Giá vàng đang tăng lên sát mức cao nhất trong 2 năm qua ghi nhận hồi đầu tháng 7 khi vàng chạm 40 triệu/lượng. Sự suy giảm của vàng trong 3 tuần qua chưa thể xóa đi nỗi đe dọa thời điên loạn của vàng vào giai đoạn 1976 - 1980 khi có đợt tăng giá kỷ lục 800%.
Giảm từ từ, tăng gấp
Sau phiên tăng khoảng 10 USD đầu tuần, ngày 2/8 giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch New York tăng tiếp 10 USD. Giá vàng giao tháng 12 chốt đêm 2/8 (giờ Việt Nam) tăng 12,9 USD lên 1.372,5 USD/ounce, không còn xa so với mức giá đỉnh 2 năm: 1.376 USD/ounce trong tuần đầu tháng 7.
Sau khoảng 3 tuần điều chỉnh giảm chậm chạp, vàng nhanh chóng tiếp cận mức cao xác lập vào thời điểm mà cả thế giới rung động trước sự kiện Brexit.
Hàng loạt các dự báo cho rằng sự kiện Brexit sẽ dẫn nguôi ngoai, giá vàng sẽ giảm trở lại. Tuy nhiên, thực tế chưa thể chứng minh điều đó. Thị trường tài chính thế giới không trải qua một cú sốc nào mạnh nhưng thị trường vàng vẫn sôi động và được giới đầu tư từ châu Á sang Mỹ quan tâm đặc biệt.
Giá vàng đã tăng hơn 4% kể từ mức đáy hồi tháng 7 khi số liệu kinh tế Mỹ gây thất vọng và thông điệp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc Ngân hàng trung ương Mỹ chưa thể nâng lãi suất trong tháng 9.
Thị trường trong nước, giá vàng cũng đã có đợt sốt bất thường sau sự kiện Brexit, có phiên tăng 3 triệu đồng lên đỉnh 40 triệu đồng/lượng và sau đó nhanh chóng lao dốc. Sóng vàng lớn đã khiến một số người kiếm bội tiền nhưng cũng có không ít người thua lỗ năng.
Giá vàng trong nước tăng quá nhanh, vượt xa mức tăng của vàng thế giới do vậy sau đó đã điều chỉnh giảm mạnh và nhiều phiên thờ ơ với những phiên tăng giá trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, giá vàng trong nước đang bám khá sát diễn biến tăng giá của vàng thế giới. Vàng trong nước đã lấy lại được mức giá 37 triệu đồng/lượng và nhiều khả năng sẽ còn bám đuổi không rời bước so với giá vàng thế giới trong thời gian tới.
Theo đánh giá của DOJI, một điều dễ nhận thấy là trong thời gian gần đây, sức hấp dẫn của vàng có xu hướng được đánh bóng tăng dần. Đà tăng này dường như bắt đầu đánh thức tâm lý của người nắm giữ vàng trước đó.
Chiều hướng tăng hiếm hoi của giá vàng ở phiên giao dịch hôm thứ Ba dường như là sự cổ vũ tinh thần cho số đông những nhà đầu tư đã mua vào ở thời điểm giá cao hồi đầu tháng trước. Mỗi nhịp tăng giá là mỗi nhịp nhà đầu tư tìm thấy cơ hội để chốt lời, trong khi một số nhà đầu tư khác lại mạnh dạn mua vào với suy đoán giá vàng sẽ có những cản hỗ trợ tăng ở phiên tiếp theo.
Cuộc chiến tiền tệ và sự bá chủ của vàng
Thực tế, giá vàng thế giới được dự báo đang nằm trong một xu hướng tăng giá dài hạn. Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng khoảng 26% theo đà suy yếu của đồng USD trong bối cảnh Fed trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, vàng tăng giá không hẳn chỉ vì USD suy yếu. Một yếu tố quan trọng mà rất nhiều chuyên gia dựa vào để dự báo vàng tăng giá và còn tăng giá trong dài hạn là đa số các nước trên thế giới đang ở trong một cuộc đua in tiền và để lãi suất ở mức thấp để thúc đầy nền kinh tế trì trệ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Tình trạng lãi suất thấp, lãi suất âm và lợi tức trái phiếu thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua khiến vàng trở thành một lựa chọn bảo vệ tài sản an toàn và hấp dẫn. Và điều đáng nói là cuộc chiến tiền tệ, cuộc đua hạ giá đồng tiền của các nước vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Ngày 2/8, Ngân hàng Trung ương Úc đã quyết định cắt lãi suất 25 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục mọi thời đại là 1,5%. Đây là lần nới lỏng thứ 2 trong năm nay nhằm ngăn nền kinh tế trượt dần vào tình trạng giảm phát và đình trệ do một đồng tiền quá mạnh.
Nước láng giềng New Zealand cũng rơi vào cãi bẫy tương tự với lạm phát chỉ ở mức 0,4% và ngân hàng trung ương nước này đang chịu áp lực phải cắt giảm lãi suất trong phiên họp vào tuần tới. Giới đầu tư cũng đặt cược Ngân hàng TW Anh sẽ tái khởi động chính sách nới lỏng vào thứ Năm tới.
Cuối tuần trước, Chính phủ Nhật vừa công bố chương trình chi tiêu bổ sung trị giá 4,6 ngàn tỷ yên (tương đương 45 tỷ USD) cho năm tài chính 2016. Đây là một phần trong gói kích thích kinh tế 28 ngàn tỷ yên mà Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cập đến vào cuối tuần trước. Mục tiêu là nhằm giúp các nhà xuất khẩu chống lại sự tăng giá của đồng yên, chống lại những tác động tiêu cực hậu sự kiện bỏ phiếu Brexit và sự sụt giảm của các nền kinh tế mới nổi.
Trong khi đó, đồng USD lại giảm do giới đầu tư không thấy có dấu hiệu nào Fed sẽ tăng lãi suất trong tương lai gần, đặc biệt sau cuộc họp chính sách cuối tuần trước. Trong phiên giao dịch 2/8, đồng USD xuống mức thấp nhất trong 5 tuần so với euro sau khi lên mức cao nhất 4 tháng qua trong tuần trước.
Trước đó, một số dự báo cho rằng, giá vàng thế giới có thể tăng liên tiếp trong 10 năm tới và có thể sẽ lên mức giá không tưởng, 7.500 USD/ounce (khoảng 200 triệu đồng/lượng), thậm chí 10.000 USD/ounce sau cú chạm đáy nhanh hơn dự đoán của giới đầu tư vào cuối năm trước. Sau gần 1 thập kỷ tăng trước đó, vàng chỉ giảm giá trong 3 năm và đã chính thức tăng mạnh trở lại nửa đầu 2016. Chỉ tính riêng quý II/2016, vàng đã tăng 25%. Trước đó, lịch sử cho thấy, trong giai đoạn 1976 - 1980, giá vàng đã có một đợt tăng giá kỷ lục 800%.
Một dự báo “khiêm tốn” hơn do chuyên gia phân tích kỹ thuật của GoldPredict cho rằng, vàng có thể lên 2.300 USD/ounce vào giữa 2018 (tương đương 62 triệu đồng/lượng).
V. Minh