Đây là yêu cầu của ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tại Hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam ngày 27/12.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến hết nhiệm kỳ 2028 cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm nhưng cũng là thách thức rất lớn khi luật Công đoàn đã cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh công đoàn cơ sở.
Ban Chấp hành Tổng tổng liên đoàn sẽ ra Nghị quyết chuyên đề về nội dung này để thống nhất ý chí hành động, hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Công đoàn cần phải đổi mới hoạt động, chuyển trọng tâm từ nhiệm vụ chăm lo là chính sang đại diện, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động.
Trình bày chuyên đề "Một số nội dung lớn trong Nghị quyết Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam", Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, nghị quyết đặt ra mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý KT-XH.
Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu.