-Hồi đó, những người học xong, lao động hết nhiệm kỳ về nước, được gọi là những người yêu nước. Còn chúng tôi, ở lại tiếp tục "chiến đấu" cho đến ngày hôm nay, mọi người gọi là những người vì nước.

Mở cửa ra chợt khe khẽ gió lạnh, khiến ai cũng phải dừng chân bước để kịp cài cúc áo ngực. Nắng, nhưng không hề gắt mà ngọt mơn man. Bầu trời cao xanh thăm thẳm. Lắng nghe, lắng nghe sẽ thấy hàng bạch dương rì rào câu hát một thời chưa xa.

Phóng tầm mắt sẽ thấy dọc ngang dây điện, đường điện, từng dãy, từng hàng ngay ngắn. Dưới mặt phố là đường ray tàu điện. Không rõ đây là thời khắc nào của thế kỷ nào? Chỉ biết, chúng tôi đang đi trên đường Tự Do, Thành phố Kharkov, Ucraina một ngày đầu tháng 9/2013.

Dẫn chúng tôi đi thăm thành phố là "đôi bạn đàn sáo" - anh Quyền, anh Lợi, như lời họ thú thực. Họ cùng sang hợp tác lao động tại nước bạn từ những năm 80 thế kỷ trước, cùng sống ở "ốp" Búa Liềm và cùng ở lại cho đến ngày hôm nay. Cây đàn, chiếc sáo kết nối họ thành những người cùng công việc, cùng nghĩ suy, gắn bó như anh em ruột thịt nơi đất khách quê người.

{keywords}

Anh Thang Đức Lợi (ngoài cùng bên phải) và các nhà báo VN

Từng học đàn ghi-ta với những người thầy nổi tiếng ở Hà Nội, khi sống trong môi trường cộng đồng ấm áp và thân thương của người Việt ở Kharkov, tài lẻ của anh Quyền càng có dịp phát lộ và được khuyến khích phát triển.

Anh Lợi, anh Thừa...mà sau đó tôi gặp cũng là những người như thế. Anh Quyền kể, có lần vì "chơi" sai một nốt nhạc, có đứa nóng mặt lên, thế là lần lượt bỏ đàn, bỏ sáo xuống, lặng lẽ đi ra ngoài mỗi đứa một góc. Chờ rít hết điếu thuốc, dụi tắt mẩu thuốc và chút tàn lửa cuối cùng, họ lục tục trở lại.

Công việc cộng đồng đang chờ, khách quý bên quê nhà vừa xuống sân bay, doanh nghiệp bạn từ Kiev, Odessa tới ký kết hợp tác, thậm chí một vài đám cưới của bà con người Việt đang vô cùng háo hức ngày mai, ngày sau...làm sao thiếu tiếng đàn, tiếng sáo của họ được?

Hôm nay, dù đang bận chuẩn bị âm thanh loa đài cho các hoạt động của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu lần thứ 7 tổ chức tại Kharkov, các anh vẫn tranh thủ đón tiếp, trò chuyện với chúng tôi.

{keywords}

Tượng đài Bà Mẹ Tổ Quốc

Thì ra những người bạn này còn đảm đương khá nhiều việc do Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ucraina và Tập đoàn Sungroup giao phó. Anh Quyền được giao chăm lo tờ báo điện tử "Tuần tin Quê Hương", anh Lợi lo tờ nhật báo "VietNetKH", còn anh Thừa được giao coi sóc "Câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật Việt Nam tại Kharkov".

Người được "bao cấp", người phải theo cơ chế thị trường, người hoạt động dựa vào tình thương yêu, đoàn kết của cộng đồng. Không ai giống ai nhưng họ đều mang hết tinh thần và nghị lực để làm việc, để bà con yên tâm và các vị lãnh đạo tin cậy, gửi trao.

"Tất cả đều phải học, vừa học vừa làm vừa rút kinh nghiệm, các bác ạ" - anh Thừa thủ thỉ. "Các bác hình dung, chúng em sang đây đi học tập, lao động. Vì hoàn cảnh chung, hoàn cảnh riêng mà ở lại lập nghiệp ở quê hương thứ hai này. Hồi đó, những người học xong, lao động hết nhiệm kỳ về nước, được gọi là những người yêu nước. Còn chúng tôi, ở lại tiếp tục "chiến đấu" cho đến ngày hôm nay, mọi người gọi là những người vì nước".

Những người Việt ở Kharkov, Ucraina đã đoàn kết bên nhau, như nhiều người khác, như anh em chúng tôi đây, để lập nên Làng Thời Đại, nên Sun Light, Sun City, Sun Mall, chùa Trúc Lâm...Để đến bây giờ, ở Kharkov đã có 2 thế hệ người Việt làm ăn, sinh sống với số lượng gần 6.000 người. Chúng tôi cũng vô cùng tự hào khi được lãnh đạo Ucraina và tỉnh Kharkov đánh giá là "Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Ucraina" và là "Công dân hạng nhất của Ucraina".

{keywords}

Tượng đài Lê-nin ở Kharkov

Đến đây thì tôi chợt hiểu vì sao khi mời chúng tôi đi tham quan Kharkov, đầu tiên các anh mời chúng tôi đến trước Quảng trường Tự Do, nơi Tượng đài Lê-nin sừng sững vươn tới cùng thời gian, năm tháng, nơi rất nhiều du khách trên thế giới hàng ngày vẫn đổ về đây. Phía tay phải tượng đài uy nghi là Trường Đại học Tổng hợp Kharkov. Những hàng liễu rủ trong nắng sáng, chảy tuôn một dòng suối lấp lánh, rơi xanh vô cùng quyến rũ.

Rồi hai hàng cây đứng thâm nghiêm dọc đường xa hút vào Tượng đài Bà Mẹ Tổ Quốc. Cả rừng cây dường như đứng im nghe những tiếng nhạc trầm hùng từ thời Chiến tranh Vệ quốc 1941 - 1945 đang phát đi, đang lay gọi tâm khảm mọi người. Ngọn lửa vĩnh cửu vẫn bùng cháy, bùng cháy, bất chấp thời gian, nắng mưa, bất chấp mọi biến thiên của thời cuộc, của thế sự xoay vần.

Những người Việt ở Kharkov 30 năm rồi vẫn sống trong bầu trời yên tĩnh và mưa nắng gió tuyết ấy. Những chiếc tàu điện, xe điện ở Kharkov vẫn ngày ngày đi về trên những tuyến phố ấy, đường ray ấy, chùm dây dẫn ấy.

Những điều tưởng cũ kỹ, tưởng không đổi thay, không hiểu sao cứ in hằn mãi trong ký ức của rất nhiều người, như mãi mãi cùng những người Việt, cùng anh Quyền, anh Lợi, anh Thừa, cùng chúng ta bước tiếp, tự hào.,.

(Còn tiếp)

Bùi Nam Sơn