Những năm gần đây, Hà Giang là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ mua bán người. Riêng năm 2021, trên địa bàn tỉnh phát hiện hàng chục đối tượng có hành vi mua bán người.

Công an tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng phòng, chống mua bán người cho người dân.

mua ban nguoi.png
Công an tỉnh Hà Giang tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho học sinh. 

Thực tế cho thấy, phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của các đối tượng buôn người do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hạn chế về nhận thức. Tùy vào đối tượng mà bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn khác nhau. Đối với người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hiểu biết về pháp luật hạn chế, chúng thường dùng thủ đoạn hứa tìm việc làm với mức lương cao để dụ dỗ, đưa nạn nhân sang bên kia biên giới bán cho "đối tác" nhằm thực hiện hành vi bóc lột sức lao động, cưỡng ép hôn nhân...

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng được Công an tỉnh Hà Giang thực hiện nhằm phòng, chống nạn buôn bán người. Khắc phục hạn chế như việc tuyên truyền có nơi còn mang tính phong trào, thời vụ, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật còn dàn trải, thời gian gần đây, Công an tỉnh Hà Giang đã tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức, nội dung thiết thực.

Tại các buổi tuyên truyền, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Giang chú trọng vào biện pháp, kỹ năng xử lý các nguy cơ bị xâm hại, bị lừa bán hay cách thức nhận biết âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người...

Ngoài khuôn khổ các trường học, Công an tỉnh Hà Giang cũng đã phối hợp với các xã, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng nhà dân. 

Ông Hoàng Văn Mắm, Chủ tịch UBND xã Du Tiến, huyện Yên Minh cho biết: “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đấu tranh với tội phạm mua bán người, xã đã triển khai nhiều hình thức sinh động, như kết hợp tuyên truyền trong các buổi họp của thôn, thành lập tổ tuyên truyền phổ biến pháp luật và xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến từng hộ dân... Ngoài ra, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động cho, nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện... nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc mua bán người. Bên cạnh đó, xã chú trọng hỗ trợ tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân...”.

Tại huyện Đồng Văn, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là phòng chống mua bán người trong trường học được ngành giáo dục và cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, huyện thường xuyên phối hợp với cơ quan Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền với nội dung, cách thức ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu và sinh động. 

Ngành giáo dục huyện chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp, Công an huyện, các Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền đảm bảo sát với thực tế, phù hợp với từng cấp học.

Qua đó, từng bước góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống, từ đó hiểu và tự giác thực hiện tốt pháp luật, giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên. Ðồng thời biết bảo vệ mình trước môi trường mạng, trước các hành vi bạo lực, xâm hại, tỉnh táo trước các thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Tăng cường nhận thức cho các em về phòng, chống mua bán người.

Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Giang đã tổ chức tuyên truyền 11 buổi với hơn 4.000 lượt người tham gia; tổ chức 8 lớp tập huấn cho gần 350 lượt cán bộ cơ sở; phát hơn 2.360 tờ rơi có nội dung phòng, chống tình trạng mua bán người và xâm hại trẻ em đến tất cả các xã, huyện trên địa bàn tỉnh.

Theo Trung tá Phạm Văn Hưng, Đội trưởng Đội phòng, chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Giang, với tính chất của tội phạm mua bán người rất tinh vi, xảo quyệt, mang tính xuyên quốc gia, cùng với chủ động tấn công tội phạm, cơ quan Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào khu vực vùng sâu, vùng xa và các đối tượng có nguy cơ như phụ nữ, trẻ em gái...

Qua đánh giá cho thấy, hoạt động tuyên truyền đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cũng như giúp người dân nhận biết được thủ đoạn của tội phạm mua bán người để phòng tránh và ngăn chặn.

Quỳnh Nga

Văn Lợi và nhóm PV, BTV