Chị Lường Thị Minh ở bản Áng 2, xã Đông Sang (Mộc Châu) là một trong những nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc và may mắn trốn được về nhà.
Vẻ mặt sợ hãi khi nghĩ lại chuyện mình bị lừa bán sang Trung Quốc, chị Minh cho hay, tháng 12/2018, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị được đối tượng Hoàng Thị Mai Hương, sinh năm 1984, trú quán tại bản Bến Trai, xã Quy Hướng (Mộc Châu) rủ sang Trung Quốc làm thuê, hứa hẹn sẽ tìm việc làm nhẹ nhàng, lương cao, cuộc sống và thu nhập ổn định.
Tin tưởng người phụ nữ kia, chị đã đi theo. Sau khi chi ta đưa chị Minh sang Trung Quốc thì đã bán cho một người đàn ông để làm vợ. Trong thời gian này, chị Minh thường xuyên bị đánh đập, ép làm những công việc nặng nhọc. Tháng 5/2019, lợi dụng lúc không có người ở nhà, chị Minh đã bỏ trốn, tìm đường về nhà. Đến ngày 20/6/2019, chị đã đến Công an Mộc Châu trình báo toàn bộ nội dung vụ việc.
33 chị em phụ nữ bản Ít Lót tham gia lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với truyền thông công tác phòng chống mua bán người. |
Đại úy Vì Biên Cương, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát Hình sự, Công an huyện Mộc Châu cho biết, các đối tượng mua bán người thường tìm đến địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, lợi dụng trình độ dân trí hạn chế, hoàn cảnh thiếu thốn để lừa gạt người dân. Chúng dùng lời lẽ ngon ngọt, như giúp tìm việc làm; rủ đi làm ăn, buôn bán, du lịch... Sau đó, đối tượng đưa nạn nhân bán sang bên kia biên giới.
Trong 5 năm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mộc Châu đã tiếp nhận 3 đơn thư, tin báo tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người; phát hiện 3 vụ việc với 5 đối tượng; 4 nạn nhân.
Một điều tra viên Phòng PC45 Công an tỉnh Sơn La cho biết, mỗi vụ án buôn người xảy ra là từng ấy bi kịch đối với mỗi gia đình. Hầu hết các vụ án xảy ra ở xa trung tâm, người nhà nạn nhân không biết con em mình bị bán mà nghĩ đang làm ăn ở xa. Đến khi biết thì đã muộn, manh mối tìm kiếm khó khăn. Biết là nạn nhân bị bán qua biên giới nhưng không dễ giải cứu vì hầu như không có thông tin. Đặc biệt thời gian gần đây, khi mạng xã hội vươn đến tận các bản làng vùng cao hẻo lánh, nhiều cô gái kết bạn và tin vào lời đường mật của một số đối tượng trên mạng ảo và trở thành nạn nhân của chúng.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã chủ động tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an 12 huyện, thành phố, đặc biệt là công an 6 huyện biên giới thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, xuất nhập cảnh, xuất khẩu lao động, cảnh báo về nguy cơ đối với các trường hợp xuất cảnh trái phép.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới và làm tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, tạo mọi điều kiện giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Được biết, trong 5 năm qua, Công an tỉnh đã tổ chức 165 buổi tuyên truyền về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người cho trên 21.200 lượt người. Xây dựng, duy trì các chuyên mục “Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật”, “Phòng, chống tội phạm mua bán người” với hơn 110 tin, bài, phóng sự về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Đồng thời, mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình tội phạm cũng như xác định địa bàn trọng điểm để lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh. Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt khởi tố 38 vụ với 61 đối tượng lừa bán 53 nạn nhân, giải cứu thành công 24 nạn nhân và có 24 nạn nhân tự trốn thoát trở về.
Xuân Quý