Công chức, viên chức Hà Nội có gì đặc biệt mà phải có một bộ qui tắc ứng xử riêng, trong khi đã có Luật công chức, Luật thủ đô?

Một bộ quy tắc ứng xử đối với những người làm việc trong hệ thống quản lý, dịch vụ công ở Hà Nội đang được lấy ý kiến để chuẩn bị ban hành vào 1/1/2017 gây nhiều tranh cãi.

Nếu theo đúng như lời lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội thì bộ quy tắc này có quá nhiều thứ trùng lắp không cần thiết, thậm chí là “lơ mơ, khó thực hiện”.

Cụ thể, theo lời ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cái quy tắc này phải nhắc lại những điều đã quy định trong luật, đã có rồi nhưng vi phạm vẫn cứ xảy ra. Một đằng phạt mà không làm thì một đằng mình phải phản ứng, tức là lên án. Họp hành lên án, nhắc nhở, thậm chí là đưa hình ảnh đó lên thông tin đại chúng. Phạt có khi người ta không sợ mà bêu tên lên người ta lại sợ.

{keywords}

Một kiểu hành xử côn đồ của một công chức ở Hà Nội bị dư luận lên án.

Xem ra có một sự mâu thuẫn không nhỏ trong đội ngũ công chức, viên chức ở Hà Nội. Bởi họ là người hướng dẫn, yêu cầu người dân, xã hội sống và làm việc phải tuân thủ pháp luật nhưng vì sao chính họ lại là những người vi phạm pháp luật mà cơ quan chủ quản của họ phải “bó tay”? Vậy ở đây, vai trò làm gương, dẫn đầu của đảng viên, công chức là không có thì sao đòi hỏi xã hội có tôn ti, trật tự được?

Khi chúng ta sống và làm việc trong một xã hội thượng tôn pháp luật thì mọi quan hệ xã hội đều phải được điều chỉnh bằng luật pháp. Là công chức, viên chức thì trước tiên anh/chị đó phải là một công dân tuân thủ pháp luật, biết tôn trọng bản thân và những người xung quanh. Đặc biệt, họ phải biết điều chỉnh hành vi, việc làm cho phù hợp với vị trí, công việc của mình.

Là cán bộ, công chức cũng giống như các công dân khác, họ được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Nhưng điều đó không có nghĩa cán bộ công chức được làm tất cả những việc người khác đang làm.

Đơn cử, việc ăn mặc như thế nào là phù hợp, thật khó đưa ra một định nghĩa hay qui định chính xác, phù hợp với mọi người trong mọi hoàn cảnh. Nhưng đã là một cán bộ, công chức nhà nước họ phải đủ nhận thức để biết rằng, hôm nay tiếp dân thì mặc như thế nào; ngày mai đi dự hội nghị phải ăn mặc ra sao, ngày cuối tuần đi chơi cùng gia đình thì nên ăn mặc như thế nào; Hay đang đi tiệc tùng, hội họp mà phải đi đám hiếu thì phải điều chỉnh cách ăn mặc ra sao.

Chính vì thế, chỉ cần qua cách ăn mặc, cốt cách con người, những người xung quanh có thể đánh giá được người đó là người thế nào, hành vi ứng xử có văn hoá hay không.

Chúng ta đã có Luật Cán bộ công chức, riêng Hà Nội thì có Luật Thủ đô… Vậy cớ sao phải thêm một bộ quy tắc ứng xử nữa cho thêm phần rối rắm? Công chức, viên chức Hà Nội có gì đặc biệt, đặc thù so với các địa phương khác trong cả nước mà cần phải có bộ quy tắc ứng xử riêng?

Ấy là chưa kể, truyền thống Văn hoá của người Việt, mỗi gia đình đã dạy con em mình từ tấm bé đã phải biết “kính trên, nhường dưới”, “chín bỏ làm mười”,…

Theo ý kiến của các chuyên gia và nhiều người dân, Hà Nội chỉ cần tập trung làm nghiêm các quy định đã có thì văn hoá công sở, văn minh đô thị đã tốt lên nhiều lần rồi. Thay vì ra một bộ quy tắc gây nhiều tranh cãi thì Hà Nội nên làm mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các loại văn bản pháp luật, tăng cường ý thức cho mỗi cán bộ công chức và xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm.

Vẫn biết, các nhà quản lý của Hà Nội khá sốt ruột về đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, đặc biệt là sau hàng loạt vụ việc xảy ra khiến dư luận bức xúc. Thế nhưng, việc nâng cao chất lượng, đạo đức hành chính công vụ không phải chỉ ở việc dùng nước hoa thế nào, ăn mặc ra sao, có hình săm hay không… mà còn nằm ở năng lực chuyên môn, trình độ nhận thức, nền tảng văn hoá, ứng xử của mỗi con người. Mỗi cán bộ công chức hãy làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, nghiêm túc chấp hành Luật, văn bản pháp luật hiện có thì sẽ có những con người chuẩn mực, cư xử có văn hoá và khi đó mới mong có nền đạo đức, văn hoá công vụ chuẩn mực./.

Vũ Hạnh/theo VOV.VN

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt