Từ bộ phim kinh dị của Nhật Bản về sự vô cảm của con người từng gây tiếng vang

Confessions/ Kokuhaku (Lời thú tội) từng là niềm tự hào của người Nhật ở vòng loại Oscar lần thứ 83. Giá trị của bộ phim không chỉ dừng lại ở việc nêu được thực trạng trong môi trường học đường, lời cảnh tỉnh những bậc làm cha mẹ có cách giáo dục méo mó mà còn là phát súng đầy ám ảnh về bài học chống vô cảm của xã hội loài người.

Trailer phim "Confessions"

Trong Confessions, người xem sẽ lần lượt được nghe và thấy bí mật của bốn nhân vật chính gồm một cô giáo và ba học sinh cá biệt trong cùng lớp học. Những lời thú tội vang lên theo thứ tự kèm theo sự ám ảnh tăng dần.

Bộ phim mở đầu bằng bi kịch trung tâm của cô giáo Yoko Moriguchi (Takako Matsu). Chồng cô nhiễm HIV, còn con gái cô bị hai nam sinh trong lớp cô giết chết. Yoko đã hoàn tất một kế hoạch trả thù tàn độc và tỉ mỉ kéo dài suốt gần hai tiếng của phim.

Cô giáo chủ nhiệm Yoko trong buổi sinh hoạt lớp cuối cùng của mình

Cậu học sinh thứ nhất là Naoki Shinomura (Kaoru Fujiwara), người thiếu hụt kỹ năng kết giao với những đứa trẻ khác. Bạn thân duy nhất của Naoki chính là cậu học sinh thứ hai, Shuuya Watanabe (Yukito Nishii). Shuuya là một đứa trẻ thông minh có nhiều phát minh khoa học lập dị đến đáng sợ. Trước đó không lâu, cậu làm ra được một chiếc ví có thể gây điện giật và cần tìm người thí nghiệm. Hai đứa trẻ này đã đồng lòng chọn đứa con gái bốn tuổi của cô giáo chủ nhiệm mình.

Sau khi "tác phẩm" của Shuuya khiến bé gái bất tỉnh, Naoki đã vứt em xuống hồ bơi làm cô bé tử vong do ngạt nước. "Con bé chưa chết. Nó mở mắt nhìn tớ, nhưng tớ đã vứt nó xuống hồ rồi bỏ đi." Naoki mới chính là kẻ giết chết con gái của Yoko.

"Con bé đã mở mắt, nhưng tớ buông tay mất rồi"

Sau khi giáo viên Yoko nghỉ dạy, một thầy giáo khác đã tiếp quản lớp này mà không rõ những đợt "sóng ngầm" đang diễn ra bên trong. Cả lớp quay ra đổ tội và bắt nạt hai nam sinh này. Naoki quá sợ hãi đã nghỉ học, sau đó ở nhà cậu bị trầm cảm nặng rồi tự tay giết chết mẹ ruột của mình. Còn Shuuya, bất chấp những hình phạt dã man của đám bạn, cậu vẫn đến lớp và tiếp tục kết thân với Mizuki Kitahara (Ai Hashimoto).

Trong số học sinh còn lại, Mizuki vốn là hung thủ trong vụ án nghiêm trọng nhất của trẻ vị thành niên vào thời điểm ấy: đứa trẻ tự tay đầu độc toàn bộ gia đình mình. Tuy nhiên, vì độ tuổi còn nhỏ, Mizuki được pháp luật khoan hồng và nhanh chóng trở lại với lớp học. Tại đây, Mizuki nhanh chóng đã tìm thấy sự "đồng cảm" ở người bạn cùng lớp Shuuya. Hai tội phạm vị thành niên này nương tựa vào nhau vượt qua những tháng ngày địa ngục ở lớp, cho đến khi Shuuya ra tay giết chết Mizuki vì cô bé dần hướng thiện và có nhiều quan điểm phát sinh bất đồng với mình.

"Một đứa trẻ tự tay nghiền thuốc độc bỏ vào nồi canh của cả nhà mình"

Shuuya có lẽ là nhân vật chính duy nhất còn khát khao muốn sống, nhưng đồng thời cũng là người thấm thía đến cùng sự trả thù tàn nhẫn của cô giáo mình. Shuuya sinh ra trong một gia đình đổ vỡ. Yoko lợi dụng tâm lý khao khát mái ấm của cậu bé để khiến Shuuya rơi vào những dằn vặt thấu tận tâm can, vượt quá sức chịu đựng của tâm lý đứa trẻ chưa tròn 14 tuổi.

Tất cả nhân vật trong Confessions đều đáng thương và đáng trách. Những lời thú nhận về tội ác của họ khiến khán giả gai người, nhưng lại thôi thúc chúng ta đi tìm ra giải pháp. Cô giáo và ba đứa trẻ này, chúng ta có thể cứu họ không?

Naoki và Shuuya đã sai nghiêm trọng khi cướp đi mạng sống của một bé gái bốn tuổi. Thế nhưng, dù xã hội bảo vệ chúng khỏi luật pháp khắt khe, người lớn vẫn vô phương cứu rỗi tâm hồn của hai đứa trẻ khỏi cơn thịnh nộ của đám đông những người xung quanh. Sự trả thù của Yoko tàn độc len lỏi khi cô ta châm ngòi cho sự vô cảm của những đứa trẻ khác trong lớp.

Shuuya bị cô lập trong lớp

Đám bạn học của Shuuya và Naoki được chia làm hai loại: Một nhóm trẻ muốn trừng phạt hai tên sát nhân theo những cách dã man nhất chúng biết, nhóm còn lại thì dửng dưng vì cho rằng hai kẻ ấy thật đáng đời. Từ đó, Naoki đã trầm cảm đến mức tự giết mẹ, còn Shuuya thì tiếp tục nhen nhóm những tội ác tiếp theo. Thử hỏi, nếu lúc ấy có người đứng ra bênh vực các em thì sao? Nếu có người đứng ra chỉnh đốn cơn giận và hàn gắn các em, liệu cái kết của phim có rẽ sang hướng khác ít đen tối hơn?

Câu chuyện đáng sợ nhất ở đây chính là sự phát triển vượt bậc của các thiết bị liên lạc và việc ban phát tràn lan quyền tự do ngôn luận. Nhóm bạn học cùng lớp đã tụ lại mỉa mai Naoki và Shuuya trên các ứng dụng nhắn tin, lên kế hoạch cô lập và hành hạ bạn mình trong một góc trò chuyện tách biệt.

Những kẻ vô cảm khi nhìn mặt nhau vốn đã không tốt đẹp gì, huống hồ là bây giờ chúng còn dùng một công cụ tiên tiến để cô lập người khác. Naoki và Shuuya đã sai, đám bạn học bắt nạt chúng càng sai, nhưng những đứa trẻ không tham gia bắt nạt mà dửng dưng trước cảnh tượng ấy chính là bức tranh nguy hiểm của xã hội hiện đại. Đừng nói rằng tay bạn không nhúng chàm thì bạn vô can, khi mà bạn thuận đà dung túng những sai lầm đó.

Naoki đã vô vọng trong quá trình hướng thiện, nhưng Shuuya may mắn hơn đôi chút khi gặp được Mizuki. Mizuki biết rằng em ấy không hoàn toàn độc ác, nói đúng hơn thì có hai nhân cách khác biệt đang đấu tranh trong cơ thể một đứa bé chưa trưởng thành. Một phần tâm hồn của em đã chuốc độc cả gia đình, nhưng lại có một phần khác biết rằng làm thế là sai, nên em muốn dang tay che chở và kéo Shuuya ra khỏi vũng lầy.

Khoảng thời gian ngắn ngủi Mizuki bầu bạn với Shuuya khiến mạch phim chậm lại, nhân văn hơn, nhưng người xem đều biết cô bé này chưa đủ sức mạnh để làm nên chuyện. Giây phút Shuuya bóp cổ Mizuki, niềm hy vọng cải tà quy chính mà cô bạn học đem đến cho cậu đã hoàn toàn tắt ngúm. Từ đó về sau, tất cả chỉ còn là bầu trời xám xịt và những hàng nước mắt lăn dài.

Mizuki liệu có hối hận khi nhận lấy kết thúc cuộc đời mình?

Ngoài ra, phim còn đề cập đến một bài học chua chát nữa: Sự quan tâm của con người có thể tạo ra kỳ tích, nhưng với điều kiện sức ảnh hưởng của nó phải chiến thắng thái độ bỏ mặc của đám đông còn lại. Mizuki rất dũng cảm, cũng rất đáng khen, nhưng em quá yếu ớt và rất dễ tổn thương. Một đứa trẻ đơn độc làm sao đủ khả năng chuyển hoá quỷ dữ trong tâm trí cậu bạn mà em yêu quý.

Đáng lẽ ra nếu em chọn cách khác để khuyên răn cậu ta, hoặc em tìm đến sự giúp đỡ của người khác để ngăn bạn mình khỏi những ý nghĩ tăm tối, thì em đã không phải nhận kết cục đau đớn đó. Tại sao trong bao cách kêu cứu, em lại chọn cách tự làm tổn thương chính mình?

Tại sao em không cầu cứu người lớn?

Tại sao em cố chấp làm mọi thứ một mình?

Sau cùng, chúng ta không thể bỏ qua tội lỗi của cô giáo Yoko khi nhẫn tâm phá hoại cuộc đời của ba đứa trẻ khi chúng còn chưa kịp lớn. Vị thầy giáo mới nhận lớp cũng có một phần trách nhiệm với những điều bất hạnh xảy đến trong cuộc đời các học sinh này, anh ta quá vô tư khi không nhận thức được cơn sóng dữ đang gào thét trong nội bộ lớp mình. Cả những bậc phụ huynh của các em, vì mưu sinh hoặc thờ ơ mà quên dạy cho các em biết cách tự bảo vệ mình, hay ít nhất là biết tự kêu cứu khi rơi vào bế tắc.

Dù gì đi nữa, Confessions vẫn là một bộ phim tâm lý kinh dị cực kỳ tâm đắc của đạo diễn nổi tiếng Nakashima Tetsuya. Vào thời điểm ra mắt năm 2010, phim thật sự trở thành một cơn sốt ám ảnh. Confessions nhận được tổng cộng 17 đề cử và 8 chiến thắng ở các lễ trao giải hàn lâm khó tính. Chưa kể đến việc phim vào đến top 9 đề cử cho mục phim nói tiếng nước ngoài của giải Oscar năm đó, số điểm 7,8/10 cùng cơn mưa lời khen từ giới phê bình trên kênh IMDb cũng đã minh chứng được giá trị thật sự.

Đến câu chuyện của một cô bé học sinh bị bỏng nặng trong phòng thí nghiệm

Câu chuyện của bộ phim Confessions đâu đó làm tôi liên tưởng tới những gì đang được chứng kiến khi đọc những dòng tâm sự đau đớn của một cô bé học sinh cấp 3 trong đoạn confession trên fanpage trường Phan Đình Phùng, có một cảm giác đau đớn gai người khi cô miêu tả lại những vết thương trên da thịt mình sau vết bỏng. "Tớ bị bỏng hết từ mặt đến bụng - cấp độ 3. Nó ăn sâu vào từng thớ thịt của tớ, đau đớn thế nào thì chắc các cậu biết rồi đấy" - cô bé viết. Một vụ tai nạn bàng hoàng, đột ngột và để lại những di chấn quá nặng nề cho một nữ sinh lớp 12. Năm nay, rất có thể cô bé ấy sẽ phải tạm dừng kỳ thi đại học. Và sau này, rất có thể những vết sẹo từ vụ bỏng sẽ theo em đến suốt cuộc đời. 

 
Một trò đùa nghịch đã dẫn đến kết quả là những đau đớn vể thể xác lẫn sự hoang mang, sợ hãi trước tương lai - với một cô bé cấp 3 với bao ước mơ và hoài bão. Cuộc sống đang diễn ra bình thường bỗng dưng bị gián đoạn, mọi hoạt động đều có thêm nỗi ám ảnh về cơn đau và có lẽ sẽ mất một thời gian để vết thương thật sự lành lại - cả về vật lý lẫn những chấn thương tâm lý với em. Đó là những tổn thương không thể chối cãi mà vụ tai nạn này đã mang đến với cô bé, theo một cách đột ngột và oan uổng nhất. 

Đã có rất nhiều những luồng ý kiến trái chiều trước câu chuyện của em. Mọi câu chuyện diễn ra đều có nhiều góc nhìn, nhiều cách nhìn nhận. Và thậm chí chỉ trong chưa đầy 2 ngày, đoạn Confession ấy của em đã nhận được hơn 1,6k comments - gồm cả những lời động viên, sự an ủi và là cả... lên án.

Một trong những top comment đang nhận được nhiều sự phẫn nộ và cả ý kiến phản bác nhất, cho rằng: Nếu lấy chuyện bị bỏng làm hoàn cảnh để đổ lỗi cho trường và lấy đó làm tự ti để không thi đại học nữa, thì kể cả có bình thường thì em cũng... không làm được gì cho cuộc đời cả.

Lại có người khác bảo rằng em đang cố gắng chuyện bé xé ra to để thu hút sự chú ý và lòng thương hại. Người lại quay sang phủ nhận những gì mà em đang phải chịu đựng, so sánh nỗi đau của cô bạn này với những nỗi đau khác lớn hơn và khuyên em nên "ngậm mồm lại và ngừng than vãn". 

Một số khác lấy những chuyện riêng tư của em ra để bàn luận, mỉa mai và mặc nhiên cho rằng em bỏng như vậy rồi bị bạn bè xa lánh, thờ ơ cũng là điều xứng đáng.

Vết bỏng này có thể sẽ theo em đến suốt cuộc đời

Chúng ta không thể khẳng định rằng ai đúng hoàn toàn, ai sai hoàn toàn hay ai xứng đáng bị trừng phạt. Nhưng điều quan trọng nhất trong toàn bộ sự việc, mà rất nhiều người đã từ chối nhìn thấy, đó là những nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần của một nữ sinh cấp 3, một cô gái trẻ - đang cần được lắng nghe, cần những lời động viên, sự an ủi, cần được tiếp thêm cho mình lòng tin để vượt qua những tháng ngày khó khăn dài đằng đẵng phía trước. 

Không biết rằng cô bé đó sẽ cảm thấy thế nào khi đối mặt với hàng nghìn lời chỉ trích chĩa vào mình mỗi khi kéo xuống đoạn confession ấy. Mỗi lời nói, mỗi dòng comment được tuôn ra hết sức đơn giản. Một lời đồn đại vô căn cứ cũng có thể sử dụng làm vũ khí, hay thậm chí một suy đoán thiếu cơ sở cũng có thể làm tổn thương cô gái ấy. Và điều ấy là không công bằng với em. Sau tất cả những đau đớn mà em đã phải trải qua trong suốt những ngày qua và cả trong tương lai tới, điều ấy hoàn toàn không công bằng. Mọi việc rồi sẽ sớm ngã ngũ, chỉ 1-2 tháng nữa cuộc sống của những người liên quan sẽ trở lại bình thường, bản thân câu chuyện cũng trôi tuột đâu đó trong kí ức của chúng ta. Người duy nhất còn mắc kẹt lại với quá khứ, mắc kẹt lại với tai nạn trong buổi chiều hôm ấy chính là em.

Có lẽ cô bé không cần chúng ta phải hiểu hay cảm nhận rõ những nỗi đau đớn mà cô bạn ấy đang phải gánh chịu. Nhưng, ở phương diện của một người đứng ngoài, chúng ta cũng đừng cho mình cái quyền cứa sâu hơn vào những cơn đau của em. Ít nhất, hãy biết rằng, có một ai đó đang phải hứng chịu những tổn thương và suy sụp tận cùng. Và chỉ điều đấy thôi cũng đủ để chúng ta nhìn họ bằng một con mắt trân trọng hơn. 

Theo Trí Thức Trẻ