị bắt giữ vì nghi buôn lậu nước hoa (Ảnh minh họa).

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên phát hiện phi công buôn lậu. Trước đó, một số phi công, tiếp viên hàng không buôn lậu cũng bị bắt giữ.

Trên chuyến bay khởi hành lúc 23h40' ngày 26/7/2016 từ Việt Nam đi Hàn Quốc, lực lượng chức năng bắt giữ 2 hành khách do vận chuyển trái phép 3kg vàng, tương đương 80 cây vàng. Hai vị khách này là Nguyễn Ngọc Sang, SN 1986 và Hoàng Thị Ngọc Anh, SN 1982. Đáng chú ý, Ngọc Anh có nghề nghiệp là tiếp viên hàng không. Cả 2 vị khách thừa nhận đã không khai báo hải quan gói vàng nguyên liệu, nhằm chuyển sang Hàn Quốc để bán kiếm lời.

Trước đó, vụ mang lậu 6kg vàng vào Hàn Quốc ngày 10/3/2015 cũng gây xôn xao. Theo đó, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc), đã bị phát hiện giấu 6 kg (6 thỏi vàng, mỗi thỏi vàng là 1 kg) dưới đế giày khi đi qua hệ thống máy dò kim loại của sân bay. Trong đó, tiếp viên Phong giấu 2 thỏi và cơ trưởng Dũng giấu 4 thỏi vàng.

{keywords}
4kg vàng tang vật thu được trong giày của nhân viên phi hành đoàn

Giữa tháng 11/2009, khi chuyến bay hành trình Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội chuẩn bị cất cánh, lực lượng hải quan sân bay Incheon phát hiện trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên có 20 lượng vàng.

Cũng trong năm 2009, một tiếp viên của Việt Nam cũng bị hải quan Hàn Quốc “cấm” xuất cảnh vì trên cổ đeo nhiều dây chuyền vàng to bất thường.

Không chỉ ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Dubai cũng từng bị các tiếp viên Việt Nam “làm nóng” vì vàng.

Điển hình là cuối năm 2009, chuyến bay từ Hồng Kông về Hà Nội được nhân viên mặt đất phát hiện có 6,4 kg vàng đựng trong túi giấy đặt dưới ghế của lái phụ. 11 thành viên phi hành đoàn đang trên đường về nhà bị gọi lại để làm rõ nguồn gốc số vàng nói trên nhưng không ai nhận của mình.

Vào năm 2002, dư luận trong nước rúng động trước vụ vận chuyển hàng lậu bị phát hiện sáng 16/5/2002, trên chuyến bay từ Dubai về Hà Nội. Khoảng 7kg vàng cùng gần 400 điện thoại di động được giấu trong túi đựng đồ ăn thừa. 9 tiếp viên hàng không đã bị đình chỉ sau khi vụ việc phát hiện.

Ngoài những vụ buôn lậu vàng trên các đường bay khu vực Đông Bắc Á, tiếp viên và phi công Việt Nam từng bị bắt giữ khá nhiều lần tại Úc và Nhật Bản do vận chuyển “tiền đen” và hàng trộm cắp, các đường bay châu Âu “nóng” với tình trạng buôn lậu điện thoại của thành viên phi hành đoàn.

Năm 2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) bắt giữ vì nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá khoảng 125.000 Yen Nhật (tương đương 25,7 triệu VNĐ) khi đi trên xe dành riêng cho đoàn bay từ khách sạn ở Osaka đến sân bay Quốc tế Kansai từ tháng 9/2013.

Cuối tháng 9/2013, lực lượng an ninh Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài phát hiện và tạm giữ 50 chiếc điện thoại iPhone 5S còn nguyên đai nguyên kiện do tiếp viên phó Bùi Ngọc Tuấn (SN 1977) vận chuyển trái phép qua đường hàng không trên chuyến bay từ Paris (Pháp) về Hà Nội.

Tháng 4/2012, tiếp viên Thái Anh Tiến (31 tuổi) tham gia đường dây vận chuyển hàng lậu là đồ điện tử từ Australia về Việt Nam tiêu thụ, khi qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất - TP.HCM thì số hàng vận chuyển trái phép này bị phát hiện và bắt giữ. Ngoài ra, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã lần theo các dấu vết từ tháng 10/2008 và xác định có khoảng 400 kiện hàng đã được hơn 30 tiếp viên hàng không tham gia vận chuyển trái phép từ Australia về Việt Nam, do Đỗ Thanh Lâm cầm đầu.

Cuối năm 2008, cơ phó Đặng Xuân Hợp bị hải quan Nhật Bản tạm giữ điều tra do liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp tại nước này như quần áo, giày dép,...

Những vụ tiếp viên, phi công Việt Nam bị bắt giữ vì buôn lậu đã gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của hàng không Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, bất chấp việc các hãng bay trong nước đã ban hành những quy định ngặt nghèo để hạn chế các hoạt động phi pháp trên.

Hạnh Nguyên (tổng hợp)