Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) vừa cập nhật danh sách đen các địa chỉ IP phát tán thư địa chỉ rác. Đây là danh sách các IP/dải IP bị đánh dấu là nguồn phát tán thư điện tử rác được thống kê, tổng hợp theo định kỳ. Dựa trên danh sách này, các tổ chức, cá nhân có thể sử dụng để ngăn chặn việc phát tán các thư điện tử rác.

Tính từ thời điểm ngày 1/10/2020, đã có tổng cộng hơn 1,15 triệu lượt địa chỉ IP bị Cục An toàn thông tin đưa vào danh sách đen về phát tán thư rác. Trong lần cập nhật mới nhất này, có thêm hơn 29.000 địa chỉ IP được bổ sung vào danh sách đen.

Nghị định 91/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử và cuộc gọi rác quy định rõ, việc xây dựng và cập nhật thường xuyên danh sách đen các địa chỉ IP phát tán thư địa chỉ rác là nhiệm vụ của Cục An toàn thông tin và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet. 

{keywords}
Người dùng Internet đang gặp nhiều khó chịu bởi vấn nạn thư điện tử rác. Ảnh: Trọng Đạt

Trong đó, thư điện tử rác được định nghĩa bao gồm các thư điện tử quảng cáo không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc vi phạm các quy định về gửi thư điện tử quảng cáo. 

Thư điện tử rác còn bao gồm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 12 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật Quảng cáo, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 Luật An ninh mạng.

Theo Nghị định 91/2020, người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi được sự đồng ý trước về việc nhận quảng cáo. 

Người quảng cáo cũng không được phép gửi quá 3 thư điện tử tới một địa chỉ mail trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người sử dụng.

Thư điện tử quảng cáo phải được gắn nhãn, có thông tin về người quảng cáo, giá cước dịch vụ, có chủ đề phù hợp và nội dung quảng cáo phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo. 

Trong trường hợp vi phạm quy định về quảng cáo, các đối tượng phát tán thư điện tử rác có thể bị ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử dùng để phát tán rác viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, Bộ TT&TT cũng đã rất mạnh tay trong việc xử lý các tin nhắn và cuộc gọi rác. Trong 6 tháng cuối năm 2020, các nhà mạng đã ngăn chặn tổng cộng 89.649 thuê bao phát tán cuộc gọi rác

Đây là những con số thống kê tích cực, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan quản lý và cả các nhà mạng trong việc xử lý tình trạng rác viễn thông. Theo đại diện Cục Viễn thông, việc ngăn chặn, xử lý rác viễn thông sẽ không chỉ dừng lại ở năm 2020 mà còn tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. 

Trọng Đạt

Hà Nội xử lý “rác viễn thông”, cắt số điện thoại quảng cáo sai quy định

Hà Nội xử lý “rác viễn thông”, cắt số điện thoại quảng cáo sai quy định

Thuê bao phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác và số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt tại cột điện, trụ điện, cây xanh, cột đèn tín hiệu giao thông sẽ đối mặt với việc bị tạm ngừng cung cấp dịch vụ.