Năm 1975, Việt Nam là một trong các nước nghèo nhất thế giới. Từ đó tới nay, nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến, phần lớn nhờ vào cải cách kinh tế, chính trị. Hơn 45 triệu người thoát khỏi đói nghèo từ năm 2002 tới năm 2018 nhờ phát triển các ngành công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, nhựa, giấy, du lịch và viễn thông. Theo CNN, Việt Nam đang trải qua một cuộc “biến hình” mới bằng công nghệ.
Cơ sở hạ tầng mới giúp người dân dễ dàng tiếp cận Internet. Báo cáo năm 2018 của Google và công ty đầu tư Temasek của Singapore mô tả nền kinh tế số của Việt Nam – tăng trưởng hơn 40%/năm – là “con rồng chưa được tháo xích”. Công nghệ đã thay đổi cách mọi người kinh doanh, sản xuất hàng hóa, giải trí, mua sắm, tổ chức tài chính và liên lạc.
CNN đã phỏng vấn một số lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu như bà Nguyễn Thùy Liên, Giám đốc đầu tư Appota và ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm CEO Tiki.
Appota
Appota ra mắt năm 2011 và hiện có khoảng 40 triệu người dùng trong “hệ sinh thái số” của mình, theo bà Liên. Công ty phát hành các game của các nhà phát triển Trung Quốc, phát triển ví điện tử để mua sắm trong game. Các ứng dụng của Appota bao gồm ứng dụng chia sẻ mật khẩu Wi-Fi, đọc sách, tin tức, phim, truyện tranh và các hình thức giải trí khác.
Báo cáo năm 2019 của Google và Mobile Marketing Association gọi Việt Nam là thị trường “ưu tiên di động” với hơn 51 triệu smartphone, đại diện cho hơn 80% dân số từ 15 tuổi trở lên. Mạng lưới phủ sóng trải rộng khắp khi mọi người ở nông thôn và vùng núi đều có thể sử dụng 3G và 4G. Giá thiết bị và gói cước rất cạnh tranh.
Appota đang điều hành công ty quảng cáo B2B và muốn mở rộng kinh doanh thanh toán di động. Bà Liên phụ trách huy động vốn cho Appota. Bà cho biết việc thu hút đầu tư dễ hơn trước đây và phần lớn quỹ đến từ nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Gần đây, công ty ra mắt “smart lock”, có thể bảo vệ mọi thứ từ cửa cho tới vali. Bà Liên nói sứ mệnh của công ty là tích hợp smartphone hoàn toàn vào văn phòng và gia đình. “Đó là bước tiếp theo trong chuyển đổi số”.
Tiki
Năm 2010, Trần Ngọc Thái Sơn "khai sinh" Tiki trong phòng ngủ tại căn hộ của ba mẹ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyên về các đầu sách tiếng Anh, ông tận dụng gara gia đình làm nhà kho. “Nó là cửa hàng nhỏ nhưng giấc mơ của tôi rất lớn”, ông Sơn chia sẻ.
10 năm sau, Tiki là một trong các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Công ty bán nhiều sản phẩm với trung bình 17 triệu lượt truy cập mỗi tháng và khoảng 4,5 triệu hàng được vận chuyển.
Tiki lớn mạnh cùng với sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường thương mại điện tử. Sự bùng nổ này phản ánh sức trẻ và sung túc của dân số Việt Nam. Ông cho rằng người Việt Nam đón nhận công nghệ mới, lạc quan về tương lai. Ngoài ra, smartphone và Internet đặc biệt rẻ trong khi cạnh tranh khốc liệt giữa các tập đoàn quốc tế và startup địa phương thúc đẩy đổi mới và đem lại lợi ích cho khách hàng.
Các mặt hàng bán chạy nhất trên Tiki là đồ điện tử dù soanh số của các sản phẩm thời trang, phong cách sống cũng tăng mạnh trong năm trước. Năng lực hậu cần là chìa khóa trong thành công của công ty. Theo ông Sơn, Tiki có 33 kho tại 13 thành phố và sở hữu dịch vụ giao hàng trong 2 giờ. Dù vậy, gần 2/3 dân số Việt Nam đang sống tại nông thôn nên thời gian vận chuyển tới các nơi này thường lâu hơn và đắt đỏ hơn.
Ông Sơn cho biết hơn một nửa đơn hàng vẫn là nhận hàng trả tiền. Ông vẫn đang chờ đến ngày thanh toán di động được áp dụng rộng rãi hơn. Khi người bán hàng được thanh toán trước, toàn bộ quy trình sẽ được tăng tốc.