Tiềm năng phát triển

Hiện nay, du lịch MICE đang có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo ước tính, chi tiêu của khách du lịch MICE có thể cao gấp 3-4 lần so với khách mua tour thông thường. 

Theo ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB Du lịch MICE Việt Nam, Hà Nội có bốn lợi thế lớn trong phát triển sản phẩm du lịch MICE.

Thứ nhất, Hà Nội mảnh đất ngàn năm văn hiến, địa linh nhân kiệt chứa đựng nhiều di tích lịch sử văn hoá vật thể và phi vật thể. Yếu tố này giúp cho người làm MICE xây dựng được sản phẩm đặc trưng, có điểm nhấn.

Thứ hai, Hà Nội là thủ đô, là trung tâm kinh tế và chính trị cả nước và đầu mối giao lưu quốc tế, Hà Nội là thành phố vì hoà bình, là thành phố an ninh an toàn tốt. Yếu tố này giúp người làm sản phẩm tối đa hoá chi phí do không phải dự phòng biến chuyển và đưa được sự tương tác, kết nối người dân bản địa trong sản phẩm.

Thứ ba, đây là thành phố tập trung nhiều nhân sự có chuyên môn làm du lịch, sự kiện, nghệ thuật, kỹ thuật tay nghề cao và nhiều công ty đầu tư trang thiết bị hiện đại và đồng bộ. 

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có một số không gian công cộng, nhiều khu sinh thái thiên nhiên, khách hàng có thể chọn tổ chức ngoài trời thay vì trong nhà để giải quyết bài toán số lượng lớn người trong sự kiện.

Một sự kiện MICE được tổ chức tại công viên Bách Thảo Hà Nội (Ảnh: Vietnam Mice Club)

Ông Erwin R. Popov, Giám đốc Điều hành khách sạn Hà Nội Daewoo nhận định, Hà Nội có nhiều giá trị văn hóa để phát triển du lịch MICE. Trong cơ cấu kinh doanh của khách sạn, du lịch MICE luôn được coi trọng, đóng góp 50% doanh thu của khách sạn. Loại hình này không có mùa vụ như du lịch thông thường, có thể khai thác ở cả mùa thấp điểm. 

"Điểm nghẽn" tồn tại

Mặc dù được nhiều chuyên gia nhận định có tiềm năng để phát triển du lịch MICE, nhưng đến nay loại hình du lịch này vẫn chưa phải là thế mạnh của Hà Nội.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, tuy Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở lưu trú dịch vụ, thành phố vẫn thiếu những trung tâm tổ chức sự kiện với đầy đủ dịch vụ về lưu trú, ăn uống, tổ chức hội họp, giải trí khép kín có quy mô lớn, có thể phục vụ từ 1.000 người trở lên.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Vụ phó Vụ Khách sạn Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: "Cơ sở lưu trú tại Hà Nội nhiều nhưng sản phẩm lưu trú chưa đa dạng, còn đơn điệu. Ví dụ như thời điểm tổ chức SEA Games 31, Hà Nội đón một lượng du khách đạo Hồi lớn, tuy nhiên ít đơn vị lưu trú có các nhà hàng tại chỗ phục vụ chuyên nghiệp ẩm thực đạo Hồi. Đó cũng là hạn chế khiến chúng ta khó thu hút những đoàn khách lớn".

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB Du lịch MICE Việt Nam còn đề cập tới các yếu tố kìm hãm sự phát triển của du lịch MICE tại Hà Nội như: Thủ tục xin phép tổ chức phức tạp, chi phí cao; Thiếu hợp tác xây dựng gói sản phẩm du lịch MICE giữa các nhà cung cấp, các khách sạn, nhà tổ chức; Giá dịch vụ đầu vào thường xuyên không ổn định, đặc biệt những chi phí về địa điểm tổ chức. Và đặc biệt, Hà Nội hiện nay chưa có nhiều sản phẩm độc đáo, đặc trưng mang hương vị MICE Hà Nội như: Các show diễn, vở diễn, chương trình nghệ thuật...

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thừa nhận, rất nhiều tài nguyên sẵn có của thành phố đang bị "bỏ trống". Các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn và Thành cổ Sơn Tây, là những nơi có thể tổ chức được các sự kiện lớn, mà thời gian qua chưa khai thác được nhiều. 

Chuyên gia, doanh nghiệp "hiến kế"

Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng Hà Nội cần quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng với nhiều loại hình dịch vụ chất lượng, trong đó cần có những địa điểm có số lượng phòng lưu trú lớn để du khách có thể vừa tổ chức sự kiện, vừa trải nghiệm các dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí.

Với những địa điểm, công trình, không gian sẵn có, doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo thành phố tạo điều kiện để khai thác du lịch MICE như hệ thống công viên, vườn hoa, các địa điểm Văn hóa - Lịch sử, một số trường học có kiến trúc độc đáo...

"Hà Nội có nhiều dư địa hạ tầng và các không gian có giá trị văn hoá, lịch sử để phát triển du lịch MICE. Việc lồng ghép các giá trị văn hoá, lịch sử vào sản phẩm du lịch MICE giúp Hà Nội có được sản phẩm riêng biệt, đặc trưng để cạnh tranh với các thành phố khác", ông Đức Anh bày tỏ quan điểm.

Một sự kiện du lịch MICE được tổ chức tại ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội mới đây (Ảnh: Vietnam Mice Club)

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội) gợi mở Hà Nội nên phát triển thêm sản phẩm du lịch đêm với du lịch MICE để thu hút dòng khách cao cấp.

Một số đơn vị lữ hành đề nghị thành phố hỗ trợ khảo sát những địa điểm có thể tổ chức MICE trên địa bàn, từ đó có kế hoạch truyền thông, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch MICE một cách bài bản. 

Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất Hà Nội quan tâm hơn đến việc giới thiệu tinh hoa ẩm thực Hà Nội trong các bữa ăn của khách, kết hợp cho du khách trải nghiệm du lịch trên sông Hồng, tàu hỏa qua cầu Long Biên, các buổi biểu diễn thực cảnh…

Hà Nội đặt mục tiêu đến 2025 sẽ đón trên 30 triệu lượt du khách với trên 7 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp vào GRDP thành phố đạt trên 8%. Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, đơn vị này sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp để tìm giải pháp phát triển du lịch MICE trong thời gian gần nhất.