Triển vọng tích cực của ngành ngân hàng năm 2024
Ngành ngân hàng khởi đầu năm 2023 với đỉnh lãi suất được xác lập nhằm kiểm soát lạm phát sau thời kỳ dịch bệnhv kéo dài. Để tháo gỡ khó khăn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành 4 lần, kết hợp cùng nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ như nới lỏng điều kiện cho vay, khơi thông dòng vốn… Kết quả, tăng trưởng tín dụng bứt tốc vào cuối năm và đạt 13,8% - gần chạm ngưỡng 14,0% theo kế hoạch.
Sang năm 2024, mức đáy lãi suất đã được ghi nhận khi lạm phát cơ bản ổn định. Việc duy trì mức lãi suất thấp xuyên suốt năm nay là điều cần thiết để kích thích tăng trưởng tín dụng, đưa dòng vốn luân chuyển, nhanh chóng lấy lại nhịp tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với những chính sách hỗ trợ bắt đầu cho thấy hiệu quả, ngành ngân hàng đã có kết quả lạc quan hơn trong quý I/2024. Tổng thu nhập hoạt động tăng 8,3% so với quý I/2023 và giảm gần 3,3% so với quý IV/2023. Lợi nhuận sau thuế tăng 10,2% so với cùng kỳ và tăng 7,9% so với quý trước.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng lại khá xa con số mục tiêu. Đến cuối tháng 5, tín dụng chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng tăng thêm gần 327 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay nhưng vẫn xa so với mục tiêu khoảng 2 triệu tỷ đồng năm 2024. Tăng trưởng tín dụng yếu làm trầm trọng thêm áp lực suy giảm chất lượng tài sản, nhất là khi những con số về nợ xấu chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhìn chung, dù thị trường chưa hoàn toàn thuận lợi nhưng với mức nền thấp của năm 2023, ngành ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng tương đối tích cực. Theo kết quả khảo sát chuyên gia và các ngân hàng của Vietnam Report, triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm cao hơn so với cùng kỳ với tỷ lệ 67,8% - tăng vượt bậc so với mức 14,3% trong khảo sát tương tự năm ngoái.
Thách thức lớn về an toàn hệ thống
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của những cú sốc trong quá khứ như rủi ro lạm phát, sự suy yếu của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, mức tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu… đã dần hạ nhiệt. Rủi ro công nghệ, tội phạm tài chính gia tăng trở thành thách thức lớn thứ hai sau nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống.
Đến hết tháng 5/2024, đã có 29 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Thống kê cho thấy, có 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3%, 21 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% - đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại 2,2% dù đã giảm xuống 2,0% trong quý trước.
Xét theo chất lượng nợ, áp lực nợ xấu của ngành ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tỷ trọng lớn nhất và nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) vẫn ở mức rất cao. Xét theo giá trị, tổng nợ xấu của 29 ngân hàng đã tăng lên 228.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 32,6% và 103,1% so với cùng kỳ năm 2023 và 2022.
Sự suy giảm chất lượng tài sản trên toàn hệ thống ngân hàng vẫn tiếp diễn hết năm 2024 và có thể kéo dài hơn. Các ngân hàng tiếp tục phải đối mặt với áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận đề ra. Về giá trị, tổng trích lập dự phòng cho vay khách hàng của 29 ngân hàng trên đạt gần 197.000 tỷ đồng vào quý I/2024, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng này là rất thấp so với tăng trưởng nợ xấu, làm tỷ lệ bao phủ nợ xấu liên tục giảm từ quý II/2022. Riêng nhóm ngân hàng có quy mô trên 1 triệu tỷ đồng đều là những ngân hàng có quy mô lớn, được hỗ trợ nhiều từ nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước với dòng tiền ổn định, xếp hạng tín nhiệm cao. Nhờ vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu dù có xu hướng giảm nhưng vẫn luôn trên 160%, an toàn để phát huy lợi thế cạnh tranh, đạt hiệu quả tốt hơn trong giai đoạn 2024-2025.
Bài toán an toàn thông tin
“Cách mạng số” đã và đang định hình một môi trường kinh doanh mới trong các ngân hàng, đồng thời đặt ra những thách thức về lừa đảo trực tuyến, rủi ro lộ dữ liệu, tấn công an ninh mạng… nhất là khi xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở (Open Banking) đang nổi lên nhanh chóng, thủ đoạn của tin tặc cũng trở nên tinh vi hơn nhờ công nghệ cao.
Các ngân hàng đang phải đối mặt với những thách thức không chỉ trong việc bảo vệ thông tin người dùng và hệ thống tài chính mà còn trong việc duy trì lòng tin của khách hàng và các bên liên quan. Theo dữ liệu Media Coding của Vietnam Report, khách hàng/quan hệ khách hàng là 1 trong 5 nhóm chủ đề thu hút truyền thông nhất. Số lượng tin tức xoay quanh vấn đề khách hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản cũng tăng mạnh từ đầu năm, được phản ánh trên mức chênh lệch tỷ lệ tin tiêu cực và tích cực theo chủ đề khách hàng/quan hệ khách hàng. Lần gần nhất ghi nhận mức sụt giảm mạnh là vào tháng 3 với mức chênh 14%, đó là khi hàng loạt tin tức về cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tài sản và nhiều sự việc người dân bị mất tiền khi để lộ thông tin, truy cập đường dẫn lạ nổ ra.
Những mối đe dọa tiềm ẩn từ các cuộc tấn công mạng và các hoạt động tội phạm tài chính cũng ảnh hưởng đến góc nhìn của của khách hàng. Theo khảo sát, 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng hiện nay là: Xử lý dữ liệu khách hàng an toàn, bảo mật (82,6%); Cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao (60,9%); Giải quyết vấn đề/khiếu nại của khách hàng hiệu quả, kịp thời (55,5%).
Cũng theo khảo sát, top 5 cơ hội tăng trưởng của ngành Ngân hàng năm 2024 bao gồm: Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam (100%); Ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số (88,9%); Các bộ luật được sửa đổi gần đây (66,7%); Những chính sách mới của NHNN (55,6%); Ngân hàng chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động (55,6%).
Nhìn chung, trên đà phục hồi của nền kinh tế cùng những cải cách được triển khai từng bước, ngành Ngân hàng được kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường, giải ngân tín dụng, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất kinh doanh.
(Nguồn: Vietnam Report)