Theo thống kê của Vietnam Report, khoáng sản và xăng dầu vẫn là ngành “giàu nhất” trong bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Báo VietNamNet và CTCP báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam report) vừa công bố chính thức bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2015.

Có khoảng 15% doanh nghiệp thuộc ngành khoáng sản xăng dầu đã tạo ra 32,9% tổng doanh thu toàn bảng xếp hạng, mức doanh thu cao nhất trong các ngành nghề kinh doanh. Đây là thách thức cho các nhà điều hành, bởi nền kinh tế hiện nay vẫn phụ thuộc vào nhóm ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đặt trong bài toán tăng trưởng bền vững thì thời gian tới, Việt Nam cần khuyến khích phát triển các ngành tiềm năng như chế biến, chế tạo, và công nghệ thông tin.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại buổi lễ. 

Đứng thứ hai về tổng doanh thu là ngành điện (19%), tiếp sau đó là tài chính ngân hàng (10,3%).

Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng có 41 doanh nghiệp lọt vào “CLB tỷ đô”. So sánh với bảng xếp hạng Fortune 500 của Hoa Kỳ, 8 doanh nghiệp trong bảng xếp hạng đủ tiêu chí lọt vào bảng xếp hạng này.

Cũng theo báo cáo, Bắc Ninh vươn lên trờ thành địa phương đứng thứ ba về tổng doanh thu của bảng xếp hạng, chỉ sau Hà Nội và TP.HCM. 

{keywords}
Các doanh nghiệp được vinh danh

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Minh Hồng, cho rằng, việc công bố bảng xếp hạng ghi nhận đánh giá tôn vinh những đánh giá thành tích của các doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, mặt khác cũng là hành động tích cực giúp các DN biết vị trí của mình, tạo cầu nối trao đổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư.

Bộ Thông tin và truyền thông đã đang phối hợp với các bộ ngành TW và địa phương tạo những cơ chế, điều kiện thuận lợi tốt hơn cho các DN hoạt động sản xuất và đầu tư.

Cũng tại buổi lễ, VNR cũng chính thức giới thiệu Sách trắng Báo cáo thường niên: Kinh tế Việt Nam 2014 và Cơ hội đầu tư 2015. Sách giới thiệu và phân tích một số thương vụ cổ phần hóa và kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài điển hình có giá trị từ 7 triệu USD đến 4,3 tỷ USD trong năm 2014. 

Sách cũng đưa ra dự báo lạm phát Việt Nam năm 2015 sẽ duy trì ở mức 4,5% và xuất khẩu dự kiến chạm mốc 150 tỷ USD. Dự báo nợ công sẽ giảm dần do tiến trình CP hóa được đẩy mạnh và các khoản nợ xấu sẽ giảm xuống khoảng 3%.

D.Anh